Văn hóa

Ngược núi cùng đồng bào ăn Tết Cả

Tuấn Lê 28/12/2023 - 05:42

Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Giáy luôn xem Tết Nguyên đán hay còn gọi là “xiêng láo”, nghĩa là tết To, tết Cả, là tết quan trọng nhất trong năm của dân tộc mình. Trong suốt những ngày xuân, nhiều trò chơi dân gian, nhiều điệu dân ca dân vũ được trình diễn khắp các thôn bản, điều đó vừa góp phần lưu giữ các sinh hoạt văn hóa truyền thống, vừa làm cho cộng đồng thêm gắn kết.

Tục thờ đa thần

Ước tính hiện trên cả nước có khoảng gần 70 nghìn người Giáy, cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái. Theo các nhà nghiên cứu, người Giáy di cư vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.

08.jpeg
Chuẩn bị lúa nếp để ăn Tết Cả

Đồng bào Giáy có nghề truyền thống là trồng lúa nước, ngoài ra còn làm nương, khai thác lâm thổ sản và chăn nuôi. Ngôi nhà truyền thống của dân tộc này là nhà sàn, nhưng hiện nay có một số gia đình ở nhà đất, nhà xây.

Nhưng dù có thay đổi về vật liệu xây dựng thì trong ngôi nhà của người Giáy vẫn giữ được những đặc điểm riêng biệt, như phía trước nhà luôn có một sàn phơi, trên bàn thờ có nhiều bát hương để thờ trời, đất, tổ tiên, vua bếp, thổ thần… Trong buồng của những người cặp vợ chồng mới sinh con đều có một bàn thờ Mụ, để khi con được đầy tháng thì làm lễ báo tổ tiên và đặt tên.

Trong tín ngưỡng, người Giáy quan niệm thế giới gồm ba tầng, con người ở tầng giữa. Tầng trời được hình dung là đẹp đẽ, vinh hiển, tầng trong lòng đất được quan niệm là nhỏ bé, tội lỗi. Người Giáy cũng quan niệm có 2 loại ma: Ma nhà và ma ở ngoài. Ma nhà là ma linh hồn người thân trong gia đình, ma ở ngoài là ma linh hồn của người khác dòng họ, họ quan niệm cả hai loại ma đều có ma lành và ma dữ. Thế nên trong mỗi ngôi nhà, trên bàn thờ thường có ba bát hương theo trật tự từ trái sang phải, thờ thần bếp, thần đất và tổ tiên.

Kể từ khi đặt chân đến Việt Nam, người Giáy cũng ăn Tết như các dân tộc khác ở phía Bắc như Tết Nguyên đán, Thanh minh, Ðoan ngọ.... Ngoài ra, họ còn có một số lễ hội lớn của riêng dân tộc mình như Lễ hội Roóng Poọc, tức Lễ hội xuống đồng. Lễ hội này thường diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Còn Tết Nguyên Đán thì được người Giáy gọi là “Xiêng láo”, nghĩa là tết To, tết Cả, là tết quan trọng nhất của năm. Đây là ngày gia đình sum họp, vui vầy bên mâm cơm đầm ấm và cũng là dịp được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả. Trong suốt 3 ngày tết, bà con người Giáy làm rất nhiều món ăn đặc trưng như: Bánh gù, bánh gai, xôi tím, khẩu nhục…

Sáng 30 tết nào cũng vậy, gia đình ông Hoàng A Liễn, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai thức dậy rất sớm để lau dọn nhà cửa sạch sẽ, sau đó tiến hành dán giấy đỏ trong nhà. Các vật dụng, vị trí trong nhà từ cái cuốc, cái cày cho đến cây cối, bàn thờ tổ tiên đều được dán giấy đỏ. Trong nhà cũng được trang trí bằng giấy đỏ với quan niệm con người được đón tết thì vạn vật đều được mới mẻ đón chào năm mới. Bởi theo quan niệm của người Giáy, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang, thịnh vượng.

Cũng theo ông Liễn cho biết thì ngoài dán giấy đỏ, trước tết nhà nào cũng gói bánh gù. Khác với chiếc bánh chưng vuông vắn của người Kinh, bánh chưng của đồng bào Giáy có hai đầu thon, phần giữa bánh phình to, nên bánh còn có tên gọi là bánh gù.

