Khám phá vẻ đẹp thời trang thổ cẩm Tây Nguyên
Xuất phát từ niềm đam mê thiết kế thời trang, với mong muốn bảo tồn và phát huy thổ cẩm truyền thống của dân tộc, chàng trai dân tộc K’ho thuộc thế hệ 8X- K’ Jona đã nâng thổ cẩm Tây Nguyên lên một tầm cao mới, qua các sản phẩm thiết kế thời trang của mình.
Cơ sở thiết kế và may thời trang thổ cẩm của nhà thiết kế trẻ K’Jona tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chính thức đi vào hoạt động vào tháng 4 năm 2019. Đến nay, Jona Brdal đã trở thành một điểm đến của không ít khách hàng trong và ngoài nước, yêu thích thời trang thổ cẩm truyền thống mang nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên.
Đây không phải là nơi chuyên thiết kế và may thủ công các loại thời trang thổ cẩm truyền thống theo đơn đặt hàng, mà còn là một địa chỉ văn hóa trong hành trình tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của thời trang thổ cẩm, đang được giới trẻ hiện nay khá thích thú và ưa chuộng.
Nhà thiết kế trẻ K’ Jona chia sẻ: “Xuất phát từ niềm đam mê về thiết kế thời trang, từ khi tôi làm việc ở Malaixia. Năm 2019, tôi về Việt Nam và thành lập thương hiệu riêng của mình là Jona Bridal. Từ niềm đam mê với thổ cẩm và bảo tồn văn hóa của đồng bào Tây Nguyên, nên tôi đã đưa thổ cẩm vào sản phẩm thiết kế của mình.
Đồng bào Tây Nguyên có chất liệu thổ cẩm riêng, gần như mai một và ít người sử dụng. Nên khi tôi về Việt Nam, tôi nghĩ rằng mình cần phải bảo lưu và phát triển văn hóa của dân tộc để có thể sử dụng trong đời sống. Trong những đám cưới, đám hỏi thì người ta sẽ sử dụng nhiều các chất liệu thổ cẩm này.
Hiện nay, tôi thấy rất vui, hào hứng, vì thấy thổ cẩm được rất nhiều bạn trẻ mặc lên. Không chỉ là người đồng bào dân tộc Tây Nguyên, mà ngay cả người Việt cũng thích thổ cẩm. Những chiếc áo dài truyền thống, cũng được tôi thiết kế phối thổ cẩm dệt thủ công vào”.
Trong cơ sở thiết kế thời trang Jona Bridal, nhà thiết kế trẻ K’Jona cẩn thận giới thiệu rất nhiều mẫu thời trang tự mình thiết kế. Trong đó, là các mẫu thiết kế váy, áo mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên, kết hợp phom thời trang hiện đại. Kỳ công nhất là tác phẩm váy dạ hội đính đá và hoa văn thổ cẩm cho một ứng viên tham dự chung kết Hoa hậu Doanh nhân toàn cầu năm 2023.
Sau một thời gian xây dựng thương hiệu và tích cực tìm kiếm thị trường, bắt đầu từ năm 2022 đến nay, Jona Bridal mới thực sự phát triển mạnh mẽ. cung ứng cho thị trường hàng trăm váy cưới, đầm dự tiệc bằng chất liệu thổ cẩm cũng như bộ trang phục truyền thống các loại, với nhiều mẫu mã đẹp, được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước lựa chọn, tin dùng.
Chị K’Diễm, không dấu nổi vui mừng: “Tôi chưa bao giờ thấy thổ cẩm của dân tộc mình đẹp như thế. Tôi hy vọng sẽ có nhiều nhà thiết kế tạo ra các sản phẩm thời trang từ thổ cẩm. Đó là sự giúp quan trọng để người dân các buôn làng có thể sống tốt với nghề dệt truyền thống”.
Theo nhà thiết kế trẻ K’Jona, tính bình quân mỗi tháng, cơ sở này cho ra đời không dưới 6 chiếc váy cưới, 30-40 bộ đầm dự tiệc. Giá một chiếc váy cưới dao động từ 5-12 triệu đồng. Bộ trang phục truyền thống từ 600 ngàn, đến 1,5 triệu đồng. Các sản phẩm thổ cẩm của Jona Bridal không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước, mà còn xuất khẩu sang một số nước, như Malaixia, Đan Mạnh, Mỹ, Đức, Anh,… chiếm khoảng 50% trong tổng số đơn đặt hàng mỗi tháng.
“Đầu ra chính của sản phẩm thời trang thổ cẩm mà tôi thiết kế, là dành cho cộng đồng và đồng bào dân tộc của tôi ở trong tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó, thời trang thổ cẩm của tôi, cũng dành cho đồng bào Tây Nguyên ở nước ngoài. Niềm ao ước của tôi sau này, để bảo lưu văn hóa dân tộc từ thiết kế của mình, tôi mong muốn mở một cơ sở dệt thổ cẩm, tạo việc làm thường xuyên cho mọi người” nhà thiết kế trẻ K’ Jona nói thêm.
Mẫu mã đẹp, được thiết kế trang nhã, cùng với những hoa văn, họa tiết độc đáo và tinh sảo, thời trang thổ cẩm mang thương hiệu Jona Bridal đã và đang là xu hướng thời thượng hiện nay, được nhiều bạn trẻ yêu thích lựa chọn. Không chỉ góp phần giải quyết đáng kể đầu ra, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh, mà cơ sở thiết kế và may thủ công thời trang thổ cẩm này còn đem lại một khoản thu nhập đáng kể cho các nhân viên đang làm việc tại Jona Bridal. Trong đó, mức lương cứng hàng tháng của thợ chính là không dưới 17 triệu đồng.
Anh Phan Bá Cư, thợ may chính ở Jona Bridal tâm sự: “Tôi làm nghề này cũng được 20 năm rồi, nhưng làm may thổ cẩm mới 5-6 năm. Vải thổ cẩm có cái hay của nó, may thì sẽ phải hiểu vải thổ cẩm không đơn giản như những loại vải bình thường khác. Mình làm may thì mình phải hiểu những hoa văn, chi tiết trên vải thổ cẩm là của đồng bào dân tộc nào để áp dụng vào may mới được”.
Đặc biệt, với nỗ lực làm mới thương hiệu của mình thông qua những mẫu thiết kế đầy tính sáng tạo, cơ sở thiết kế và may thời trang thổ cẩm Jona Bridal, cũng đã liên kết thử nghiệm và cho ra đời một sản phẩm thổ cẩm thời trang cao cấp từ chất liệu lụa tơ tằm. Sản phẩm thời trang thổ cẩm nhìn khá sang trọng và bắt mắt, được nhiều khách hàng đánh giá cao.
Không chỉ gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên, nhà thiết kế trẻ K’ Jona còn có những đóng góp đầy trách nhiệm, tâm huyết, trong việc thiết kế sản phẩm áo dài khá ấn tượng tham gia Chương trình trình diễn thời trang “Thiên đường Tây Nguyên” nhân dịp Festival hoa Đà Lạt năm 2022, do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt tổ chức, mà chàng trai dân tộc K’ho thuộc thế hệ 8X này còn âm thầm tìm hướng đi riêng, đưa thời trang thổ cẩm Nam Tây Nguyên vượt ra khỏi lũy tre làng, để đến với bạn bè trên thế giới.