Văn hóa

Về Tổng Phục, nghe câu hát huê tình

T.Thành - H.Minh 24/12/2023 - 09:27

Hàng năm, cứ vào ngày mồng 2 đến ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch, Tổng Phục lại tưng bừng mở hội. Mà đã có hội thì tất có màn hát đúm. Những tưởng trải qua bao dâu bể, chiến tranh, thăng trầm, tao loạn có thể làm phôi pha, mai một loại hình sinh hoạt văn hóa hết sức đặc sắc này, thế nhưng bằng sự tâm huyết của cả cộng đồng, các điệu hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình vẫn được bảo tồn và duy trì cho đến ngày nay.

Một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc

Hát đúm, còn được gọi là hát nói, hát mở mặt, là một loại hình dân ca với những làn điệu đối đáp do nhiều người tham gia, được thực hiện phổ biến trong những dịp hội, hè đầu xuân. Đây là một hình thức ca hát mang tính cộng đồng, cộng cảm, một nét hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân ven biển Bắc Bộ, mà cái nôi là tổng Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa; nay thuộc các xã Lập Lễ, Phục Lễ, Phả Lễ, Tam Hưng của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Theo một số tài liệu thì hát đúm xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Đến thời nhà Mạc, thế kỷ thứ XVI, sau khi chùa Kiến Linh được tạo dựng ở Phục Lễ, hát đúm chính thức được hát trong lễ hội tại cửa đình và dần dần phát triển rộng ra khắp vùng. Ở đồng bằng Bắc Bộ, Hải Phòng là địa phương duy nhất có hát đúm, lớn nhất là Thủy Nguyên, Đồ Sơn và Cát Hải, tiêu biểu nhất là Hội hát đúm xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên. Bên cạnh đó, các địa phương khác cũng có hát đúm như An Hải, Kiến Thụy….

anh-bai-tram-nam-khuc-hat-san-dinh-2.jpg
Màn hát đối đáp của nam nữ Tổng Phục

Tương truyền, từ thời xa xưa, các cô gái ở Tổng Phục đã có thói quen trùm khăn che kín mặt khi đi ra ngoài, chỉ để hở hai con mắt. Lý giải về tập tục này, người già ở Thủy Nguyên kể rằng, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, Thoát Hoan có mang theo Phạm Nhan với mục đích là dùng pháp thuật của hắn để đánh bại quân ta. Thế nhưng nào ngờ hắn bị quân ta bắt được. Trần Hưng Đạo liền hạ lệnh chặt đầu để làm gương.

Phạm Nhan chết nhưng hồn ma của hắn vẫn thường hiện hình quanh cửa Bạch Đằng để trêu ghẹo đàn bà con gái. Ai yếu bóng vía, bị hồn Phạm Nhan nhập vào thì coi như chỉ có con đường chết. Từ đó các cô gái Tổng Phục phải dùng khăn che gương mặt mình lại phòng bị hồn ma đeo đuổi. Chỉ đến những ngày lễ hội, trước cửa đình, chùa, là nơi có thần phật cùng các đức thánh hoàng trấn áp, các cô mới dám mở khăn che mặt để mà chuyện trò, đối đáp với trai làng.

Bên cạnh lý do sợ hồn ma Phạm Nhan “trêu hoa ghẹo nguyệt”, cũng còn có một cách lý giải khác về thói quen bịt mặt của các cô gái Tổng Phục khi xưa. Đó là bởi do các cô gái được sinh ra và lớn lên ở đây đều có nhan sắc hơn người, vì muốn ngăn gió bụi, tránh mưa dầm nắng táp làm hỏng làn da, nên mới dùng khăn bịt mặt. Lâu dần nó trở thành thói quen khó bỏ. Thậm chí có cô ngay cả khi ở trong nhà, trừ mấy bữa ăn và khi ngủ, chiếc khăn đó vẫn trùm kín mặt. Chính vì thế mà đôi khi có những người con gái, suốt những năm tháng thiếu nữ, chỉ có cha mẹ, anh em ruột thịt mới thảng hoặc thấy được dung nhan.

Hội ở Tổng Phục tiến hành từ mồng 2 Tết cho đến khoảng mồng 10 tháng Giêng bằng một nghi thức giản dị, nhưng trang trọng. Còn chủ yếu của tục “mở mặt” là trai gái hát đúm (như hát đối đáp) để đôi bên dò tìm ý trung nhân. Các cô gái sau khi được cởi bỏ khăn, cô nào cũng trắng, cũng xinh đẹp “chim sa cá lặn” khiến các chàng trai nhiều vùng quê kéo đến, hát thì ít mà xem mặt các cô là chính. Nhưng nếu muốn lọt mắt xanh các cô, các chàng phải học cách hát, phải hát giỏi may chăng mới được các cô để ý.

Cũng giống như các loại hình hát đối đáp khác, hát đúm được chia làm hai nhóm, nhóm nam và nhóm nữ. Do tính tương tác cao nên hát đúm đòi hỏi sự thông minh, nhanh nhạy và tài ứng đối của mỗi người. Muốn có câu hát đố hay và khó nhất định phải hiểu biết nhiều, vận dụng chữ nghĩa linh hoạt, song câu đáp mới tài hơn vì người ra câu đố có đủ thời gian hơn, suy nghĩ trước; còn người đáp thường phải trả lời ngay tức thì.

