Văn hóa

“Giữ lửa” nghề đan lát truyền thống tại quê hương Anh hùng Núp

Trần Sỹ-Thùy Dung 30/12/2023 - 09:54

Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, cùng với đó là sự ra đời của vô số các thiết bị hiện đại, nhưng các nghệ nhân người dân tộc thiểu số Ba Na tại làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai) vẫn phát triển mạnh mẽ nghề đan lát. Họ vừa bảo tồn, vừa phát triển và thu lợi nhuận cao từ việc bán các sản phẩm đan lát thủ công.

Với việc phát triển của xã hội, làng Stơr đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan. Cũng từ đó, làng Stơr đã thành lập nhiều đội cồng chiêng nhằm phục vụ các lễ hội văn hóa truyền thống. Đặc biệt các nghệ nhân trong làng còn liên kết, phát triển mạnh nghề đan lát truyền thống.

Các nghệ nhân tại làng Stơr đã phát triển mạnh mẽ nghề đan lát và thu lợi nhuận cao từ việc bán các sản phẩm đan thủ công như: gùi, thúng, mẹt, đồ lưu niệm…Tận dụng lợi thế này, chính quyền huyện Kbang đã chọn làng Stơr là điểm để khai thác phát triển du lịch, dựa trên 2 loại hình là du lịch di tích lịch sử và du lịch văn hóa cộng đồng.

Theo các nghệ nhân ở đây chia sẻ: Họ gắn bó với nghề đan lát gần như trọn đời. Từ nhỏ, đã được cha của mình tỉ mỉ dạy cho cách đan cái rổ, cái rá để đựng rau, măng rừng, khó hơn nữa là đan cái gùi cõng củi, cõng lúa, lấy nước giọt. Nguyên liệu được dùng để đan lát thủ công chủ yếu là từ thiên nhiên ở rừng như: Tre, nứa, lồ ô, mây, cói, dây rừng. Ngoài ra, họ còn sử dụng các loại vỏ cây mềm và có độ dai rất tốt để làm đế hoặc dây quai cho sản phẩm.

img_6062.jpeg
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp ở làng kháng chiến Stơr.

Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, những vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày đều phải tự làm lấy, trong đó không thể thiếu những sản phẩm đan lát. Bấy giờ, đồng bào quanh năm bận rộn với nươngrẫy nên rất cần có những dụng cụ sản xuất và sinh hoạt bằng mây, tre. Chính vì vậy, thói quen sử dụng các vật dụng đan lát đã hình thành và trở thành truyền thống, nếp sống lâu đời của người Ba Na. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát truyền thống cần rất nhiều thời gian và công sức, vì vậy giới trẻ cũng không mấy mặn mà với nghề.

Những người già biết đan lát ở trong làng cũng dần dần mất đi. Giới trẻ không ai đam mê, chịu theo nghề để tiếp nối, vì vậy họ sợ rằng một ngày không xa nghề đan lát này sẽ bị mai một. Bên cạnh sự động viên khuyến khích từ chính quyền nhằm vực dậy nghề đan lát truyền thống và xuất phát từ nhu cầu thực tế của du khách, những nghệ nhân trong làng đã cùng nhau tăng cường làm để bán cho người dân và phục vụ nhu cầu của du khách ghé thăm làng.

Nghệ nhân Đinh Ng. chia sẻ: “Nghề đan lát truyền thống đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu cuối cùng thành sản phẩm. Người Ba Na có nhiều kỹ thuật đan như: cài lóng mốt, lóng đôi, lóng ba hoặc cài nan hình lục giác, cùng kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp và tinh vi đầy sáng tạo. Vì vậy, già đã tạo ra được rất nhiều loại sản phẩm, từ đồ đựng, phương tiện vận chuyển đến một số vật dụng được dùng trong các nghi lễ, với các kiểu dáng phong phú như: gùi có thân cuốn hình trụ, đáy vuông; nia hình lá đề; rá đựng cơm miệng tròn, đế hình vuông; chụp mối hình chóp; lồng nhốt cá hình trụ tròn…”.

img_6064.jpeg
Đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ lồng ghép những nan tre để tạo thành một sản phảm hoàn chỉnh.

Để hoàn thành được một chiếc gùi có hoa văn độc đáo phải tốn ít nhất 4 ngày, còn đan gùi thông thường thì chỉ 2 ngày là xong. Chính vì vậy, giá bán những vật dụng này cũng nằm ở mức từ 350-500 ngàn đồng/chiếc, còn đặc biệt thì hơn 1 triệu đồng. Do nhu cầu khách hàng lớn nên nhiều nghệ nhân trong làng cùng tập trung lại một chỗ để làm. Trung bình mỗi tuần thu về từ 2-3,5 triệu đồng từ việc bán các vật dụng đan lát thủ công.

Chia tay làng kháng chiến Stơr, quê hương Anh hùng Núp, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê nhiệt huyết với nghề và khát khao muốn được truyền và giữ nghề đan lát truyền thống của các nghệ nhân nơi đây. Hy vọng rằng, với sự nhiệt tình, đam mê truyền nghề của các nghệ nhân, sau này sẽ có nhiều lớp học đan lát được tổ chức để các nghệ nhân thắp lên niềm đam mê đến với các bạn trẻ, giúp nghề đan lát truyền thống của người Ba Na được duy trì và không bị mai một theo thời gian.

Trần Sỹ-Thùy Dung