Người “giữ hồn” Rơ Ngao ở Kon Tum
Suốt mấy chục năm qua, có một nghệ nhân đã bỏ ra rất nhiều công sức để đi sưu tầm và truyền dạy cho lớp trẻ về cách chơi các bài chiêng cổ của dân tộc mình. Nhờ vậy mà nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc này không bị lãng phai đi.
Ông là nghệ nhân A Khul, 75 tuổi, người Rơ Ngao – một chi nhóm của dân tộc Ba Na, ở làng Kon H’Ngo K’Tu, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Xem cồng chiêng như máu thịt
Trong đời sống của người Rơ Ngao ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung thì cồng chiêng và các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc khác đóng một vai trò hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Do có tập quán sinh sống gắn với rừng, gắn với núi đồi sông suối từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, nên trong đời sống tinh thần cũng như các sinh hoạt văn hóa của người Rơ Ngao cũng bị rừng ảnh hưởng rất nhiều. Họ có rất nhiều lễ nghi, lễ hội liên quan đến các vị thần như thần sông, thần suối, thần rừng…
Mà đã có lễ nghi, lễ hội thì phải có âm nhạc. Người Rơ Ngao đã sáng tác ra nhiều điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hoá rất đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình như các điệu múa mừng lúa mới, mừng nhà mới, mừng đôi lứa, mừng tết đến xuân về,… Và họ cũng chế tác ra rất nhiều loại nhạc cụ như kèn, sáo, đàn và đặc biệt là cồng chiêng để thỏa niềm đam mê âm nhạc của mình.
Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Rơ Ngao. Nó là máu thịt, là tiếng nói tâm linh, là nơi truyền tải niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Hơn nữa, cồng chiêng còn là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, trong dòng tộc, trong các buôn làng trên mảnh đất bazan. Trong mỗi nhịp chiêng hay mỗi điệu cồng luôn hàm chứa sức mạnh, niềm tin của con người với đấng siêu nhiên, niềm tin vào cộng đồng, vào cuộc sống để từ đó có thêm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp.
Chỉ cần nghe văng vẳng đâu đó tiếng vọng ngân của cồng chiêng vút lên giữa núi rừng là người Rơ Ngao biết ngay nơi ấy, làng ấy có sự kiện gì. Từ việc mừng một sinh linh ra đời cho đến khóc tiễn đưa người già hết cõi, người Rơ Ngao đều dùng tiếng cồng, tiếng chiêng để bày tỏ nỗi lòng.
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhất là cồng chiêng là một nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên trên thực tế, một số loại hình văn hóa như múa, hát và đặc biệt là một số bài chiêng cổ của người Rơ Ngao ngày càng bị mai một. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều nền văn hóa từ bên ngoài du nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân cả vùng sâu và vùng xa.
Mê chiêng từ thuở thiếu thời
Trong bối cảnh đó, rất may người Rơ Ngao còn có những người nặng lòng với văn hóa của tổ tiên truyền lại như nghệ nhân A Khul, 75 tuổi, ở làng Kon H’Ngo K’Tu, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Được sinh ra và lớn lên giữa không gian văn hóa đậm đặc của người Rơ Ngao, từ lúc còn trẻ, ngọn lửa đam mê âm nhạc đã cháy trong mắt A Khul. Từ nhỏ, già đã nổi tiếng khắp vùng về “thói quen” ham đàn, ham sáo và những thanh âm cồng chiêng trầm bổng của dân tộc mình.
“Lúc nhỏ, cứ thấy buôn làng nào mở hội, có cồng chiêng là tôi lại theo chúng bạn đi xem. Nhiều khi phải trốn bố, trốn mẹ đi xem ấy chứ. Toàn đi bộ thôi. Có khi chân mỏi nhừ, bị gai rồi đá cào rách toạc cả máu mà vẫn đi. Không chịu quay về đâu. Rồi cứ nghe nhiều, nhìn các bậc cha chú, các bậc đàn anh chơi nhiều thì thuộc thôi, chứ lúc đó mình bé quá, cũng không ai dạy hết. Lớn lên một chút thì mới được các anh, các chú, các cụ trong làng dạy. Mình học chữ thì lâu, chứ học chiêng thì nhanh lắm!”, A Khul kể.
Khi đến tuổi 17-18, nghệ nhân A Khul đã có thể chơi được hầu hết các bài chiêng cổ của dân tộc và vinh dự được tham gia vào đội chiêng của buôn làng. Cũng từ đó, già được thỏa niềm đam mê của mình với cồng chiêng. Cứ mỗi khi buôn làng sắp sửa có hội, già cùng với mọi người trong đội lại tụ họp để cùng nhau tập luyện. Nhiều khi xã bên, bản bên, thậm chí là huyện bên, tỉnh bên kỷ niệm dịp trọng đại nào đấy mời, già A Khul cùng anh em lại “mang chiêng đi đánh xứ người”.
Mà người Tây Nguyên thì nổi tiếng quảng giao và hiếu khách. Mỗi buôn, mỗi làng khi có hội đều mong được đón bạn phương xa. Cứ thế, tháng này qua năm khác, già A Khul không nhớ mình đã lang thang qua bao nhiêu ngọn núi, con sông, bao nhiêu buôn làng để tấu lên những thanh âm tối cổ của đại ngàn.
