Đời sống

Tăng cơ hội định hướng nghề nghiệp cho thanh niên

Thùy Linh 26/12/2023 - 08:24

Hướng nghiệp là một trong những nội dung quan trọng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Để cụ thể hóa nội dung này, huyện Như Thanh, Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tăng cơ hội được định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.

Bám sát các quyết định, thông tư, hướng dẫn của cấp trên về thực hiện nội dung hướng nghiệp (thuộc Tiểu dự án 3, Dự án 5), huyện Như Thanh đã ban hành kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn. Đồng thời, giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các phòng, các đơn vị có liên quan, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện và các xã, thị trấn triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói chung và hướng nghiệp nói riêng.

177d0143147t6635l2-11.jpg
Huyện Như Thanh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn khởi nghiệp, học nghề cho phó bí thư đoàn xã, thị trấn, bí thư chi đoàn thôn, khu phố.

Để công tác hướng nghiệp trong năm 2023 và các năm sau đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, đúng đối tượng, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hướng nghiệp cho thanh niên. Hình thức truyên truyền được triển khai đa dạng như trên hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi, pano, áp phích, tại các buổi sinh hoạt thôn, chi bộ...

Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người lao động về hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, huyện chú trọng triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, đội ngũ làm công tác tuyên truyền, tư vấn khởi nghiệp, học nghề như phó bí thư đoàn các xã, thị trấn; bí thư các chi đoàn thôn, bản, khu phố trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai khảo sát nhu cầu việc làm tại địa phương để xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền, hướng nghiệp sát với thế mạnh của từng vùng, từng địa phương và từng đối tượng.

Trong tháng 12/2023, huyện đã triển khai lớp truyền thông nâng cao năng lực cho 173 cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn khởi nghiệp, học nghề cho phó bí thư đoàn các xã, thị trấn; bí thư các chi đoàn thôn, bản, khu phố. Tổ chức tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp ở 3 cụm xã cho 600 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Tổ chức 8 cuộc truyền thông, hướng nghiệp cho 2.000 học sinh các trường: THPT Như Thanh, THPT Như Thanh 2; THCS-THPT Như Thanh; THCS Cán Khê; THCS Xuân Du, THCS Xuân Khang, THCS Xuân Phúc và Trung tâm GDNN-GDTX.

Tại các buổi truyền thông hướng nghiệp, các chuyên gia tư vấn đã tuyên truyền nội dung hướng nghiệp như tổng quan về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành ý tưởng khởi nghiệp, tư duy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khởi nghiệp, cách xây dựng và trình bày dự án khởi nghiệp. Đồng thời, các chuyên gia đã tư vấn cách chọn trường, chọn nghề, tìm hiểu các ngành nghề trong xã hội và xu hướng phát triển các ngành nghề trong tương lai; thông tin thị trường lao động, các chính sách của Đảng và Nhà nước về nghề nghiệp, việc làm; các hoạt động đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm cho các em học sinh và đội ngũ phó bí thư đoàn các xã, thị trấn; bí thư các chi đoàn thôn, bản, khu phố và các ĐVTN.

Bên cạnh đó, các em học sinh và ĐVTN sẽ được giải đáp những băn khoăn, trăn trở về lựa chọn trường, chọn nghề, thị trường lao động, việc làm và xu hướng phát triển ngành nghề trong tương lai. Qua đó, giúp các em học sinh và ĐVTN có thêm thông tin, kiến thức để lựa chọn cho mình một nghề, một hướng đi phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, xu hướng phát triển của xã hội.

Tham gia buổi truyền thông tư vấn hướng nghiệp, Phó Bí thư Đoàn xã Phú Nhuận Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Buổi tư vấn hướng nghiệp đã giúp em có thêm kiến thức về xu hướng nghề nghiệp, các mô hình kinh tế; hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của công tác hướng nghiệp. Từ đó có định hướng, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Đồng thời, tư vấn cho các ĐVTN tại địa phương để họ có thêm kiến thức và cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp cho bản thân”.

Theo thống kê của huyện Như Thanh, trong 5 năm qua, tỷ lệ học sinh THCS trên địa bàn huyện được giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp đạt 100%. Tỷ lệ học sinh được phân luồng sau THCS ngày càng tăng lên. Điều này cho thấy sự thay đổi trong quan niệm của phụ huynh và học sinh về lựa chọn hướng đi tương lai, phù hợp với thực tế. Đây cũng là cơ sở quan trọng để việc thực hiện công tác hướng nghiệp (theo Tiểu dự án 3, Dự án 5 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030) đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra.

Hướng nghiệp cho thanh niên miền núi là một hoạt động quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, thời gian tới huyện cần có sự hỗ trợ đồng bộ hơn nữa của các tổ chức, đơn vị liên quan nhằm rà soát, bổ sung nhu cầu nghề nghiệp của địa phương và xu thế nghề nghiệp chung để xây dựng nội dung hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp sát nhu cầu thực tế; triển khai công tác hướng nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú, tiến tới giải quyết việc làm phù hợp cho học sinh, thanh niên vùng dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng tăng cường hoạt động trải nghiệm để học sinh có thêm nhiều lựa chọn, nắm bắt thực tế hơn với định hướng nghề nghiệp.

Thùy Linh