Đời sống xã hội

Giữ cho âm nhạc dân ca truyền thống mãi vang vọng

Văn Hà 28/12/2023 - 22:24

Âm nhạc dân ca truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện rất phong phú và đa dạng. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự chung tay của các nghệ nhân tâm huyết bảo tồn các làn điệu dân ca đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, góp phần bảo tồn và phát huy nhiều làn điệu dân ca độc đáo.

Cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum sở hữu kho tàng dân ca phong phú, độc đáo bao gồm nhiều thể loại như: Hát đối đáp, hát giao duyên, hát tại các nghi lễ, lễ hội, sinh hoạt đời thường...

Theo người dân địa phương nơi đây, dân ca chung nhóm với các thể loại như sử thi, ca dao, hát ru, tục ngữ, truyện dân gian. Điểm đặc biệt của dân ca là phát huy tối đa lợi thế về nhịp điệu, giai điệu để gia tăng sức hấp dẫn, truyền cảm cho người nghe. Các bài hát dân ca có thể kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như nhạc cụ, cồng chiêng, múa xoang để tạo nên những tác phẩm đặc sắc, mang nhiều giá trị nghệ thuật.

Bằng lời ca tiếng hát, nội dung các làn điệu dân ca chủ yếu nói lên ước vọng tốt đẹp của con người về tình yêu đôi lứa, cộng đồng, trong lao động sản xuất, về nhân cách sống. Qua đó đề cao cái đẹp, cái hay, đồng thời phê phán những thói hư, tật xấu của con người; nhiều bài hát mang tính cách mạng, chiến đấu, ca ngợi Đảng, quê hương đất nước ngày càng phát triển và đổi mới.

anh-1(4).jpg
Âm nhạc dân ca truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) được lồng ghép vào dạy học cho học sinh.

Dân ca có hình thức thể hiện và lưu truyền bằng truyền khẩu. Mỗi cộng đồng DTTS đều có tên gọi khác nhau về dân ca. Tiêu biểu như dân tộc Xơ Đăng gọi là Rơ nghê, Ting ting hoặc Cheo; dân tộc Ba Na gọi là Ding ding, Cheo, A nhông; dân tộc Gia Rai thường gọi là Che che; dân tộc Giẻ - Triêng gọi là Ka đọ hoặc Dọ sơ.

Trao đổi với phóng viên, nghệ nhân Y Bỏng (dân tộc Giẻ Triêng trú tại thôn Đăk Wấk, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) cho biết, hát dân ca còn được dân tộc Giẻ gọi là Ka Đọ. Những giai điệu, ca từ dùng trong bài hát rất giản dị, mộc mạc, gần gủi với đời sống, sinh hoạt của người dân, nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

“Chúng tôi thường hát khi đi rẫy, đi lễ hội, cưới hỏi hoặc ru trẻ em ngủ hoặc nhiều bài phục vụ trong các nghi lễ, tín ngưỡng. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương mà thời gian gần đây, chúng tôi được hỗ trợ tập luyện, những làn điệu dân ca của chúng tôi được xuất hiện ngày càng nhiều tại các cuộc thi, lễ hội lớn nhỏ. Đó là động lực để tôi tiếp tục cố gắng gìn giữ và phát huy các giai điệu dân ca truyền thống”, bà Y Bỏng nói.

Tại các lễ hội, cuộc thi lớn nhỏ về cồng chiêng, múa xoang được tổ chức gần đây, những khúc hát dân ca trở thành điểm nhấn khi được hòa tấu với thanh âm của các nhạc cụ tre nứa, cồng chiêng. Đặc biệt, trên nền những giai điệu truyền thống, nhiều nghệ nhân đã biết cách sáng tạo, viết thêm những lời hay, ý đẹp ca ngợi quê hương, đất nước đổi mới.

Nghệ nhân A Ương (người Xơ Đăng ở làng Mô Bành I, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, dân tộc Xơ Đăng có cách hát dân ca đặc trưng riêng gọi là hát Ting Ting. Thời gian gần đây, với sự vận động của địa phương, cộng đồng Xơ Teng nơi đây dần quan tâm hơn đến việc bảo tồn văn hóa, đặc biệt là các giai điệu dân ca truyền thống. Tuy tại thôn có số lượng nghệ nhân am hiểu dân ca, văn hóa truyền thống không còn nhiều nhưng số lượng các em nhỏ đam mê, chịu học để tiếp nối đã ngày một nhiều hơn.

anh-2(1).jpg
Dân ca có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương.

Nói dứt câu, nghệ nhân Ương liền hát “Ôi dân ta rất vinh hạnh từ khi có Đảng soi sáng. Cuộc sống của bà con ta đã đủ cái ăn, cái mặc, được học hành, con cháu được đến trường, quê hương ngày càng giàu đẹp, dân làng được ấm no hạnh phúc” – Đó là một đoạn ngắn trong bài hát “Từ khi ta có Đảng” do nghệ nhân A Ương hát và mang đi biểu diễn nhiều nơi. Với lối hát dân ca Ting ting nổi tiếng của dân tộc Xơ Đăng, bài hát được nghệ nhân A Ương cất lên cùng những thanh âm đàn tre, nứa đã làm nao nức người nghe.

Với sự gần gũi và hấp dẫn, các loại hình dân ca rất được ưa chuộng và được cộng đồng các DTTS trên địa bàn ra sức gìn giữ. Tuy nhiên với nhịp sống hội nhập, hiện đại đã mang đến nhiều dòng âm nhạc mới mẻ khiến các dòng nhạc của đồng bào DTTS đứng trước nhiều thách thức. Điều đó đòi hỏi nhiều hơn nữa sự nỗ lực, chung tay gìn giữ từ các cấp, ngành và cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh.

anh-3333.jpg
Tại các ngày lễ hội, dân ca truyền thống luôn mang lại cho khán giả nhiều ấn tượng, cảm xúc.

Ông Phan Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh ta ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đặc biệt chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động để phát huy sự tâm huyết, trách nhiệm của các nghệ nhân trong việc trao truyền, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có các loại hình dân ca.

Bên cạnh các giải pháp về đầu tư, hỗ trợ về hạ tầng, cơ sở vật chất, tỉnh còn chú trọng phát huy sự sáng tạo, đổi mới trong chính những làn điệu truyền thống để tạo sự kế thừa, phát huy phù hợp trong tình hình hiện tại. Qua đó giúp cho lớp nghệ nhân trẻ dễ tiếp cận và vẫn giữ được hồn cốt của các làn điệu dân ca truyền thống.

“Với Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đã tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện, trong đó có việc phát huy và gìn giữ các làn điệu dân ca. Ngành Văn hóa tỉnh hiện đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực lồng ghép nhiều nguồn lực, đưa phát triển các loại hình âm nhạc truyền thống, dân ca dân nhạc vào trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 nhằm giữ gìn, phát huy đúng giá trị”, ông Hoàng nói.

Văn Hà