Đưa "hồn quê" vào cuộc sống
Nhắc đến nghề đan lát mây, tre, thì làng Bao La ở Huế là địa điểm được nhiều người biết đến nhất. Bao La nằm trong thôn xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, cách trung tâm thành phố Huế hơn 12km. Với hàng trăm năm lịch sử, làng Bao La đã trở thành một trung tâm nghề đan mây tre truyền thống. Điều này không chỉ làm cho làng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách, mà còn giữ được bản sắc “hồn quê” trong từng sản phẩm. Việc duy trì và phát triển nghề truyền thống tại làng Bao La không chỉ làm cho làng trở thành điểm đến du lịch độc đáo mà còn đóng góp vào việc cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình nông dân. Nghề đan mây tre không chỉ là nguồn thu nhập ổn định mà còn là phương tiện giúp giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế cộng đồng.
Nghề đan lát của làng Bao La được hình thành từ đầu thế kỷ XIX, dưới triều vua nhà Nguyễn. Sản phẩm đan lát của làng Bao La đã được mọi người biết đến và ca ngợi qua truyền khẩu câu ca dao đã có từ lâu. Sản phẩm đan lát của làng Bao La đẹp và bền. Từ những bàn tay khéo léo, cứ sản xuất ra chừng nào, là hết chừng đó.
Nhưng, từ khi đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, hàng công nghiệp xuất hiện và xâm chiếm thị trường, sản phẩm mây tre đan Bao La tưởng chừng rơi vào khủng hoảng. Sản phẩm của Bao La tiêu thụ rất yếu vì giá rẻ, lại không tìm được đầu ra, dẫn tới việc bà con bỏ nghề rất nhiều.
Trước thăng trầm và nguy cơ mai một của làng nghề hàng trăm năm tuổi, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chính sách khôi phục làng nghề. Năm 2007, Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La được thành lập với định hướng khôi phục và phát triển làng nghề gắn với du lịch.
Với chính sách vay vốn để phát triển của ngân hàng chính sách xã hội, làng nghề đã được vực dậy, tạo việc làm ổn định, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, với mức 4-6 triệu đồng/tháng. Làng nghề đan lát mây tre Bao La được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận danh hiệu là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 16/4/2013.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây, tre đan Bao La cho biết: “Trước đây, sau mỗi mùa cấy, gặt, làng lại đan rổ, rá, thúng, mủng để phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong gia đình của mình. Đan lát mây tre, vừa là nghề phụ, nhưng cũng là nghề chính trong làng. Làng Bao La có 6 xóm, mỗi xóm đều gắn với những sản phẩm đan lát khác nhau. Được sử làng ghi lại, bao gồm xóm Chợ đan giần, sàng, xóm Đông đan thúng, mủng, xóm Chùa chuyên sản xuất rá, xóm Đình, xóm Hóp đan rổ, xóm Cầu thì đan nia.
Sau 16 năm hình thành và phát triển, hiện HTX có 130 người dân tham gia. Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trong và ngoài nước, HTX đã thiết kế và sản xuất được 500 mẫu. Ngoài các sản phẩm truyền thống được sử dụng trong nông, lâm, ngư nghiệp, chúng tôi còn sản xuất thêm nhiều mặt hàng khác như đồ thủ công mỹ nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Tre không chỉ là loại cây gắn bó với làng quê Việt Nam mà còn là nét đẹp truyền thống. Tre tưởng chừng đơn giản nhưng lại cần thiết đối với cuộc sống của người dân. Sản phẩm mây, tre đan Bao La phần lớn được làm từ một nguyên liệu là cây tre lồ ô, thân thẳng, đốt dài. Người ta chọn những cây tre già, dài long, đem phơi nắng. Sau đó, đem cưa thành từng đoạn dài ngắn khác nhau, đem chẻ và vót thành nan. Tùy theo từng loại sản phẩm mà vót nan dày, hay mỏng, ngắn hay dài. Tiếp đó, nan được đan thành những sản phẩm độc đáo khác nhau.
Nghệ nhân Thái Phi Hùng, thành viên của HTX mây tre đan Bao La chia sẻ: “Để sản phẩm mây tre đan Bao La ngày càng phong phú, chúng tôi cơ giới hóa tăng năng suất lao động và kết hợp kỹ thuật truyền thống với kiến thức khoa học hiện đại. Mang lại những nét riêng biệt, độc lạ cho dòng sản phẩm mây tre đan, hướng tới khách du lịch và thị trường xuất khẩu”.
Mặc dù có nhiều làng nghề đan lát mây tre, nhưng làng Bao La có những sản phẩm đặc trưng riêng. Điểm mới không chỉ ở hình thức, hoa văn phong phú mà còn ở công năng đa dạng của sản phẩm. Hàng mây tre đan hiện nay, không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn là những sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch, văn hóa rất sinh động. Nổi bật là những chiếc đèn lồng sang trọng và tinh tế, song cũng rất mộc mạc dân dã, cách tân mà vẫn mang đậm truyền thống.
Từ những cây tre, cây mây quen thuộc, người dân làng nghề Bao La đã thổi “hồn quê” vào, thành những sản phẩm độc đáo phục vụ cuộc sống, phục vụ khách du lịch và đưa tre làng Việt Nam ra thế giới. Qua các triển lãm, hội chợ quốc tế, lễ hội Festival và Festival truyền thống, sản phẩm làng nghề Bao La đã quảng bá và thu hút được nhiều khách hàng, đối tác. Doanh thu hàng năm của làng nghề Bao La tăng từ 10-15%, có năm tăng từ 20-30%. Riêng năm 2023, doanh thu của HTX mây tre đan Bao La ước tính đạt khoảng 6 tỷ đồng. Không chỉ tôn vinh hàng mây tre thôn quê dân dã, mà làng nghề Bao La còn góp phần đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
Ngày 6/5/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 1008/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch đối với làng Bao La, mở hướng đi mới cho làng nghề. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề của tỉnh đến năm 2030, với mục tiêu giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề địa phương. Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Là tinh hoa của bao thế hệ, làng Bao La danh tiếng như câu ca dao xưa kia, nay đã chuyển mình đi lên, cho thêm nhiều sản phẩm mới.
Mong rằng, với nhiệt tâm cùng lòng yêu nghề của mình, nghề đan lát mây tre ở làng Bao La sẽ tiếp tục tiến xa và vững chắc hơn.