Đời sống xã hội

Trải nghiệm văn hóa người Tày tại bản làng Thái Hải

Ghi chép của Lê Đại 03/01/2024 - 18:52

Một lần đến Thái Nguyên - vùng đất của những địa điểm du lịch nổi tiếng như: Khu di tích ATK Định Hóa, hồ Núi Cốc, thác Nậm Rứt, những đồi chè xanh mướt Tân Cương… chúng tôi có dịp trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa người Tày tại bản làng Thái Hải (khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải) ở xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên). Không gian xanh mướt, cuộc sống mộc mạc, bình yên với những nét văn hóa đặc sắc của người Tày đã để lại ấn tượng sâu sắc khi đến nơi đây.

398-202401031830181.jpg
Người dân và du khách trước khi vào bản Thái Hải rửa tay tại giếng làng xanh mát.

Không đặt lịch trước, nhưng khi xe vừa dừng bánh, người dân bản làng Thái Hải đã ra tận nơi, mời khách vào khu vực đón tiếp của làng uống nước. Biết chúng tôi có ý tìm hiểu về văn hóa người Tày được bảo tồn tại đây, chị Ma Thị Hoa, một người dân hăng hái dẫn đoàn đi thăm và giới thiệu về bản làng.

‎Chị Hoa kể rằng, những năm đầu thế kỷ 21, đồng bào dân tộc Tày ở nhiều nơi có xu hướng thay thế nhà sàn truyền thống bằng nhà xây gạch, xi măng. Nhiều nhà sàn bị phá bỏ làm củi hoặc người dân các nơi mua lại. Xót xa trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, một người sinh ra và lớn lên ở Định Hóa đã có ý tưởng giữ gìn lại những ngôi nhà sàn truyền thống. Từ năm 2003, bà chắt chiu, mua lại những ngôi nhà đó và phục dựng nguyên bản tại vùng đồi xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên). Hiện bản làng Thái Hải có 30 ngôi nhà sàn nguyên bản có tuổi đời gần thế kỷ. Bản làng có gần 200 người dân, chủ yếu người Tày, ngoài ra còn có một số hộ người dân tộc khác đến sinh sống như: Nùng, Kinh, Sán Chay, Dao.

Mục đích thành lập ban đầu của bản làng Thái Hải không phải để khai thác du lịch mà là bảo tồn văn hóa truyền thống. Xong nơi đây cảnh đẹp, lại có nhiều món ăn ngon, người dân các nơi đến tham quan, trải nghiệm. Từ năm 2011, bản làng Thái Hải mới chính thức làm du lịch cộng đồng. Hiện, Thái Hải được chia thành nhiều khu vực như: Khu bảo tồn, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí - tổ chức sự kiện… đáp ứng nhu cầu tiếp đón, phục vụ ăn, uống, ngủ, nghỉ cùng lúc hơn 1.200 khách, khoảng 500 khách lưu trú. Mặc dù vậy, người dân trong làng vẫn bảo nhau gìn giữ, để những nét văn hóa truyền thống của người Tày không mất đi.

Nhiều đồ dùng, vật dụng như cối xay thóc, cối giã gạo, mâm ăn cơm bằng gỗ, rổ rá, bồ đan bằng tre, nứa để đựng đồ đạc… vẫn được sử dụng hàng ngày. Người dân trong bản mặc trang phục truyền thống, nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc Tày, tập luyện, trao truyền hát Then, đàn Tính… Bản làng còn gìn giữ được các nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh theo truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng, lễ mừng thọ, cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên…

‎Một nét đặc sắc nữa là tính cộng đồng rất cao, người dân trong bản làng Thái Hải như một gia đình lớn. Trưởng bản đứng lên lo cho cả làng cùng ăn một nồi cơm, uống chung một nguồn nước, cùng tiêu một túi tiền. Những nhà có việc lớn được tổ chức tập trung tại làng. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng, sau một hồi mõ báo, các gia đình thức dậy, đàn ông cời bếp, thổi lửa, mài dao chuẩn bị cho một ngày lao động. Đàn bà, con gái ra giếng làng lấy nước, đun nước pha trà. Sau khi ăn sáng tập trung, mỗi người một việc: Người đi lấy củi, trồng rau, chăn nuôi gà lợn, đánh bắt cá, trẻ nhỏ đến lớp học, người đón tiếp khách tham quan.

398-202401031830182.jpg
Nhà thuốc gìn giữ nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quí.

Đi trên những con đường uốn lượn quanh co, nhìn những nếp nhà sàn trên sườn đồi, dưới tán cây xanh mát thấy cuộc sống của người dân nơi đây thật bình yên. Đến đầu bản làng, chị Ma Thị Hoa hướng dẫn mọi người ra giếng rửa tay. Đối với người dân tộc Tày, việc rửa tay không chỉ phòng dịch bệnh mà còn có ý gột rửa những điều đen đủi. Người Tày rất hiếu khách, trước cổng làng luôn có một cái mõ được làm bằng gỗ và một hàng rào ngăn cách với bên ngoài.

Khi khách đến thường phải dùng gậy hoặc đòn đánh vào mõ. Tiếng mõ vang vọng khắp làng để người dân biết, nhà rượu chuẩn bị rượu, nhà chè chuẩn bị chè tiếp khách quý đến chơi. Người Tày ở nhà sàn, lợp mái lá được xây cất trên sườn các quả đồi ven con đường lớn. Nhà có chỗ ngồi riêng cho đàn ông con trai và chị em phụ nữ.

Người Tày không quay lưng vào ban thờ, không quay lưng vào bếp củi. Muốn lên nhà sàn thì phải đi lên cầu thang. Người dân quan niệm, cầu thang là nơi kết nối mặt đất với nhà, kết nối thiên nhiên với con người vì vậy không để vật cản, không ngồi ở cầu thang. Đàn ông là trụ cột gia đình, là người làm kinh tế chủ yếu còn phụ nữ lo quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái vì thế khi lên cầu thang, đàn ông sẽ lên trước…
‎Trung tâm của làng Thái Hải được coi là trái tim của làng, tại đây có nhà thờ chung, khoảng sân rộng để tổ chức hoạt động, hội lớn. Bên cạnh là nhà chè, nhà rượu, nhà thuốc… để phục vụ người dân, du khách. Tối đến, người dân ai muốn uống chè thì lên nhà chè, ai muốn uống rượu thì lên nhà rượu; trong ngày ai bị ốm đau thì lên nhà thuốc...

Mùa thu, không khí trên bản làng Thái Hải mát mẻ, dịu ngọt. Ngồi trong ngôi nhà rượu, nghe làn điệu hát Then “Thái Hải yêu thương” cất lên bằng tấm lòng, từ tình cảm của bà con, nâng ché rượu nếp thơm phức cảm nhận được sự mộc mạc nhưng đằm thắm nghĩa tình của người dân nơi đây. Thái Hải thực sự là bản làng giàu bản sắc văn hóa của đồng bào Tày ở Thái Nguyên.

Ghi chép của Lê Đại