Pác Nặm tăng cường giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhằm góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong độ tuổi, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường giáo dục nghề nghiệp, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Tạo việc làm giúp người lao động có thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần và giảm nghèo bền vững được huyện Pác Nặm xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Huyện chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên, định hướng nghề cho học sinh trung học phổ thông để mỗi cá nhân nắm được điểm mạnh, điểm yếu của mình mà từ đó có lựa chọn, theo đuổi nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chủ động thực hiện tốt công tác đối ngoại, phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh kết nối với các doanh nghiệp, công ty có chức năng, có nhu cầu tuyển dụng lao động để giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương.
Theo đó, trong năm 2023 Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Pác Nặm đã chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức hội nghị tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề và bố trí việc làm được 02 đợt tại các xã trên địa bàn huyện với hơn 200 lượt người tham dự; phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Thịnh Long tại Bắc Kạn; Công ty Cổ phần Giáo dục EZ Việt Nam tại Bắc Kạn tổ chức 02 gian hàng tư vấn, truyền thông về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tại Lễ hội Mù Là đầu năm 2023 với hơn 1.500 lượt người nghe và hơn 100 người được tư vấn; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị 02 lớp tập huấn tư vấn, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến các hoạt động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với hơn 350 người tham dự.
Kết quả, trong năm 2023 huyện đã giải quyết việc làm cho 1.739 lao động, đạt 133% kế hoạch giao. Trong đó lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 1.179 lao động; xuất khẩu lao động được 380 lao động, đạt 271% kế hoạch giao; giải quyết việc làm thông qua vốn vay NHCS được 27 người, tổng số vốn vay hơn 2 tỷ đồng; hợp đồng tại các cơ quan sự nghiệp nhà nước được 30 người; giải quyết việc làm công do xã làm chủ đầu tư với 05 công trình, số người tham gia làm việc 12 người, tổng số ngày công 90 ngày, thu nhập bình quân/ngày 250.000 đồng/người/ngày; giải quyết việc làm công do huyện làm chủ đầu tư là 14 công trình, với 111 người tham gia làm việc, tổng số 521 ngày công, thu nhập bình quân đạt 290.000 đồng/người/ngày). Tạo việc làm mới cho 560/450 lao động, đạt 124% kế hoạch.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm: Những năm gần đây, Pác Nặm đã triển khai nhiều hoạt động như tư vấn, định hướng, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động trong độ tuổi... qua đó đã giúp hàng nghìn lượt người có việc làm ổn định, phù hợp với khả năng, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống gia đình và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên, người lao động, bộ đội xuất ngũ... với các doanh nghiệp, công ty trong nước và xuất khẩu lao động.
Xác định công tác giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo việc làm cho người lao động có thu nhập cao là hướng đi hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững nên trong thời gian tới, huyện tiếp tục đặt ra các giải pháp thiết thực. Trong đó huyện tập trung thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phối hợp với các đơn vị chức năng đào tạo nguồn nhân lực là lao động có chất lượng, có tay nghề sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước. Bảo đảm các điều kiện, chính sách, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước đối với người lao động.