Văn hóa

Phân biệt những ngành của dân tộc Nùng qua trang phục nữ giới

Ngân Hà 03/01/2024 - 21:07

Ở Cao Bằng, người Nùng gồm các ngành: Nùng Inh, Nùng An, Nùng Giang, Nùng Sluồng, Nùng Khen Lài, Nùng Vẻn… Người Nùng phân bố hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh, dân số đứng thứ hai sau người Tày. Người Tày và người Nùng sống chan hòa, đoàn kết giúp nhau xây dựng cuộc sống văn minh, phát triển kinh tế.

Việc cư trú xen kẽ nên các tập quán giữa 2 dân tộc không có nhiều khác biệt, điều dễ phân biệt giữa người Tày và người Nùng là ở trang phục nữ. Áo nữ Tày có tà dài qua đầu gối, áo nữ Nùng có vạt chỉ qua thắt lưng.

Dân tộc Nùng gồm nhiều ngành, mỗi ngành có kiểu áo truyền thống không đồng nhất, trong bài viết tác giả đề cập đến áo nữ của một số ngành người Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Giang, Nùng Sluồng, Nùng Khen Lài.

398-202401031919561.jpg
Trang phục nữ Nùng An (Quảng Hòa).

Người Nùng An cư trú chủ yếu ở huyện Quảng Hòa, một số ít sống rải rác xen lẫn các huyện Hà Quảng. Áo phụ nữ Nùng An được làm từ vải chàm, tay áo nổi bật vì đáp vải màu xanh. Áo có 4 thân, 4 cúc, cổ tròn có nẹp vải diềm bâu trắng, 2 bên áo xẻ tà nẹp vải trắng kẻ đen và một đoạn nẹp vải chàm. Ngoài ra còn có khăn, tạp dề, thắt lưng và miếng đệm vai. Khăn gồm 2 chiếc, đó là khăn đội đầu và khăn quấn tóc. Thắt lưng là một miếng vài chàm dài hơn 1 m, hai đầu có thêu chỉ màu. Tạp dề là một mảnh vải chàm rộng hình chữ nhật, hai đầu có dây buộc, khi dùng buộc đè lên thắt lưng để bảo vệ cho quần áo trong quá trình lao động. Khi gánh vác phụ nữ có thêm miếng đệm trên vai.

Người Nùng Lòi và Nùng Inh cư trú chủ yếu ở các huyện miền Đông như: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang. Áo nữ Nùng Lòi và Nùng Inh được cắt khâu từ vải chàm, áo cài khuy bên cạnh, vạt dài quá thắt lưng có thắt lưng buộc buông thả chấm gấu áo phía sau, tạp dề buộc trước bụng, để tiện cho việc di chuyển tạp dề được gấp lên dắt thắt lưng tạo thành chiếc túi cơ động.

Người Nùng Sluồng cư trú ở huyện Bảo Lạc, một số ít sống rải rác ở huyện Hạ Lang, Trùng Khánh… Áo nữ màu đen chàm, dài gần đến gối, phần gấu hai bên tay áo được đáp bằng vải màu xanh. Phần ngực áo đáp một miếng vải đồng màu với gấu tay áo và kéo dài từ nửa ngực phải đến nách, được cố định bởi hai hàng cúc bằng vải.

398-202401031919562.png
Trang phục nữ Nùng Khen Lài (Hạ Lang).

Người Nùng Khen Lài phân bố chủ yếu ở huyện Hạ Lang, trong đó xã Thị Hoa có 100% người Nùng Khen Lài sinh sống. Thuở xưa, phụ nữ Nùng Khen Lài có gia đình mặc áo chàm, thân áo rộng, ngắn, gấu áo chỉ chớm thắt lưng, cài khuy ngang bên cạnh cổ thấp, ống tay áo vừa phải, gần cổ tay đắp khoanh vải khác màu có họa tiết hoa văn.

Ngày nay, kỹ thuật in hoa văn trên vải của phụ nữ Nùng Khen Lài hầu như bị mai một, hiện phụ nữ mặc áo chàm buông, không thắt lưng, vạt ngang hông, gấu tay áo có viền vải hoa sặc sỡ. Nữ Nùng Khen Lài đầu búi tóc chặt ép trên gáy, khăn đội đầu bằng mảnh vải buộc thắt chéo dưới búi tóc, hai đuôi khăn buông sau gáy, khi gánh gồng có đeo thêm miếng vải lót vai. Tạp dề đeo lệch sang bên hông thuận tiện cho việc đi lại.

Người Nùng Giang phân bố chủ yếu ở các xã: Vân An, Cải Viên, Thượng Thôn, Hạ Thôn, Mã Ba, Tổng Cọt (Hà Quảng), một số ít cư trú trên địa bàn huyện Trùng Khánh. Trang phục của người Nùng Giang được làm từ vải chàm, áo của phụ nữ là loại áo ngắn, cái khuy ngang, cài khít cổ, tay và phần ngực không rộng cũng không quá chật, phía thân áo xẻ tà, gấu to bản cao khoảng 10 cm, áo dài quá cạp quần, thoạt nhìn sẽ nhận thấy áo phụ nữ Nùng Giang là loại áo ngắn.

Ngày nay, chỉ những phụ nữ có tuổi mới mặc áo chàm, còn phụ nữ trung niên và thanh niên mặc áo màu xanh hoặc kẻ ca rô được may theo kiểu áo truyền thống, thân ngắn chỉ qua thắt lưng phần vải khác màu khâu đáp dọc nẹp áo ngực. Người Nùng Giang thích bịt răng bằng vàng (đó là chiếc răng gần răng cửa) để làm đẹp và thể hiện sự giàu có của bản thân và gia đình.

Mặc dù trang phục nữ giữa các ngành Nùng có sự khác nhau nhưng trong tập quán luôn có điểm chung, đó là bàn thờ không để giữa nhà mà ở phía bên phải hoặc bên trái của gian giữa; người Nùng không có tục giỗ người đã khuất, có tục mừng sinh nhật cho cha mẹ khi 49 tuổi trở lên…

Theo dòng chảy của thời gian, di sản văn hóa của người Nùng, trong đó có trang phục truyền thống của nữ giới vẫn luôn tồn tại cùng tộc người, cùng với phong tục, tập quán di sản văn hóa của người Nùng tạo nên bản sắc độc đáo, góp phần tô thắm nét văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Ngân Hà