Để làm được bánh khá kỳ công, nguyên liệu phải được chọn lựa kỹ càng. Lá dong là loại lá được lấy ở trên rừng, khổ lá vừa phải. Lúa nếp nương phải là thứ nếp thơm ngon đều hạt do bà con tự cấy, nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ.

Phần quan trọng tiếp theo là lựa chọn thịt lợn. Đó phải là thịt ba chỉ thái mỏng, ướp với gia vị và thảo quả nướng. Khi nguyên vật liệu đã chuẩn bị đầy đủ, các chị, các mẹ bắt đầu gói bánh.

“Bánh có phần gù càng cao, càng cân đối thì càng đẹp. Một năm người Giáy làm bánh gù 2 lần, trước tết và cuối tháng Giêng. Chỉ có một điều khác biệt là bánh gù làm vào cuối tháng giêng sẽ được buộc 3 cái lại với nhau để cúng tổ tiên.

Cùng với bánh gù, người Giáy thường làm 2 loại xôi màu và tùy vào dịp lễ tết để chọn làm xôi cho đúng phong tục. Tết nguyên đán, các gia đình lại chọn làm xôi màu tím. Màu xôi được lấy từ một loại lá rừng đem đun xôi rồi lấy nước ngâm với gạo nếp sau đó cho vào đồ. Ngày tết thì làm xôi một màu thôi, còn tết tháng 7 thì làm xôi 7 màu, tết tháng 3 thì làm xôi 3 màu”, ông Liễn cho biết thêm.

Chị Vi Thị Thanh, ở thôn Luổng Láo, xã Cốc San, huyện Bát Xát, Lào Cai cho biết, cùng với bánh gù, xôi màu, người Giáy còn có món khẩu nhục truyền thống. Món ăn được làm từ thịt ba chỉ lợn, nhưng rất cầu kỳ và mất thời gian.

giay.jpg.png
Rộn ràng điệu múa ngày Xuân

Thịt rửa sạch cho vào nồi luộc kỹ sau đó vớt ra để nguội. Cạo sạch phần bì của miếng thịt, dùng vật nhọn châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc dấm bôi vào lớp da bì đó cho thấm đều và cho thịt vào chảo mỡ nóng rán cho vàng đều mới vớt ra.

“Món khẩu nhục mình làm vào ngày tết thì theo phong tục người Giáy là để cúng ông bà tổ tiên vào mùng 1”, chị Thanh chia sẻ.

Đón giao thừa theo tiếng gà gáy

Yên Bái, một trong địa phương tập trung đông người Giáy sinh sống, những năm qua, chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện để những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào được bảo tồn và phát huy.

Chỉ tính riêng đồng bào Giáy ở huyện Văn Chấn đã lên đến hơn 2.500 người, sinh sống chủ yếu ở thôn Chiềng Pằn 1 và Chiềng Pằn 2 ở xã Gia Hội. Nhờ vậy, người Giáy ở Gia Hội vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những nét văn hóa đặc sắc, mang ý nghĩa linh thiêng, được thể hiện qua tục đón tết của người Giáy đã được duy trì qua nhiều thế hệ.

Tục ăn tết của người Giáy đa dạng, độc đáo, tuy có những đặc điểm khác nhau, nhưng tết của họ cũng có những nét tương đồng với các dân tộc anh em. Đó là sinh hoạt cộng đồng (gia đình, làng bản) gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (trời, đất, sông, núi, gió, mưa...) nhằm cầu sức khỏe, cầu mùa, cầu chúc phúc, lộc, thọ.

anh-bai-dac-sac-xieng-lao-3.jpg
Nhiều trò chơi dân gian đặc sắc

Đồng bào Giáy ở Gia Hội bao gồm 5 họ chính là họ Trương, họ Đàm, họ Tạ, họ Hoàng và họ Lục. Tổ tiên người Giáy từ xưa vốn rất linh hoạt, tháo vát trong làm ăn, buôn bán. Tương truyền rằng, người Giáy sau khi thu hoạch vụ mùa thì rủ nhau đi buôn, nhưng do lạc đường nên họ đã không kịp về đón giao thừa. Vì vậy người Giáy ở Gia Hội thường đón giao thừa vào rạng sáng mùng 1 tết hoặc mùng 2 tết tùy từng họ. Điều đặc biệt, người Giáy không căn cứ vào giờ đồng hồ mà đón giao thừa theo tiếng gà gáy.

