Văn hóa

“Trạm tiếp năng lượng” trên hành trình khám phá Tây Bắc

Thanh Tâm 30/12/2023 - 09:53

Từ một bản nhỏ nơi thung lũng nằm lọt giữa những khối núi đồ sộ của dãy Hoàng Liên Sơn, chỉ toàn ruộng nương, nay Trạm Tấu đã phát triển thành khu du lịch nức tiếng của Yên Bái, ngoài suối khoáng còn có các cơ sở lưu trú có dấu ấn riêng tạo công ăn việc làm bền vững cho người lao động địa phương.

Nơi tình yêu bắt đầu

03-doi-van-nghe-tram-tau-gioi-thieu-ban-sac-dia-phuong-toi-du-khach.jpg
Đội văn nghệ Trạm Tấu giới thiệu bản sắc địa phương tới du khách

Trong cái lạnh se của miền phố núi, khu lưu trú Homestay Đồi Chè với tầm nhìn ra toàn cảnh thị trấn Trạm Tấu, vẫn đang tíu tít rộn ràng khách vào ra. Bên sườn homestay chính là “đồi chè” điểm nhấn của toàn khu mà trong ấy có cả những gốc đã vài chục năm tuổi được chủ nhân là anh Nguyễn Văn Liên đánh lên trồng để giới thiệu cho du khách.

Nếu nhìn vào cơ sở vật chất của homestay có diện tích trên 5.000m2, với điểm nhấn là tám căn bungalow (phòng biệt lập khép kín) nằm ngay bên trên những luống chè được kết nối với nhau bằng một hệ thống lối đi gỗ, không ai nghĩ mới chỉ trước đấy vài năm anh vẫn một nắng hai sương vừa làm ruộng nương, vừa đi làm thuê nuôi sống gia đình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất rẻo cao nằm ở chân dãy Hoàng Liên Sơn, nhưng gần 40 năm anh Liên vẫn đau đáu có thể làm gì cho quê hương.

Từ khi còn nhỏ, là con trai lớn trong nhà theo cha đi học trồng từng gốc sắn, khi thì ươm chè, cha đã dạy cho anh về cuộc sống vùng xuôi, về những bờ xôi ruộng mật trú phú. Cha anh đi từ Hải Dương lên lập nghiệp rồi kết hôn với mẹ anh là người Thái ở địa phương. Dù tình yêu níu giữ ông ở lại song mảnh đất vùng cao vẫn còn lam lũ, khó khăn đến hằn vào từng câu chuyện cha kể cho anh. Có lẽ từ những ngày còn nhỏ, năm nào cha cũng đưa cả gia đình “lặn lội” về thăm quê, đi hàng trăm cây số từ Yên Bái xuống bến xe ở Hà Nội rồi lại từ đó về Hải Dương nên những mong muốn phát triển, làm giàu cho quê hương đã sớm ghim vào tâm trí anh Liên.

“Trước mình cũng làm ruộng, làm nương bình thường. Năm 2018 thấy cuộc sống khó khăn hai vợ chồng xuống Hà Nội làm ở công ty Cao su sao vàng được một năm. Nhưng các cháu nó nhỏ quá, thương hại chúng nó nên lại về quê ”, anh Nguyễn Văn Liên tâm sự. Mảnh đất anh đang đứng đây, ngày đầu chỉ là đồi hoang rồi sau gia đình trồng chè cho thu hoạch không đáng kể. Con đường nối từ trục liên xã của thị trấn lên là đường đất chứ chưa đổ bê-tông, ngày nắng thì bụi mù mà mưa thì trơn trượt. Ngày bé đi học, anh và các chị gái phải bấm đầu ngón chân vào đất mà đi, cả con đường trơn như xoa mỡ gà, mỡ lợn. Có khi cha đi trước dùng cuốc “bấm” cho thành bậc nhưng cũng chỉ một cơn mưa là bay hết dấu vết.