“Vào mùa lễ hội, tôi gần như không mấy khi ở nhà. Không buôn này thì làng khác mời. Đi cho vui thôi. Vừa có điều kiện giao lưu, kết thêm bạn bè, vừa học được những “ngón nghề” của những nghệ nhân đi trước. Bởi kiến thức về cồng chiêng nó mênh mông lắm. Mình biết chơi chiêng chưa đủ, phải biết chỉnh chiêng, gìn giữ, bảo quản cồng chiêng không để hư hỏng nữa chứ? Những cái đó mình đều phải học. Học hết người này đến người khác, ai có gì hay thì mình học”, già A Khul tâm sự.
Và cũng chính vì cái sự “ham học” ấy mà đến giờ nghệ nhân A Khul là một trong số rất hiếm người Rơ Ngao ở xã Vinh Quang biết chỉnh chiêng. Ông cũng là “của hiếm” khi thuộc và chơi được các bản chiêng cổ của dân tộc mình.
Dốc sức bảo tồn
Thế nhưng, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, cồng chiêng của người Rơ Ngao đứng trước nguy cơ mai một. Những nghệ nhân có đôi tai thẩm âm, có năng khiếu trong việc chỉnh và đánh chiêng cũng thưa vắng dần trong các cộng đồng cư dân. Điều đáng tiếc nữa đó là khi những người già, những nghệ nhân già và chết đi đã mang theo cả kho tàng di sản văn hoá cồng chiêng mà không dễ dàng tạo dựng và khôi phục được. Cộng với sự thờ ơ, hờ hững của lớp trẻ với văn hoá truyền thống, trong đó có văn hoá âm nhạc cồng chiêng, sự đứt gãy dòng chảy của văn hoá truyền thống là điều khó tránh khỏi.
Với quyết tâm không thể để cho di sản văn hoá quý báu của dân tộc bị mai một, trong nhiều năm qua, già A Khul đã kiên trì, bền bỉ đi khắp các bản làng, đến từng nhà, vận động từng người về ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc truyền thống. Già giảng giải, nêu bật giá trị của các loại nhạc cụ, đặc biệt là cồng chiêng trong mạch nguồn văn hoá của người Rơ Ngao.
Bởi theo già thì cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là “linh hồn”, là “cầu nối” giữa con người với các đấng tối cao. Và nó không thể thiếu khi thực hiện các nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần.
“Âm thanh của cồng chiêng nó giống như một thứ ánh sáng tâm linh, dẫn dụ người Rơ Ngao biết cách để mở ra cánh cửa nội tâm. Đồng thời, tiếng cồng, tiếng chiêng cùng với niềm tin tín ngưỡng và các giá trị văn hoá khác nó chính là sợi dây kết nối cộng đồng bền chặt”, già A Khul tâm sự.
Không chỉ tuyên truyền, vận động, già A Khul còn nhiệt tình tham gia các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho các thế hệ trẻ trong buôn, trong xã. Học trò của già nhiều lắm, tuổi từ thiếu niên cho đến trung niên. Cách đây vài năm, trường cấp 2 của xã Vinh Quang cũng mời già đến dạy cồng chiêng cho học sinh, tuần 3 buổi.
Thế nhưng từ năm 2021, sức khỏe già A Khul suy giảm trầm trọng do mắc phải một số chứng bệnh như huyết áp cao, tiểu đường. Năm ngoái, già lại không may bị tai nạn gãy chân, việc đi lại hết sức khó khăn, việc đứng lớp cũng không còn được duy trì.
“Kể từ khi bị tai nạn, tôi chỉ loanh quanh từ nhà ra vườn thôi. Mỗi khi trái gió trở trời lại đau, dù muốn đi đây đi đó giao lưu, gặp gỡ bạn bè hay dạy cồng chiêng cho lũ trẻ cũng đành chịu. Thỉnh thoảng có học trò rảnh rỗi công việc, tìm đến nhà thì tôi dạy thôi. Nhưng họ cũng phải mưu sinh, cũng bận việc nọ việc kia nên những buổi học như thế ngày càng ít. Giờ tôi chỉ mong cái chân mau lành để đi lại, tiếp tục truyền nghề cho bọn trẻ”, già A Khul tâm sự.
Ghi nhận những đóng góp của già A Khul, năm 2022, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho già. Đó vừa là niềm tự hào của cá nhân già, vừa là niềm tự hào của cộng đồng người Rơ Ngao ở Vinh Quang. Đồng thời, danh hiệu đó cũng là động lực để già A Khul tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, trong cuộc “chạy đua” với thời gian để níu giữ những báu vật văn hóa mang tính tộc người.
Bà Hồ Thị Thu Hằng, cán bộ văn hóa xã Vinh Quang, bảo: “Việc khơi nguồn, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Rơ Ngao nói riêng và các dân tộc thiểu số khác là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, nó không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh được nguy cơ thất truyền, mà điều quan trọng hơn nữa là những giá trị ấy sẽ được neo giữ trong những tâm hồn trẻ, để mai này song hành cùng họ đi đến tương lai”.
Cũng theo bà Hằng, đóng góp của những “cây cao bóng cả” như già A Khul là vô cùng to lớn đối với cộng đồng thôn bản. Già cùng với một số ít các nghệ nhân cao tuổi khác là những hạt giống quý báu nắm giữ các tinh hoa văn hóa phi vật thể của người Rơ Ngao trong xã.
Chính vì thế mà giờ khi nhắc đến già, những bậc cao niên cũng như nhiều cán bộ ở Vinh Quang luôn dành những lời kính trọng và biết ơn sâu sắc. Họ gọi già với cái tên trìu mến: Người giữ hồn Rơ Ngao cho các bản làng.