“Cây đại thụ” của sử thi Jrai, Bahnar
Cụ Dach (sống tại thôn Thông Prông Thông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, Gia Lai), người được xem là “báu vật sống” trên mảnh đất Tây Nguyên với thể loại sử thi về người dân tộc Ba Na và Jrai năm nay đã 107 tuổi.
Trò chuyện với chúng tôi thông qua anh Thôn trưởng làm phiên dịch, cụ cho biết, do tuổi đã cao nên thi thoảng vẫn hay bị ốm vặt, còn lại hằng ngày, cụ vẫn miệt mài đan lát. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng trí nhớ của cụ rất minh mẫn, ai đặt hàng cụ đều nhớ trong đầu và giao trả đúng hẹn.
Cầm trên tay sản phẩm đã hoàn thành, cụ cho biết: “Một cái gùi, cụ làm hết 4-6 ngày vì nó cần độ tinh xảo và chắc chắn nên giá bán ra là 280 nghìn đến 450 nghìn, tùy vào kích cỡ sản phẩm. Trước đây, cụ làm cả cái đơm, nhưng mấy năm trở lại đây, một phần vì cá hiếm, phần nữa vì người dân dùng lưới để đánh bắt nên không ai dùng nữa...”.
Nói về cơ duyên với sử thi, cụ cho biết, bản thân lớn lên trong vòng tay yêu thương của người chú họ, sử thi truyền thống vì thế được chú truyền lại khi còn nhỏ tuổi, nó ăn sâu vào máu, vào thịt cả trăm năm nay. Chính tiếng hát lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm của người chú như một khúc ca ngọt ngào đưa cậu Dach vào sâu trong mỗi giấc ngủ; Như dòng sữa mẹ nuôi lớn cậu bé từng ngày.
Thời gian thấm thoát trôi qua, cậu bé ngày nào đã trở thành một chàng thanh niên lực lưỡng, với một sức khỏe phi thường có thể quật ngã một con trâu. Cụ có thể kể và hát vanh vách hàng chục bài sử thi của người dân tộc Bahnar, Jrai cho mọi người trong thôn nghe, để họ hiểu về những giá trị quý báu, nhân văn trong mỗi câu chuyện. Vì thế, những người lớn tuổi trong thôn ngày nay, ai nấy đều biết về những mẩu chuyện các vị thần đánh đuổi quỹ dữ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho buôn làng, hay những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt đời thường và tình yêu nam-nữ của dân tộc mình.
Tiếng hát của cụ, lúc trầm ấm, lúc lại ngân vang khắp núi rừng như tiếp thêm sức mạnh cho bà con hăng say lao động, sản xuất. Ở nhà...hát, lên rẫy...hát, xuống suối...hát, cứ thế, tiếng hát đi sâu vào trong cái bụng, luồn sâu vào tận cái tim, để sử thi giờ là máu thịt, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cụ.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, cụ đã ngẫu hứng ngân lên một đoạn trong bài Dăm Blom, sử thihuyền thoại của người Jrai. Sự truyền cảm trong từng câu chữ lúc trầm, lúc nhẹ, lúc nhanh, lúc chậm với nội lực khỏe, giọng hơi dài khiến cho người nghe bị cuốn hút theo vần điệu. Đây là bài hát, mang thông điệp “ở hiền gặp lành, mình sống lương thiện thì sẽ gặp điều tốt”, cũng chính là bài cụ thường xuyên cất lên để răn dạy con cháu trong nhà, trong làng biết nhìn nhận cái tốt, tránh xa những cái xấu.
Được biết, thời trẻ cụ thường được tạo điều kiện đi lưu hát, kể sử thi. Rất nhiều giải thưởng từ huyện đến tỉnh trao tặng được cụ treo cẩn thận trong nhà. Giờ đây, sức khỏe giảm sút, cụ chỉ đi thi và giao lưu trong địa bàn huyện Đak Đoa, mong rằng, các cháu nhỏ nhìn cụ là một tấm gương không ngại khó ngại khổ, để cố gắng học...ít nhất cũng biết và hiểu về sử thi.
Khi được hỏi về cụ Dach, ông Siu Lol (thôn trưởng thôn Thông Prông Thông, xã Ia Băng), vui vẻ cho biết: Dù đã 107 tuổi, độ tuổi xưa nay hiếm, vậy nhưng cụ Dach vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường. Ngoài việc được Đảng, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ về các chính sách theo quy định, thì cụ còn tự đan lát để kiếm thêm thu nhập. Trong thôn, từ già đến trẻ, ai cũng yêu quý cụ, một tấm gương sáng ngời, cống hiến hết mình để sử thi mãi luôn trường tồn.