Những người giữ “hồn” văn hóa dân tộc Ơ Đu
Ơ Đu là một trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người, sinh sống duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tập trung chủ yếu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương.
Năm 2006, người Ơ Đu trên địa bàn Tương Dương di chuyển về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn nhường đất xây dựng Thủy điện Bản Vẽ. Sau 17 năm, cuộc sống của người Ơ Đu hôm nay có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc sống cộng cư nên những giá trị văn hóa tiêu biểu mang tính nhận diện của dân tộc Ơ Đu đang dần bị mai một. Đau đáu trước thực trạng này, nhiều năm qua, tại bản Văng Môn, nhiều người đã lặng thầm, miệt mài với công việc bảo lưu, trao truyền những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Ơ Đu cho thế hệ con cháu mai sau.
Đau đáu về trang phục truyền thống
Hiện nay, trong bản Văng Môn chỉ có bà Vi Thị Dung (76 tuổi) và vài phụ nữ khác nắm giữ được kỹ thuật dệt, thêu hoa văn và làm ra bộ trang phục truyền thống nam, nữ của người Ơ Đu. Dù tuổi cao nhưng hàng ngày, bà vẫn dành thời gian miệt mài bên khung cửi, dệt, thêu nên những bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu và truyền dạy lại nghề cho người dân trong bản.
Theo bà Dung, để có đủ lượng vải cho bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Ơ Đu (gồm váy, dây thắt lưng, áo, khăn quàng) phải dệt, thêu từ 15 - 20 ngày. Công việc dệt và thêu hoa văn tiến hành cùng lúc trong quá trình dệt nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, chăm chỉ của người dệt, thêu và phải nhớ được họa tiết, hoa văn, nắm kỹ thuật “chạy sợi”. Thế hệ thanh niên trong bản hiện không làm nữa, chỉ số ít người già còn biết được nghề dệt. Tuy nhiên, họ không làm trang phục truyền thống mà dành thời gian làm việc khác.
Bà Vi Thị Dung chia sẻ, gia đình bà chuyển về bản Văng Môn định cư từ năm 2007. Năm 2010, bà bắt tay sưu tầm và làm trang phục của dân tộc Ơ Đu cho người dân trong bản. Bà đã có tuổi nên có trách nhiệm gìn giữ, truyền dạy lại cho con cháu cách thức tạo ra bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Có nhiều đoàn đến nhờ bà thêu dệt, bà tích cực làm cả ngày đêm. Chính những điều này tạo động lực để bà thêm yêu nghề, tin yêu vào việc gìn giữ, trang phục của dân tộc mình.
Cũng theo bà Dung, xuất phát từ nguồn gốc xa xưa mà trang phục của dân tộc Ơ Đu có đặc điểm khác với dân tộc khác. Dễ nhận biết nhất là váy của người Ơ Đu màu đen, áo màu đen, chân váy ít họa tiết, hoa văn hơn...
Thực tế hiện nay ở bản Văng Môn, từ nỗ lực của cá nhân bà Vi Thị Dung, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ơ Đu trong bản vẫn được duy trì. Nhiều chị em đã ý thức được việc cần thiết phải bảo tồn, gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc.
Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, bản Văng Môn hiện nay vẫn có các chị, các mẹ người Ơ Đu duy trì nghề dệt thổ cẩm. Các mẹ, các chị tự dệt, thêu sau đó may thành bộ trang phục truyền thống của dân tộc Ơ Đu. Trang phục của người Ơ Đu với màu đen là chủ yếu, ngoài ra có bổ sung thêm một số hoa văn rất nổi bật, có nét đẹp, phong cách riêng.
Theo ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương, trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Ơ Đu, kế thừa các giai đoạn trước, hiện nay, người Ơ Đu ở bản Văng Môn được hỗ trợ một số hiện vật như khung dệt cửi, quần áo, nhạc cụ. Hiện bà con người Ơ Đu đang bảo quản, phát huy tốt.
Nặng lòng với ngôn ngữ, tiếng nói của người Ơ Đu
Tại bản Văng Môn, ông Lo Thanh Bình (75 tuổi) là người nặng lòng với việc gìn giữ tiếng nói của người Ơ Đu. Ông Lo Thanh Bình cho biết, tiếng nói của người Ơ Đu phát âm rất khó, khó nhớ nên rất mau quên, khó học. Trong bản rất ít người biết sử dụng tiếng nói của người Ơ Đu nên càng khó duy trì, phổ biến, dẫn đến thực tế là người biết nói tiếng Ơ Đu cũng không biết sử dụng để nói với ai.
