Đời sống xã hội

Người Tày Xuân Giang gìn giữ nghề truyền thống đan nón lá hai mê

Nguyễn Yếm 26/12/2023 - 08:14

Quang Bình (Hà Giang) là mảnh đất có nhiều truyền thống văn hoá, gần đây nhất có hai di sản văn hoá cấp Quốc gia vừa mới được công nhận. Trong đó, có nghề làm nón lá hai mê của người Tày ở xã Xuân Giang.

Đây là cơ sở rất quan trọng để huyện Quang Bình nói chung và xã Xuân Giang nói riêng tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đến Xuân Giang vào những ngày sau khi được nhận quyết định về việc chiếc nón lá hai mê của địa phương được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, chúng tôi cảm nhận được niềm vui hân hoan xen lẫn tự hào của bà con nơi đây. Ông Hoàng Văn Bính, Hội trưởng Hội nghệ nhân dân gian xã Xuân Giang tâm sự: “Chúng tôi rất phấn khởi và tự hào khi từ nay chiếc nón lá hai mê truyền thống của người Tày Xuân Giang được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Từ việc được công nhận sẽ tạo động lực và mở ra cơ hội lớn cho nghề truyền thống của chúng tôi. Tôi sẽ cùng các nghệ nhân trong Hội gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này”.

img_5976.jpeg
Phụ nữ dân tộc Tày xã Xuân Giang đan nón lá.

Để làm ra được một chiếc nón đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ từ việc chọn cây giang để đan thành khuôn nón. Công đoạn đan khuôn nón yêu cầu người thợ phải có kỹ thuật đan thành thục. Lá cọ non được lựa chọn kỹ lưỡng và hong qua lửa mềm rồi mới được đặt vào giữa hai mê nón, đây là công đoạn đòi hỏi nhiều công phu và cẩn thận nhất, chỉ một chút sơ xảy là có thể bị rách và lệch so với hai mê nón. Đối với hai mê nón, chúng được cất lên gác bếp để bồ hóng bám vào vừa không bị mối mọt vừa thành màu đen đặc trưng. Chiếc nón đối với người Tày nó không chỉ là vật che mưa, che nắng mà còn có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới, hỏi. Nón được trao cho cô gái khi về nhà chồng, là vật kỷ niệm của cha, mẹ với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng, con. Hình ảnh những người phụ nữ Tày ngồi đan nón tạo nên một nét mềm mại, với màu sắc hòa quyện với thiên nhiên, tạo thành một không gian văn hóa độc đáo.

Bà Hoàng Thị Liền, người Tày xã Xuân Giang chia sẻ: “Nghề đan nón lá hai mê không biết có từ bao giờ, từ khi còn nhỏ tôi đã được bà và mẹ dạy đan nón lá, từ đó đến nay tôi không nhớ nổi đã từng đan bao nhiêu chiếc nón rồi, có cái đem tặng, có cái đem bán. Giá bán nón dao động từ 70 đến 120 nghìn đồng/chiếc. Đây là một động lực giúp người dân ở vùng quê thuần nông như chúng tôi có thêm thu nhập. Để góp phần gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống của quê hương mình, chúng tôi sẽ truyền dạy cho thế hệ trẻ để sản phẩm nón lá hai mê của người Tày luôn được bảo tồn và ngày càng phát triển”.

Nắm được tiềm năng rất lớn từ nghề đan nón lá hai mê truyền thống, hiện nay UBND xã Xuân Giang đã có nhiều cách làm để bảo tồn và phát huy như: Tổ chức các lớp dạy đan nón; trưng bày tại các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài huyện; thi đan nón ở các lễ hội của địa phương...

img_5975.jpeg
Nón lá hai mê của người Tày xã Xuân Giang được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Anh Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang cho biết: Xuân Giang là xã với hơn 80% đồng bào dân tộc Tày sinh sống, nghề đan nón lá hai mê của người Tày là một nét văn hoá truyền thống đặc trưng. Nắm được tiềm năng đó cấp ủy, chính quyền xã có nhiều quyết sách quảng bá và hỗ trợ người dân, tiến tới xây dựng Hợp tác xã đan nón lá hai mê, định hướng gắn với phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế của địa phương. Hy vọng rằng nón lá hai mê sẽ trở thành một sản phẩm lưu niệm được du khách gần, xa biết đến”.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng tình yêu bản sắc dân tộc của đồng bào Tày nơi đây. Hy vọng nghề đan nón lá hai mê sẽ được lưu truyền và ngày càng phát triển. Trở thành sản phẩm chủ lực để vừa lưu giữ văn hoá, vừa phát triển kinh tế.

Nguyễn Yếm