Đặc sắc văn hóa bản địa vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông là nơi quần cư, hội tụ của hơn 40 dân tộc. Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa đặc sắc, được tích từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Đối với đồng bào các dân tộc bản địa M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh, tri thức bản địa được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tiễn như việc chọn đất canh tác, đất ở, nguồn nước, hình thành cách thức sản xuất và cảm nhận về thế giới quan. Tùy theo điều kiện quần cư mà các dân tộc khai thác đất sản xuất, đất ở theo kinh nghiệm riêng phù hợp với cây trồng, vật nuôi và tìm ra phương thức sản xuất đặc trưng.
Thông thường, đồng bào thường chọn đất gần nguồn nước để thuận tiện cho sinh hoạt, canh tác. Điều này cho thấy tri thức bản địa rất quan trọng, từ mỗi loại hình đất, điều kiện tự nhiên, mỗi dân tộc lại lựa chọn cho mình cách làm nhà phù hợp.
Do cuộc sống gắn bó với núi rừng nên đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê luôn có kinh nghiệm trong việc nhận biết về rừng và khai thác rừng một cách hiệu quả. Kinh nghiệm đó được biểu hiện qua các yếu tố như phân loại rừng già và rừng chồi của người M’nông; rừng thiêng và rừng sản xuất của người Mạ; rừng đầu nguồn và rừng non của người Ê đê...
Với những cánh rừng già, rừng thiêng, rừng đầu nguồn... được đồng bào xem là nơi trú ngụ của thần linh nên không được khai hoang phát rẫy canh tác. Các dân tộc cũng đề ra những quy tắc vừa khai thác rừng vừa bảo vệ rừng, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt. Do đó, đồng bào thường khai phá, canh tác trên những cánh rừng mà già làng (người uy tín) khẳng định đủ tiêu chuẩn mà không sợ vi phạm bởi bất kỳ quy định nào trong luật tục.
Đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê thường dựa vào sức mạnh tập thể để khai phá, dựng nhà cửa trong bon. Sau khi đã xác lập được quyền làm chủ vùng đất, đồng bào thường dựng nhà cửa, canh tác, trồng trọt, săn bắt, hái lượm những sản vật từ rừng và thường gọi tên thần rừng, thần sông mỗi khi cúng tế...
Khi chọn nguồn nước, đồng bào thường phân loại từng loại; nước từ khe suối, nước mưa, mạch nước ngầm. Theo quan niệm, mỗi sự vật hiện tượng đều có nguyên do và được cai quản bởi một vị thần tương ứng. Do đó, người dân sử dụng nguồn nước dùng sinh hoạt và sản xuất, đánh bắt tôm cá... đồng thời không làm ô uế xuống con nước đầu nguồn. Nếu vi phạm con người sẽ bị thần linh trừng phạt bằng cách làm khô nguồn nước...
Do cuộc sống gắn bó từ núi rừng nên nguồn thực phẩm chính cũng được khai thác từ rừng, dựa vào rừng để sinh tồn. Các dân tộc tìm hiểu từng loài vật, loài cây về quá trình sinh trưởng, di cư, nơi phân bổ, mùa sinh sản, dấu vết đặc trưng... từ đó có kinh nghiệm khai thác khác nhau.
Trong quá trình khai thác những sản phẩm từ rừng, các thế hệ đi trước truyền dạy cho thế hệ sau nhiều kinh nghiệm quý báu như quan sát phương hướng không bị lạc trong rừng, dấu chân từng loài thú để theo dõi, biết cách hái cây rừng, đặc tính các loại cây thuốc trong tự nhiên để bồi bổ và chữa bệnh...
Mặt khác, dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn, đồng bào DTTS hình thành nên một hệ thống nghi lễ liên quan đến các hoạt động nông nghiệp. Cách nhận biết về thời tiết thông qua những đặc điểm của tự nhiên, kinh nghiệm làm các nghề thủ công truyền thống. Kiến thức về văn hóa dân gian, lễ hội. Việc nhận biết về các loài cây, thời gian có thể trồng trọt trong điều kiện thời tiết và địa hình khác nhau. Kinh nghiệm canh tác, chăn nuôi, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm...
Trong mối quan hệ cộng đồng, tinh thần cố kết dân tộc luôn được đồng bào các DTTS đề cao và xem đó là sức mạnh để xây dựng nên một bon làng giàu có. Mỗi khi trong bon có gia đình nào gặp hoạn nạn, hay khó khăn thì biết đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Tất cả những tri thức bản địa này đều được phản ánh một cách chân thật qua sử thi M’nông (Ót N’drong) của người M’nông hay sử thi Ê đê (kể khan)... Đây là một trong những kho tàng văn hóa quý giá của cư dân bản địa vùng CVĐC Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Nông đã tổ chức hướng dẫn và phục dựng 18 lễ hội; 4 ngày hội văn hóa như: Lễ hội “Tăm Blang M’prang bon” của dân tộc M’nông (huyện Krông Nô); lễ hội sum họp cộng đồng (R’nglăp bon) của dân tộc M’nông (huyện Đắk R'lấp); lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Nùng (các huyện: Krông Nô, Đắk Glong, Đắk Mil); lễ hội cúng bến nước của dân tộc Mạ (huyện Đắk Glong)...
Bên cạnh những tri thức đồng bào các dân tộc bản địa, những năm gần đây, đồng bào các dân tộc phía Bắc như Tày, Dao, Nùng, Mông, Thái... vào định cư lập nghiệp cũng đã mang theo một nguồn tri thức hết sức phong phú, đa dạng và bổ sung vào hệ thống tri thức của địa phương.
Theo Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, một trong những tiêu chí của CVĐCTC UNESCO đó là việc lồng ghép kiến thức bản địa hay tri thức địa phương với tri thức hàn lâm khoa học trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển của một vùng. Việc tìm hiểu, phát huy bản sắc các dân tộc qua tri thức bản địa không chỉ góp phần đánh thức các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một. Bảo tồn, phát huy tri thức bản địa mỗi DTTS gắn với những giá trị văn hóa đặc sắc sẽ góp phần “đánh thức” tiềm năng du lịch, văn hóa của Đắk Nông theo hướng đa dạng sản phẩm và loại hình, hỗ trợ tương tác giữa các điểm du lịch, đa dạng cơ cấu ngành nghề du lịch của tỉnh.