Ông Lo Thanh Bình chia sẻ, dân tộc Ơ Đu trước đây có tiếng nói riêng, dù chưa hoàn hảo vì có những câu, từ phải “vay mượn” của dân tộc khác để diễn đạt. Từ trước năm 1960, khi còn ở xã Kim Đa (huyện Tương Dương), khoảng 50% dân số người Ơ Đu trong bản vẫn dùng ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc mình để trò chuyện hằng ngày. Sau này, khi các dân tộc khác như Thái, Khơ Mú hòa nhập vào trong bản, tiếng nói của người Ơ Đu mất dần. Trong bản chỉ có ông và một vài người khác như các ông Lo Văn Cường, Lo Văn Khánh... còn nói được tiếng Ơ Đu.
Tuy nhiên, vốn ngôn ngữ đó rất có hạn, chủ yếu liên quan đến số đếm, con vật, đồ vật, hoa quả, cây cối, địa danh, nhạc cụ, câu hội thoại trong sinh hoạt, lao động, sản xuất...Đau đáu về sự mất dần tiếng nói của cha ông, nhiều năm qua, ông Lo Thanh Bình dành thời gian nghiên cứu tài liệu, giáo án để củng cố, bổ sung vốn ngôn ngữ; đồng thời luyện đọc có sự phát âm chuẩn tiếng nói của dân tộc mình. Đặc biệt, với mong muốn khôi phục lại tiếng nói của người Ơ Đu, bất cứ ai trong bản Văn Môn muốn học tiếng nói của người Ơ Đu, ông Lo Thanh Bình đều sẵn sàng truyền bày dạy miễn phí theo hình thức truyền khẩu.
Ông Kha Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Nga My cho biết, những năm qua, các cấp, ngành rất quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của người Ơ Đu. Từ đó phát hiện một số cá nhân đã và đang từng ngày lưu truyền, giáo dục lại cho thế hệ trẻ truyền thống văn hóa quý báu của người Ơ Đu. Đặc biệt trong đó có bà Vi Thị Dung chuyên dệt thổ cẩm để may những bộ trang phục của người Ơ Đu; ông Lo Văn Cường đang giữ lại bài cúng, nghi lễ tín ngưỡng trong phong tục, tập quán, luật tục của người Ơ Đu; ông Lo Thanh Bình người biết sử dụng tiếng nói của người Ơ Đu và có tâm huyết dạy lại cho người dân trong bản. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Ơ Đu được bảo tồn, lưu giữ.
Đối với những cá nhân đang có đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Ơ Đu, hằng năm, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm và tuyên dương để ghi nhận, tôn vinh, khuyến khích họ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Ơ Đu.
Cũng theo ông Kha Văn Lập, trong các hoạt động bảo tồn văn hóa, xã đều ưu tiên thực hiện ở bản Văng Môn. Hiện nay, các Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn đều lồng ghép chương trình địa phương vào trong giảng dạy, giáo dục, trong đó có ưu tiên giảng dạy văn hóa dân tộc Ơ Đu.
Năm 2020, huyện Tương Dương có 17/146 bản, làng thuộc 9/17 xã, thị trấn có người Ơ Đu sinh sống, với hơn 130 hộ, trên 380 nhân khẩu. Riêng tại xã Nga My, người Ơ Đu sinh sống ở 4 bản, gồm: Văng Môn, Pột, Bay và Xốp Kho với 112 hộ. Trong đó, bản Văng Môn tập trung đông nhất, với 102 hộ, 345 nhân khẩu. Nhịp sống bản tái định cư Văng Môn của người Ơ Đu hôm nay có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Người dân nơi đây đã biết chú trọng phát triển sản xuất, chăn nuôi; quan tâm tới việc học hành của con em. Các phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa được người dân ý thức gìn giữ. Trong sự phát triển đó, những nỗ lực, đóng góp của các cá nhân như ông Lo Thanh Bình, bà Vi Thị Dung thật đáng trân trọng.