Homestay của anh Liên thuộc khu 3 thị trấn Trạm Tấu, nằm cách trung tâm thị trấn chừng 2km, ngay gần suối khoáng nóng, phía trước trông ra thung lũng với những thửa ruộng bậc thang, phía sau là đồi chè vi vu lộng gió. Chưa từng có kinh nghiệm làm du lịch bao giờ, lại khởi công đúng “năm Covid” 2021, khi nhiều người hỏi “anh làm làm cái gì”, anh Liên chỉ nhoẻn cười rồi lại bắt tay vào cùng thợ trộn từng xô vữa. Trong suốt quá trình, anh Liên đã tự lên ý tưởng, thiết kế, quy hoạch thậm chí bắt tay đặt gạch, bào gỗ, chọn từng chiếc bàn, chiếc ghế, từng cây cảnh để sắp đặt cảnh quan. Có lúc vì dịch mà công trình phải đình trệ hoàn toàn, anh lo lắng, bất an nhưng rồi vẫn tiếp tục. “Đất nhà anh ở bên trên khuất quá, anh bán đi mua lại chỗ này. Khi làm nhà cũng không nhờ ai vẽ kiến trúc cảnh quan, mà thi thoảng anh sang bên kia ngắm lại rồi điều chỉnh”, anh chỉ tay về phía sườn đồi đối diện, nơi một căn nhà sàn khác của anh cũng đang hoàn thiện.

Bản nhỏ ngày xưa trong ký ức của anh, các bà các mẹ chỉ cho nhau có nguồn nước nóng tự nhiên chứ chưa ai nghĩ sẽ có ngày làm du lịch, nay đã thành khu sinh thái hàng đầu của tỉnh Yên Bái. Anh Liên cho biết: “Địa phương có mấy nhà làm du lịch cũng hay tập hợp lại với nhau chia sẻ kinh nghiệm. Dù còn nhiều chỗ chưa hoàn toàn ưng ý, nhưng quan trọng là sạch sẽ, vệ sinh và hỗ trợ khách hết mình. Nhà mình từ mấy gốc cây lâu năm và đồi chè mình đều giữ lại, không chặt phá gì hết, phần để kết hợp với cảnh quan phần để giữ gìn môi trường”. Anh nhấn mạnh rằng các gia đình làm du lịch đều đồng lòng, hợp tác với nhau cùng làm.

Mở ra một cơ sở lưu trú mới, anh Nguyễn Văn Liên đã tạo thêm công ăn việc làm mới cho gần 30 bà con trong bản. Khi còn khó khăn mọi người đã giúp đỡ anh bao nhiêu, thì nay kinh doanh gặp vấn đề về vốn, về nhân lực cũng đã được bà con san sẻ phần nào. Ở Trạm Tấu, các hộ kinh doanh đã cùng tạo nên một chuỗi dịch vụ “tuần hoàn” để phục vụ du lịch cộng đồng. Chẳng hạn như các hộ làm nhà nghỉ homestay sẽ kết hợp với một số nhà hàng, quán ăn có uy tín để phục vụ ẩm thực; đồng thời hỗ trợ du khách mua vé tắm ở bể tắm nước nóng… Và quan trọng hơn hết là bảo tồn được những cảnh quan kỳ thú, những bản sắc của quê hương mới có thể thu hút du khách.

Cần những người “dám nghĩ, dám làm”

Thị trấn Trạm Tấu nằm ở vị trí trung chuyển, là nơi khách du lịch dừng chân để chuẩn bị cho những chặng leo núi và hành trình chinh phục khác như “săn mây” trên đỉnh Tà Xùa, thăm chòm Cu Vai, leo đỉnh Tà Chì Nhù… Sau những chuyến đi khám phá như vậy, tắm suối khoáng nóng ở Trạm Tấu còn là một cách xả hơi dễ chịu, tốt cho sức khỏe. Những lợi thế này làm cho nơi đây đang ngày càng trở thành địa điểm hấp dẫn, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Tây Bắc.

