“Tiếp lửa” để phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu
Khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với bất kỳ ai. Với phụ nữ dân tộc thiểu số, điều đó càng khó khăn hơn. Nhưng với quyết tâm vươn lên, không ít chị em phụ nữ ở những bản làng miền núi xa xôi đã mạnh dạn, tự tin thực hiện có hiệu quả ý tưởng khởi nghiệp gắn liền với những thế mạnh địa phương.
Khó nhưng không nản
Tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, nhiều dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã được lựa chọn và giành giải cao.
Cụ thể, tháng 9/2023, tại vòng chung kết cấp vùng miền Bắc của cuộc thi có 14 thí sinh là người DTTS (chiếm 43,8%). Sau vòng thi thuyết trình, nhiều dự án có chất lượng của phụ nữ DTTS đã được ban tổ chức lựa chọn và trao giải. Đó là dự án “Phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới xứ Lạng” của chị Vương Thị Thương, tỉnh Lạng Sơn; dự án “Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ DTTS” của chị Hoàng Bích Ngọc ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn; dự án “Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, Chí chọp” của chị Lò Chúc Chi, tỉnh Điện Biên...
Tháng 10/2023, tại vòng chung kết toàn quốc, trong số 33 dự án khởi nghiệp được lựa chọn có 7 dự án khởi nghiệp của phụ nữ DTTS (chiếm 21,2%). Một lần nữa, tên của người phụ nữ dân tộc Tày Vương Thị Thương được vinh danh giải Nhất. Chị Thương được nhiều người biết đến khi xây dựng được mô hình trồng cây hồng vành khuyên hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 phụ nữ DTTS với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng....
Tháng 9/2023, trong chuyến hành trình 12 ngày tại Việt Nam với vai trò là đại sứ văn hóa, bà Christine Hà, một đầu bếp khiếm thị người Mỹ gốc Việt, quán quân cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ đã đến bản Bướt, xã Chiềng yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Bản Bướt là nơi ghi dấu sự vươn lên của người dân, trong đó có số đông phụ nữ, để cuộc sống có nhiều thay đổi tích cực. Tại bản Bướt, bà Christine Hà đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình, phần nào giúp chị em người DTTS nơi đây có thêm nguồn cảm hứng.
“Bản chất của chị em phụ nữ người DTTS là rất cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng họ bị hạn chế bởi nhiều khuôn phép, tập tục của gia đình, xã hội. Do vậy, câu chuyện của vua đầu bếp Christine Hà rất hữu ích với chị em. Bản thân là cán bộ Hội phụ nữ, tôi cũng sẽ tiếp lửa, làm cầu nối cho chị em trên địa bàn có thêm sức mạnh, khuyến khích chị em cùng nhau phát triển. Buổi chia sẻ của bà Christine Hà đã truyền được cảm hứng cho đông đảo chị em phụ nữ người DTTS ở đây, nhưng điều quan trọng nhất vẫn ở chính bản thân của mỗi chị em, phải biết khẳng định mình, chứng minh khả năng của mình" - chị Bàn Thị Kiều - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La khẳng định.
Tăng cường hỗ trợ để phụ nữ DTTS vươn lên
Mới đây, tham luận về vấn đề “Thực trạng tiếp cận và thụ hưởng chính sách của phụ nữ DTTS – Những vấn đề cần quan tâm” tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” do T.Ư Hội LHPN Việt Nam và Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 14/12, đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết, phụ nữ DTTS hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng chính thức để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt khoảng 15%, thấp hơn so với tỷ lệ tương ứng của hộ gia đình DTTS do nam giới làm chủ hộ là 20,7%...
Nguyên nhân của những khó khăn trên là do: những định kiến truyền thống về vai trò nam - nữ khiến phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường và ra các quyết định liên quan đến sinh kế; tình trạng phụ nữ DTTS mù chữ, tái mù chữ cao dẫn đến thiếu hiểu biết về luật pháp, chính sách về lao động, việc làm; thiếu các kỹ năng giao tiếp, công nghệ thông tin; năng lực của các nữ chủ hộ DTTS về lập hồ sơ vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế nên chưa tiếp cận được những khoản vay giá trị lớn...
Để hóa giải vấn đề này, theo Ủy ban Dân tộc cần có những giải pháp thích đáng và hiệu quả. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường hỗ trợ các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế nhất được tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng với cộng đồng người DTTS địa phương tới các nguồn lực của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ DTTS và các tổ chức đại diện của phụ nữ trong quá trình xây dựng, vận hành, quản lý - điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm và chuyển đổi việc làm ở địa phương, vùng DTTS... Từ đó giúp phụ nữ DTTS phát huy nội lực và tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng...
Như sự chia sẻ của chị Hoàng Bích Ngọc ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn (với dự án “Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ DTTS”) về giá trị của sự hỗ trợ: “Khi khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân tôi là phụ nữ dân tộc nên chưa mạnh dạn tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội, tiếp cận các lớp học, mà chỉ biết lao đầu làm cật lực bằng tay chân. Trên con đường khởi nghiệp, tôi được tham gia lớp khởi nghiệp khởi sự kinh doanh do Hội LHPN huyện, cấp tỉnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Qua những khóa tập huấn này, tôi được tiếp cận với các kiến thức kinh doanh, được các thầy cô giáo chỉ cho định hướng để phát triển kinh tế. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023 giúp tôi có thêm quyết tâm khởi nghiệp, phát triển HTX giúp chị em phụ nữ tại địa phương phát triển kinh tế”...