Thức dậy một vùng biên
Xưa kia, Mường Tè nổi tiếng khuất nẻo, hoang vu đến tột cùng. Giờ đây, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mảnh đất biên thùy xa xôi và cam khó bậc nhất của tỉnh Lai Châu này đã và đang từng bước “thay da đổi thịt”. Cùng với đó, các tộc người như Cống, La Hủ cũng đang có sự hồi sinh mãnh liệt.
Từng bước xóa đói giảm nghèo
Ước tính, hiện dân tộc Cống ở Việt Nam có 2.029 người, cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (1.134 người, chiếm 55,9%) và Điện Biên (871 người, chiếm 42,9%). Tại Lai Châu, đồng bào sống chủ yếu về ở vùng bình địa phía Tây sông Đà và gần với các thị trấn, thị tứ nên điều kiện sống tương đối ổn định.
Riêng tại Điện Biên thì cộng đồng Cống lại là chủ nhân của những bản vùng sâu, đặc biệt khó khăn dọc tuyến biên giới Việt - Lào nằm cách xa trung tâm huyện. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, chia cắt mạnh, giao thông cách trở, đi lại hết sức khó khăn nhất là mùa mưa lũ, có thời điểm gần như cách biệt với các vùng xung quanh.
Với tỷ lệ đói nghèo chiếm 64,6% tổng dân số, có thể thấy chất lượng cuộc sống và chất lượng dân số thấp đang đẩy dân tộc Cống đứng trước nhiều nguy cơ, nhất là nguồn nhân lực không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Điều dễ nhận thấy ở bản Khao (xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), nơi sinh sống của 71 hộ với 364 nhân khẩu người Cống, là chòm bản này tương đối khang trang, ngăn nắp. Tự bao đời, người Cống gắn liền cuộc đời với mái nhà sàn. Không vững chãi như nhà sàn Mường, không thanh thoát như nhà sàn Thái, nhà sàn của người Cống đơn sơ như chính đời sống của họ. Mỗi ngôi nhà chỉ có một cửa chính ra vào và một cửa sổ trổ ngay gian giữa. Vách thưng bằng phên hoặc gỗ tạp. Kết cấu toàn bộ ngôi nhà đều từ gỗ, mây, tre, nứa, lá cọ… và được xây dựng theo mô thức nhà bốn mái. Ở đây, các ngôi nhà đều được rào chắn cẩn thận nhưng hầu như không theo một quy hoạch cụ thể nào.
Sự đơn sơ của những ngày xưa cũ thể hiện thật rõ nét trong ngôi nhà của người Cống hiện tại. Hầu hết những vật gia dụng thiết yếu đều là các sản phẩm thủ công làm từ các nguyên vật liệu tự nhiên cộng với sự khéo léo của đôi tay cùng kinh nghiệm của cha ông để lại. Nó đơn giản như chính kết cấu từ gia đình cho đến cộng đồng của người Cống. Bởi cho đến thời gian gần đây, người Cống còn chưa có sự phân hoá giai cấp và gần như còn sống trong một xã hội thị tộc cổ truyền với sự liên kết trong dòng họ.
Người Cống dù dân số ít, nhưng có tới 13 dòng họ. Mỗi dòng họ có người đứng đầu với chức năng trưởng họ, chủ trì các công việc liên quan tới đời sống tinh thần. Đặc biệt là họ Lý. Đây là dòng họ duy nhất được làm chủ lễ “Thủ tỷ” cúng rừng cấm vào tháng 3 hàng năm cho người Cống.
Do nhiều nguyên nhân cả chủ quan, khách quan, nguy cơ tụt hậu về kinh tế, suy thoái giống nòi, mai một về văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ của người Cống luôn ở mức... báo động. Từ thiếu đất sản xuất, ruộng nương manh mún cộng với việc thiếu nước nên thường đồng bào Cống chỉ làm lúa một vụ mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người thấp.
Tất cả chỉ bắt đầu thay đổi kể từ năm 2011, khi Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao 2011 - 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án đó đã mang lại một không khí mới cho các bản Cống cũng như 88 thôn, bản khác trên 27 xã thuộc 3 tỉnh: Lai Châu, Hà Giang và Điện Biên.
Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng; các chính sách hỗ trợ về vốn cũng như con giống, cây trồng, kỹ thuật cũng được cán bộ đưa về từng bản. Năm 2013, chính chuyền huyện Mường Tè còn thành lập Tổ công tác liên ngành do đích thân Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu lên Nậm Khao “3 cùng” với đồng bào để dạy họ cách trồng lúa nước, chăn nuôi.
Ngày đó, Tổ công tác đã cùng bà con đi khai hoang đắp bờ làm ruộng bậc thang, trồng lúa, lên rừng dạy cách chăn dê, nuôi bò, trồng cao su. Ban đêm thì tập hợp thanh niên tổ chức hát dân ca, tập các điệu múa truyền thống. Chỉ vài năm sau, xã Nậm Khao đã có hơn 200ha trồng lúa nước, 110ha cây cao su. Từ chỗ thiếu ăn quanh năm, đến nay người Cống đã đảm bảo được lương thực, không còn nỗi lo đứt bữa.
Khi “giặc đói, giặc nghèo” dần bị đẩy lùi, cũng là lúc Nậm Khao bắt đầu “tấn công” “giặc dốt”. Đầu năm 2014, Trường Mầm non Nậm Khao được đầu tư xây dựng, với số tiền hơn 5 tỷ đồng từ chương trình tái định cư thủy điện Lai Châu. Kể từ khi có trường lớp khang trang, đồng bào dân tộc Cống đã tự giác đưa con em lớp.
