Kinh tế

Cơ hội phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phương Nghi 26/12/2023 - 09:26

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), tại tỉnh Kiên Giang đã đáp ứng nguyện vọng của đồng bào, từng bước thay đổi bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách đi vào cuộc sống

Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) là huyện nông thôn có đông đảo đồng bào DTTS sinh sống (chiếm 34,6%). Thời gian qua, Gò Quao luôn quan tâm triển khai, thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đã góp phần giảm dần hộ nghèo, tăng hộ khá giàu, đời sống, vật chất, tinh thần trong đồng bào DTTS ngày càng cải thiện và nâng lên.

chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-1719-o-kien-giang-co-hoi-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20231219063448.jpg
Cuộc sống người dân ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng) bây giờ phát triển hơn trước rất nhiều, đường giao thông nông thôn gần như phủ khắp từ sự đóng góp của người dân. (Ảnh: Phương Nghi)

Về Định Hòa (huyện Gò Quao), xã có trên 65% đồng bào dân tộc Khmer, diện mạo nông thôn nơi đây thay da đổi thịt nhờ những chiếc cầu và đường bê tông liên ấp, liên xã phục vụ giao thông đi lại của người dân thuận tiện. Đèn điện bừng sáng phum, sóc khi đêm về với những công trình “Thắp sáng đường quê”.

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Danh Coi, ở ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa cho biết: Diện mạo vùng đồng bào dân tộc xã Định Hòa đổi thay rõ nét, nhất là về hạ tầng nông thôn. Nhiều tuyến đường bê tông đã được xây dựng nối liền các xóm ấp, ô tô đến tận nơi. Nhờ vậy, việc đi lại của người dân dễ dàng, hàng hóa cũng không còn chịu cảnh bị ép giá như trước. Đường sá thông thoáng, nhà xây thay nhà lá mọc lên khắp phum, sóc.

“Bà con Khmer xã Định Hòa hầu hết đã xóa đói giảm nghèo và đang nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Cuộc sống nghèo khổ trước đây đã được Đảng, Nhà nước hỗ trợ, giúp bà con chúng tôi đẩy lùi, xóa bỏ và tạo nên một cuộc sống vui tươi, đủ đầy, hạnh phúc hôm nay. Bà con Khmer xã Định Hòa rất biết ơn Đảng và Nhà nước”, ông Danh Coi nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Định Hòa, ông Phạm Thanh Hải, thời gian qua, xã tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ đồng bào Khmer. Đảng ủy xã phân công các chi bộ quản lý, theo dõi sâu sát các hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời hỗ trợ. Cùng với đó, tạo mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất; vận động hỗ trợ quà, nhà tình thương cho hộ có hoàn cảnh khó khăn…

“Đời sống bà con đồng bào dân tộc Khmer ở xã bây giờ nhiều khởi sắc, đó là nhờ hiệu quả từ các chương trình, dự án, mà hơn hết người dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất. Trước đây, mô hình 1ha/100 triệu đồng/năm đối với người dân Định Hòa ít, nhưng nay vài ba công đất có mức thu nhập như thế không phải chuyện hiếm. Đó cũng nhờ địa phương triển khai kịp thời các chính sách của Đảng dành cho đồng bào dân tộc Khmer trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”, ông Hải khẳng định.

Ông Lê Kim Khoa, Phó Chủ tịch huyện Gò Quao cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Gò Quao thực hiện 6 dự án, trong đó có 4 tiểu dự án. Trong 2 năm 2022 và 2023, Gò Quao được phân bổ 11,5 tỷ đồng, đến nay các xã đang triển khai thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư giải quyết nhà ở cho 53 hộ, mỗi hộ 40 triệu đồng (đã hoàn thành và bàn giao 16 căn), giải quyết chuyển đổi nghề cho 80 hộ, hỗ trợ nước phân tán 36 hộ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho 27 hộ có nhu cầu vay vốn, giải quyết chuyển đổi nghề 209 hộ, hỗ trợ nước phân tán 105 hộ. Ngoài ra, huyện còn triển khai các dự án, mô hình trong vùng đồng bào dân tộc như dự án nuôi dê, nuôi heo, tôm lúa, 55 hộ được tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, các dự án đã và đang triển khai thực hiện và đạt kết quả bước đầu, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giúp cho người dân có nhà ở, có vốn chuyển đổi ngành nghề giảm dần số hộ nghèo của huyện”.

Ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) có gần 50% người Khmer, một thời là ấp nghèo nhất xã và huyện, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự kiên trì giúp đỡ của các cấp mà giờ đây Thạnh Trung đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, hộ giàu đang tăng lên.

Gia đình chị Danh Kim Tha, ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng) là hộ được địa phương xét xây nhà đại đoàn kết năm 2022. Phấn khởi trước sự hỗ trợ kịp thời này, chị Kim Tha nói: “Mặc dù cố gắng lao động, tích cóp nhiều năm nhưng gia đình tôi vẫn không xây được căn nhà lành lặn để ở. Khi được Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà, gia đình tôi mừng vui khôn xiết. Bây giờ, chúng tôi không còn chịu cảnh nhà dột, cột xiêu như trước nên an tâm lao động, sản xuất”.

Ông Nguyễn Như Mạnh, Trưởng ấp Thạnh Trung cho biết: “Những hộ mới thoát nghèo, cận nghèo sẽ được bảo lãnh vay tín chấp vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh để không phải tái nghèo, hiện nay vốn vay lên đến 2 tỷ đồng. Trước đây, hằng năm ấp vận động 1 – 2 căn nhà đại đoàn kết hỗ trợ người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn. Cuộc sống người dân Thạnh Trung bây giờ phát triển hơn trước rất nhiều. Bê tông hóa đường giao thông nông thôn gần như phủ khắp từ sự đóng góp của người dân; 75% hộ trong ấp có mức sống khá giàu; 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 70% gia đình có con em học lên đại học, cao đẳng...”.

chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-1719-o-kien-giang-co-hoi-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20231219063453.jpg
Ông Danh Chách (người Khmer) ở ấp Thới Trung, xã Thới Quản (huyện Gò Quao), chăm sóc đàn dê từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng chính sách xã hội, giúp ông có thu nhập và thoát nghèo bền vững. (Ảnh: Phương Nghi)

Cơ hội phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong 3 năm (2021-2023), tổng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 phân bổ cho tỉnh Kiên Giang là trên 446 tỷ đồng, thực hiện 11 tiểu dự án thuộc 9 dự án của Chương trình. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719, Kiên Giang đặt ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, đặc biệt ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như tuyên truyền, vận động để người dân chung tay thực hiện Chương trình. Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của bà con dân tộc thiểu số tăng 2 lần so với năm 2020, giảm nghèo hàng năm từ 1-1,5% và giảm 60% số xã không còn đặc biệt khó khăn…

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 10/10/2023 về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình MTQG 1719. Các cấp, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện, không đùn đẩy trách nhiệm; rà soát các danh mục dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để quyết định điều chỉnh kịp thời; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của đồng bào, tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân trong việc triển khai chương trình.

“Để đạt mục tiêu trên, Kiên Giang tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách dân tộc, khẳng định việc triển khai thực hiện tốt chương trình là tạo cơ hội phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Trung nói.

Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đồng bào DTTS. Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống đã đổi thay, bà con yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần chung sức xây dựng phum sóc phát triển ngày thêm khởi sắc.

Phương Nghi