Thanh niên La Pán Tẩn liên kết làm kinh tế
Xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) là một xã đặc biệt khó khăn, địa hình xa xôi cách trở. Cũng vì xa xôi nên không lạ khi những năm 1990 trở về trước, khắp vùng núi La Pán Tẩn này chỉ toàn cây thuốc phiện. La Pán Tẩn ngày nay đã thật sự thay da đổi thịt với những mô hình hợp tác làm kinh tế tập thể của đồng bào người Mông, đặc biệt là thanh niên trên địa bàn.
Trước đây, du khách đến La Pán Tẩn phần nhiều là khách nước ngoài. Họ thường mang theo lều trại, hoặc nghỉ lại ở thị trấn Mù Cang Chải hay ngoài ngã ba Kim rồi ban ngày đi vào ngắm cảnh trong bản, chứ ít khi vào tận đây ăn, ở. Từ những năm 2010, xã triển khai đưa một số thanh niên đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La). Từ năm 2016, xã bắt đầu có mô hình du lịch cộng đồng, song phải từ 2018 và đặc biệt là sau dịch Covid-19, nhiều công ty lữ hành tìm đến, dịch vụ lưu trú được mở rộng hơn, nhiều hộ đầu tư mở rộng nhà cửa để đón khách.
Hảng A Cổn là một trong những thanh niên người Mông được xã cử đi học ở Sơn La. Vợ anh, chị Khang Thị Cở cũng đi học một lớp nấu ăn. Năm 2021, Cổn bàn với vợ vay vốn cải tạo căn nhà sàn nhỏ của 2 vợ chồng và mẹ để làm thành homestay đón khách muốn trải nghiệm cuộc sống cùng gia đình. Với số vốn vay 10 triệu, hai vợ chồng sửa chữa nhà tắm, nhà vệ sinh, mua sắm chăn, ga, màn, nệm… và đến nay đã đón nhiều du khách cả trong và ngoài nước.
“Thanh niên trong bản cùng nhau làm, mỗi người một việc. Dọc cái dốc này, nhà em làm homestay, nhà A Kế làm rượu thóc, Thào làm rèn... Vào đội xe ôm cũng chia nhau như thế. Lúc có khách là mình giới thiệu sang chứ mình không làm tất được”, Hảng A Cổn giải thích với chúng tôi.
Năm 2022, xã La Pán Tẩn đã ra mắt hợp tác xã Du lịch đồi mâm xôi La Pán Tẩn. Hợp tác xã có 9 thành viên và hiện nay đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Mỗi thành viên HTX đăng ký ngành nghề sản xuất, kinh doanh phù hợp với lợi thế sẵn có của gia đình. Đến năm 2023, thanh niên xã tiếp tục thành lập Tổ xe ôm du lịch gồm 500 thành viên, chia thành 5 tổ đại diện cho 5 bản của xã. Nhờ vậy cả xã đã xác định mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch và lữ hành; sản xuất phân bón nông sản, đặc sản địa phương và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; phát triển văn hóa cộng đồng; bảo tồn phát triển cảnh quan đồi Mâm xôi.
La Pán Tẩn có nhiều ruộng bậc thang nhất Mù Cang Chải, nhất là những ruộng “mâm xôi” tỏa ra đều và đẹp mắt, đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải phân bố trên diện tích khoảng 7.000ha, trong đó hơn 12% diện tích được khoanh vùng bảo vệ tập trung ở 16 thôn, bản thuộc các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải.
Những năm gần đây, du lịch tham quan ruộng bậc thang và cảnh sắc bốn mùa La Pán Tẩn nở rộ, nhiều du khách biết đến địa danh mới chỉ vài năm trước còn đi lại khó khăn. Những người trẻ như A Cổn mới chỉ vài năm trước chưa biết sẽ làm công việc gì, nay đã có hướng đi vững vàng, có suy nghĩ mới về cách làm kinh tế trên đất quê hương.
Từ ngày cả xã làm du lịch cộng đồng, ai cũng có thể đóng góp một phần trong đó vì mỗi du khách ghé qua bản là một khách hàng tiềm năng. Mỗi dịp lễ hội và vào mùa lúa trên ruộng bậc thang chín rộ, cuối tuần nào cũng kín khách đặt chỗ trước. Vì đường lên các ruộng mâm xôi đa phần là đường ruộng, đường đất chứ không thể bê tông hoá làm phá vỡ cảnh quan, nên công việc của đội xe ôm La Pán Tẩn cũng khá bận rộn khi vào mùa. “Làm cùng mới giúp được nhau. Có lúc nhiều khách gọi mà mình hết chỗ, mình lại gọi cho nhà Dò Gù, nhà A Kim xem còn chỗ không rồi báo khách gọi sang đấy. Mỗi nhà một việc, khách muốn tham quan ruộng bậc thang mình cũng chỉ chỗ mua vé và khuyên họ gọi đội xe ôm vừa hướng dẫn du lịch, vừa chở tới tận nơi rất an toàn”, A Cổn nói. Các HTX được thành lập đã khuyến khích người dân tiếp tục phát triển kinh tế trên đất đai của gia đình, từ đó giúp nhiều hộ vừa có công ăn việc làm vừa có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Còn trong ngày thường, liên kết giữa các hộ lại càng khăng khít, họ không chỉ giúp nhau làm kinh tế, chia ngọt sẻ bùi mà còn tương thân tương ái, giúp đỡ nhau những khi khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, hay khi thiên tai như lũ lụt, sạt lở bất ngờ. Lại một mùa rét đậm kéo dài, ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, nhiệt độ càng lên cao càng hạ, có thể còn nhiều đợt lạnh trong những ngày tới, thanh niên ở bản La Pán Tẩn cắt cử chia nhau, người đi cắt cỏ, người đem chăn đem chiếu che đậy kín các chuồng nuôi súc vật, đề phòng khi nhiệt độ xuống thấp cùng với mưa phùn có thể khiến vật nuôi bị rét.