Ngoài trường lớp khang trang, học sinh bán trú đồng bào dân tộc Cống còn nhận được trợ cấp của Chính phủ, nhờ đó mà các cháu không còn lo đói, bố mẹ cũng có điều kiện yên tâm đi làm nương rẫy phát triển kinh tế.
Hồi sinh nơi phên giậu
Không chỉ có người Cống, người La Hủ ở vùng lõm của huyện Mường Tè với Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Ka Lăng, Bum Tở, Nậm Khao, Khồ Ma… cũng đã và đang có những bước phát triển thần kỳ để thoát ra khỏi cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Theo quan niệm của đồng bào, La Hủ có nghĩa là con hổ và họ tự đặt cho mình cái tên đó như một tên gọi chính thức. Ngoài ra, cũng còn một số cách gọi khác như Xá Lá Vàng, Xá Quỷ, Khù Xung…
Với dân số chỉ hơn 12.000 người, La Hủ luôn phải đối mặt với nguy cơ suy thoái giống nòi, điều kiện kinh tế chậm phát triển và dần mai một những bản sắc văn hóa truyền thống vốn có. Nhưng cũng chính nơi đây, cộng đồng cả nước đã chung tay làm nên những cuộc hành trình đưa tộc người La Hủ dần trở về với cuộc sống no ấm và yên ổn. Có thể nói, đó là hành trình của con người tìm đến với con người.
Xưa kia, cuộc sống của người La Hủ chìm lút trong đói nghèo và hủ tục. Nỗi lo về miếng cơm manh áo truyền từ đời nọ đến đời kia như cái đuôi ma quái của núi rừng. Nơi ở của đồng bào phần lớn là những ngôi nhà trệt, tạm bợ, bưng vách bằng phên nứa và cây rừng. Trong nhà, vật giá trị nhất có lẽ chỉ là dăm cái nồi méo mó, vài cái bát vỡ và những bộ quần áo rách nát, tạm bợ không đủ sưởi ấm cho người giữa rừng dày sương lạnh.
Do thói quen du canh, du cư nên hầu như người La Hủ sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Không chỉ luôn đói ăn, thiếu mặc, không biết nói tiếng phổ thông, thậm chí họ còn sợ cả nơi phong quang, sợ cả ánh mặt trời. Một năm, người La Hủ chỉ có thể tự đảm bảo lương thực cho gia đình mình trong vài tháng, những tháng còn lại đành phó mặc cho việc hái lượm hoa trái, đào củ và đánh bẫy, săn bắt con thú trong rừng.
Nhưng đó đã là câu chuyện của ngày hôm qua, còn giờ đây, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, nhất là kể từ khi Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao 2011 - 2020” được triển khai đã tác động tích cực lên đời sống của người La Hủ. Dưới chân ngọn núi Pù Tả Tòng, những dân của bản Nhóm Pố vốn chỉ quen sống dưới mái lá, phương thức lao động chủ yếu là: chặt, đốt, cốt, trỉa đã biết trồng cây ngô, cây đậu, nuôi con bò để bữa ăn thêm no, đêm ngủ thêm ấm.
“Từ ngày được cán bộ hướng dẫn làm ruộng bậc thang, bà con tự mình cấy lúa, trồng thêm hoa màu và biết giữ giống cho vụ sau. Giờ bà con ở đây cũng đã biết bảo nhau tự bảo vệ nguồn lợi từ rừng, không săn bắn, chặt phá tận diệt nữa rồi. Vì cán bộ bảo phải giữ rừng, để rừng còn che chở cho dân tộc La Hủ và các dân tộc anh em khác”, ông Lí Mí Sử, trưởng bản Nhóm Pố, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, hồ hởi chia sẻ.
Khi cái đói tạm xa, chính quyền và lực lượng vũ trang ở đây lại đặt ra cho mình một mục tiêu mới mới là làm thế nào để ngôi nhà của người La Hủ không còn những mái lá vàng tạm bợ, giúp cho bà con có được một những mái ấm vững chãi để đi về. Có như vậy, bà con sẽ không còn nghĩ tới chuyện dắt díu nhau di cư vào rừng sâu núi thẳm.
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của nhân dân cả nước, những ngôi nhà đại đoàn kết dần mọc lên. Nhà được lợp bằng tôn mạ mầu loại tốt, vách được thưng bằng tôn, trong nhà có treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng cùng nhiều vật dụng như chăn, màn, nồi xoong… giúp các gia đình La Hủ nâng cao chất lượng cuộc sống một cách rõ nét...
Từ một cuộc sống gần như đói khổ nhất trong các dân tộc ở miền Bắc, trải qua những lần thay đổi lớn, cuộc sống của người Cống và La Hủ ở Mường Tè giờ đây đã có nhiều đổi mới. Hành trình thoát nghèo và bảo tồn, phát triển giống nòi của họ trên vùng đất khuất sau ba trăm ngọn thác này vẫn còn nhiều gian khó và thách thức ở phía trước. Song, với lòng quyết tâm của mình, cộng với sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội, “những người anh em nhỏ bé” ấy đang dần thoát ra khỏi bóng tối để làm chủ cuộc đời mình, góp phần làm thức dậy một vùng biên.