Theo quan niệm, khi tiếng gà đầu tiên của gia đình gáy trong đêm giao thừa đó là báo hiệu tổ tiên, ông bà về ăn tết cùng con cháu. Lúc đó cả gia đình đều dậy, người mổ gà, người đun nước làm cơm cúng giao thừa.

Nét độc đáo, mang đậm tín ngưỡng tâm linh và nét văn hóa độc đáo của đồng bào Giáy là tục lấy nước đầu năm. Khi chuẩn bị mâm cúng giao thừa, một thành viên khỏe mạnh trong gia đình lên khe suối đầu nguồn để lấy nước mới, trước khi lấy nước mới phải thắp hương xin thần suối ban nước sạch.

Anh Hoàng Văn Tuân, thôn Chiềng Pằn 2, xã Gia Hội cho biết thêm: Cứ vào đêm 30, rạng sáng mồng 1 thì gia đình nào cũng đi lấy nước mới, mục đích là để rửa cái cũ, làm cái mới. Khi lấy nước về phải đun sôi rồi đặt một ấm lên bàn thờ mời ông bà uống, sau đó cả gia đình mới được uống. Nước này có thể dùng pha chè, thổi xôi, luộc gà… Theo quan niệm của người Giáy thì gia đình nào có điều kiện lấy nước sớm thì gia đình đó sẽ có lộc nhiều hơn, tốt hơn…

Ngày tết, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà việc mua sắm, chuẩn bị đón tết có khác nhau nhưng nhà nào cũng có mâm cỗ cúng tổ tiên. Khác với cỗ cúng của các dân tộc khác, trong mâm cỗ cúng của người Giáy nhất thiết phải có thịt lợn, nếu là đầu lợn, chân lợn và đuôi lợn thì càng tốt.

Trên mâm cỗ có đặt một chum rượu nhỏ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên. Ngoài ra còn đặt 5 cái bát, 5 cái chén và 5 đôi đũa; một số quần áo cắt bằng giấy màu đỏ và màu tím, còn giấy màu vàng nhạt cắt hình con trâu với ý nghĩa là “con cháu có tiền thuê người chăn trâu cho ông bà, mua trâu cho ông bà cầy cấy”.

Trước khi cúng, các thành viên trong gia đình thắp hương mời gọi tổ tiên về chơi thăm con cháu. Sau đó chủ nhà hoặc thầy cúng sẽ đọc bài khấn cầu và thể hiện mong ước, nguyện vọng của con cháu. Lời khấn rằng: “Hôm nay nhân dịp đón năm mới, tiễn năm cũ chúng con sắm chút lễ mời ông bà, tổ tiên về chứng giám lòng thành của con cháu. Mời ông bà, tổ tiên xơi cơm, xơi rượu, xơi thịt và phù hộ cho gia đình năm mới mạnh khỏe, may mắn, sản xuất được nhiều thóc gạo, nuôi được nhiều trâu bò…”.

Trong những ngày tết, cùng với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, mọi người tham gia các trò chơi như: đánh quay, múa xòe, múa then, nhà nhà mời nhau uống rượu, hàn huyên. Bên chén rượu nồng ấm đầu xuân, mọi người sẻ chia những tâm sự, những câu chuyện tâm tình cởi mở về kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái và cùng chúc nhau năm mới bình an, may mắn. Qua những hoạt động này thêm gắn bó tình cảm keo sơn của cộng đồng người Giáy đồng thời gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc truyền thống của dân tộc.

Tết của người Giáy xã Gia Hội, không chỉ thể hiện tín ngưỡng, tâm linh mà là nét đặc sắc văn hóa truyền thống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trước những tác động của đời sống kinh tế xã hội, những lễ nghi, phong tục tập quán đặc sắc của người Giáy ít nhiều thay đổi, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mỗi dịp tết đến, xuân về, đồng bào Giáy lại có dịp khơi dậy những nét văn hóa đặc sắc ấy, để gìn giữ, lưu truyền cho con cháu mai sau...

Tuấn Lê