Phụ nữ vùng cao “xé rào” định kiến
Trước đây, những định kiến xã hội cùng với nhiều hủ tục, lạc hậu là rào cản khiến nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) sống khép mình, không có nhiều cơ hội được giao lưu, học hỏi, phát triển năng lực bản thân. Trải qua thời gian, đến nay nhiều phụ nữ đã mạnh mẽ vươn lên, dám nghĩ, dám làm góp phần thay đổi khuôn mẫu giới, khẳng định vai trò, vị thế, năng lực của phụ nữ trong thời đại mới bản lĩnh, sáng tạo, vừa biết giữ gìn hạnh phúc, đồng thời biết đón bắt và tạo ra cơ hội cho chính bản thân, gia đình.
Chúng tôi gặp chị Lê Thị Hoa - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu Bồ Xồ, xã Yên Lương đúng vào giờ cơm trưa nhưng chị vẫn mải miết với công việc ngoài nhà văn hóa khu dân cư để chuẩn bị cho buổi họp phụ nữ sắp tới... Mặc dù đảm nhiệm công việc không nặng nhọc nhưng có những hôm cũng phải đi sớm về muộn, nhiều khi không lo chu toàn hết mọi việc gia đình nhưng chị Hoa vẫn luôn được chồng và các con ủng hộ. Ở bản hầu hết đều là người Dao nên nhiều năm qua, chị Hoa đã phải nỗ lực cùng với chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi quan niệm, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc.
Chị Hoa tâm sự: “Trước đây, phụ nữ trong bản hầu hết đều lui về sau, làm hậu phương, sớm tối chỉ biết đi nương rẫy, thêu thùa may vá, mọi việc lớn nhỏ đều do người chồng quyết định nhưng bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Thông qua các buổi tuyên truyền, chia sẻ kiến thức, chị em phụ nữ đã nhận thức được trách nhiệm cũng như quyền năng của bản thân nên đã mạnh dạn, cởi mở hơn để cùng chồng phát triển kinh tế gia đình cũng như các công việc khác ngoài xã hội và cũng biết tự làm đẹp cho bản thân”.
Nhiều phụ nữ vùng cao đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, xã hội. Quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” dần được nhìn nhận tiến bộ hơn, thay vào đó là cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau chăm sóc, nuôi dạy các con và tạo ra kinh tế chung của gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền núi còn nhiều khó khăn, vất vả, năm 18 tuổi, chị Nguyễn Thị Thu Hoa (hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại Trường Foods) từng mơ ước được lan tỏa nghề làm thịt chua truyền thống của gia đình mình đến với mọi miền Tổ quốc. Gạt bỏ những hoài nghi, dị nghị ban đầu, để đi những bước đệm đầu tiên, sau nhiều lần thất bại chị đã tìm ra được phương thức bảo quản thịt chua một cách tốt nhất để có thể đến tay người tiêu dùng.
Năm 2015, chị Hoa quyết định thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại Trường Foods tại huyện Thanh Sơn. Những ngày đầu tự đứng ra quản lý còn khá nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhất là về nguồn vốn, Hoa mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ ngân hàng để chi trả chi phí và đầu tư.
Nhờ sự kiên trì, chịu khó cộng với việc vừa làm vừa tự nghiên cứu, thịt chua Trường Foods đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Nhận thấy công nghệ 4.0 đang chiếm ưu thế, chị đã bắt kịp xu thế, hướng đến kinh doanh online, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Hiện Công ty của chị có trên 120 nhà phân phối, hơn tám nghìn điểm bán tại các tỉnh thành, gần 50 triệu người tiếp cận trên các nền tảng mạng xã hội. Cả nước đã biết đến sản phẩm thịt chua đặc sản Đất Tổ và Nguyễn Thị Thu Hoa được biết đến là cô gái vàng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, tấm gương truyền cảm hứng cho phụ nữ nói chung và các bạn trẻ nói riêng không chỉ ở huyện miền núi Thanh Sơn mà còn ở nhiều nơi khác.
Thời gian qua, nhằm phát huy vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong tham gia xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Sơn đã triển khai tới các cấp hội phụ nữ tích cực vận động và hướng dẫn phụ nữ tham gia các hoạt động cộng đồng như: Các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri tại địa bàn, đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị và tổ chức hoạt động hoặc gắn với sinh hoạt chi hội thường kỳ đồng thời trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng để tạo sự đa dạng trong công tác tuyên truyền, vận động.
Huyện cũng đã triển khai dự án “Việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Phú Thọ (giai đoạn một 2021- 2015) tại 62 khu vùng đặc biệt khó khăn thuộc 14 xã và ra mắt 25 tổ truyền thông cộng đồng tại 14 xã với 175 thành viên. Tổ chức các buổi truyền thông với chủ đề “Thay đổi khuân mẫu giới trong việc nhà”, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, luật phòng tránh bạo lực gia đình, luật trẻ em, bình đẳng giới với gần 1.000 người tham gia.
Những hoạt động, việc làm thiết thực đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Là cơ hội cũng như bước đệm, động lực để những người phụ nữ vùng cao ngày càng thành công, khẳng định bản thân mình. Trở thành những tấm gương sinh động nhất để khơi dậy, thúc đẩy quyền năng của nữ giới trong xã hội.