Dù có nhiều khó khăn, song nhờ sự động viên của gia đình và tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương, thời điểm homestay Đồi Chè khai trương đón khách vào dịp 30/4 vừa đúng lúc ngành du lịch, lữ hành phục hồi trở lại. Đó là khi khách du lịch nội địa “bùng nổ” trở lại sau thời gian dài phải hạn chế đi lại vì dịch bệnh. Lượng phòng lưu trú ở nhiều điểm du lịch đều cung ít hơn cầu. Ở cao điểm cuối tuần hay các dịp lễ hội địa phương, tất cả các khu dịch vụ lưu trú ở Trạm Tấu đều “cháy” phòng. Sự nhộn nhịp, sức sống của ngành dịch vụ đã mang lại sinh kế cho người lao động địa phương, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc Mông, Thái, để thoát khỏi những khốn khó của cuộc sống nơi vùng cao.

dt_159202397_tramtau1.jpg
Vẻ đẹp hoang sơ của Trạm Tấu giữa núi rừng

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch khi dự lễ khai trương đã hoan nghênh tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của nhân dân địa phương. Đi trước anh Liên, anh Vũ Mạnh Cường – Giám đốc HTX Du lịch Cường Hải huyện Trạm Tấu, trước đây là thầy giáo Ngữ văn nay đã là ông chủ của Khu suối khoáng nóng lớn nhất khu vực. Ở thời điểm anh Cường, hay sau này là anh Liên đầu tư cho công trình của mình, đó không chỉ là số tiền lớn, một khoản đầu tư mạo hiểm mà không hề biết được có thể thành công như hiện nay. Anh Cường cho biết, khi mới xây dựng và đặt nền móng cho du lịch cộng đồng những năm 2017, 2018 ở Bản Lừu, anh đã đối mặt rất nhiều khó khăn, vừa thiếu vốn, thiếu nhân lực và hạ tầng giao thông còn không thuận lợi.

Tuy nhiên anh đã sớm nhận thấy suối khoáng nóng Trạm Tấu hội đủ yếu tố phù hợp cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn và chữa bệnh. Vào những ngày mùa đông, mặc dù thời tiết vùng cao lạnh giá nhưng ngâm mình trong dòng khoáng nóng không hề có cảm giác rét buốt. Ngoài thăm thú các điểm du lịch, nghỉ dưỡng ở địa phương, đây còn là vùng đất có bề dày văn hóa và nổi tiếng với nhiều món lăn là tinh hoa ẩm thực của đồng bào Mông và Thái như thịt nướng, cá nướng, xôi ngũ sắc, thịt treo gác bếp… Vì vậy, anh Vũ Mạnh Cường là một trong những người đầu tiên mạnh dạn xin cấp phép làm du lịch cộng đồng.

Năm 2019, sau khi được cấp phép thành lập HTX du lịch, anh Cường đã huy động vốn để đầu tư mở rộng cơ sở, nâng cấp chất lượng bể sục và bể tắm khoáng đồng thời mua thêm một số diện tích đất đồi của người dân để làm các nhà nghỉ homestay, anh cũng “mạnh tay” mở rộng tuyến đường giao thông thuận tiện cho khách du lịch đến thăm để được thưởng thức “đặc sản” tắm suối nước nóng của Trạm Tấu. “Tôi thực sự mong muốn Trạm Tấu sẽ được thật nhiều người biết đến như một vùng đất du lịch nhiều tiềm năng”, anh Cường phấn khởi chia sẻ.

Theo thống kê của UBND huyện Trạm Tấu, trong 10 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến huyện đạt 83.800 lượt, bằng 185% so cùng kỳ năm ngoái; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 55.440 triệu đồng, bằng 198% so cùng kỳ. Tuy nhiên, hiện tại, các dịch vụ du lịch ở thị trấn và các vùng lân cận vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch có dự định đến đây lưu trú, nghỉ dưỡng hoặc chuẩn bị sức khỏe cho hành trình thăm quan các tuyến khác.

Suốt bốn mùa, dù là đầu đông tiết trời se lạnh, hay mùa hè, mùa thu, mùa xuân du khách lên huyện vùng cao Trạm Tấu đều có thể tắm suối khoáng nóng. Những ngày này, hoa mơ hoa mai đã bắt đầu điểm trắng khiến cho cảnh quan vùng cao lại càng hùng vĩ. Hơi khoáng nóng cùng dòng nước ấm áp không chỉ mang đến cảm giác sảng khoái, thư giãn sau một hành trình dài mà còn giúp lấy lại sức khỏe, Trạm Tấu thực sự trở thành một “Trạm tiếp năng lượng” độc đáo trên hành trình khám phá các điểm dừng chân kỳ thú khác của núi rừng Tây Bắc.

Thanh Tâm