Rất nhiều câu hát đối đáp tài tình không những được tán thưởng ngay tại nơi hát mà còn được truyền tụng vang xa, lưu truyền mãi trong dân gian. Thường thì phe nữ ra câu hát đố để phe nam đáp lại. Không ít trường hợp câu đố quá khó, phe đáp lâm vào thế bí không đáp lại được, đành lặng lẽ rút lui, hoặc thành thành thật thật nhận thua rồi chào khéo để ra về.

Vang mãi với thời gian

Cũng giống như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác, trong cuộc “va đập” đến nghiệt ngã với thị trường giải trí vàng thau lẫn lộn, hát đúm đã phải trải qua quá nhiều thăng trầm, biến cố. Nhất là từ những năm cuối thế kỷ 20, do nhịp sống hối hả, sôi động với nhiều phương tiện hiện đại thanh niên xa rời văn hóa dân gian truyền thống, hát đúm dần trở nên “lỗi nhịp”. Nhịp điệu chậm rãi, đều đều của hát đúm khó hòa vào nhịp sống sôi động của thanh niên trong thời hiện đại. Thế nên kể từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, hát đúm chỉ còn duy nhất ở Thủy Nguyên.

Mấy năm gần đây, chính quyền địa phương các cấp cùng nhân dân Thủy Nguyên đã tập trung khôi phục và phát triển loại hình văn hóa này. UBND huyện cũng đã cho xây dựng “Đề án bảo tồn và phát triển Hát đúm huyện Thủy Nguyên định hướng đến năm 2020”, trong đó có cơ chế quan tâm động viên, khích lệ, tạo điều kiện để các Nghệ nhân các CLB tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ; đưa hát đúm vào chương trình giảng dạy ngoại khóa tại các trường Tiểu học và THCS ở các xã có di sản và các xã lân cận; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn, hội thi Hát đúm giữa các CLB...

anh-bai-tram-nam-khuc-hat-san-dinh-3.jpg
Ở Tổng Phục, tục che mặt có từ rất xa xưa

Trong ngày hội “Hát đúm”, tại sân chùa Phục Lễ, nhiều bàn hát đúm mọc lên, mỗi bàn kê hai bộ tràng kỷ đối diện nhau. Giữa bàn để nhiều hộp trầu và khăn tay thêu cành hồng (tặng phẩm). Một bên trai, một bên gái ngồi hai bên dãy tràng kỷ. Mặt nhìn mặt, tay cầm tay. Thường thì cả hai bên trai gái vào hát đều di động để nếu nhỡ một anh hát bí hay bị hỏi, đố, lúng túng không trả lời được thì ra hiệu cho anh kia hát đỡ, gỡ bí cho. Khi hát có nhạc bát âm. Hai bên trai gái đối đáp. Bên nào không đối đáp được là thua. Đây là một hình thức thử tài văn chương, kiến thức của nhau, ướm lời yêu đương “tìm hiểu” bằng nghệ thuật, phải thuộc làu tục ngữ, truyện tích.

Cuộc hát có thể kéo dài từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Giữa các canh hát, các cô mời trầu nước, tặng vật kỷ niệm cho các chàng để tỏ lòng mến mộ. Nhiều cô còn mời các chàng về nhà mình ăn bữa cơm đầu xuân để biết nhà cửa và có sức tiếp tục hát tới khuya. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, cuộc hát đúm kéo dài đến mồng 10 tháng Giêng. Qua những buổi hát, nhiều đôi đã kết nhau để cuối năm nên duyên chồng vợ.

Bởi có tục lệ ấy mà ngày xưa ở Tổng Phục hầu như cô gái nào cũng thuộc một số bài hát ví, phòng khi đi hội gặp các chàng trai mời hát mà mở khăn đối đáp. Hát ví thường chỉ dựa vào hai thể thơ lục bát và song thất lục bát. Tuy không nhiều làn điệu, nhưng lại rất phong phú về đề tài, đòi hỏi người hát phải rất giỏi về đối đáp.

Lời hát đúm được xuất khẩu tự nhiên, ứng đối linh hoạt, tùy tình huống mà xử lý, chứ khó mà chuẩn bị trước được. Cũng là những lời xa xôi bóng gió, những gửi gắm nỗi niềm, chẳng hạn “Quê em biển rộng sông dài/Có muốn ăn cá đi chài với em”; Hoặc “Thuyền ai đi ngược về xuôi/Thuyền em đơn chiếc lẻ loi cánh buồm”…

Hát đúm vui nhất là hôm hát giã đám. Lúc này họ trao giữ kỷ vật cho nhau, nấn ná đến tận khuya, mà đưa ra toàn những bài hát hay, mới nhất từ nỗi lòng sâu kín của họ. Hôm đó hai bên ít hát đối đáp mà toàn những bài trữ tình, bâng khuâng, lưu luyến…

“Ra về mặt ngọc như ngà/Xin chàng hãy trở lại nhà em chơi/Ra về nửa đứng nửa ngồi/Nửa thời nhớ bạn nửa thời thương anh/Ra về nước mắt long lanh/Xin chàng đừng có vin cành với ai/Cũng có khi em ngồi tựa gốc mai mong mỏi/Nhớ đến chàng bối rối mà than/Vắng chàng em gẩy cây đàn cho khuây...”.

Có lẽ cũng chính vì những yêu đương, thương nhớ vừa mới kịp nhen lên đã phải xa cách, chia ly, phải hát lời giã bạn, thế nên những cô gái, chàng trai Tổng Phục luôn chờ đợi, mong ngóng hội đúm lần sau? Để được gặp, để được bày tỏ lòng mình, “nắng mưa bãi sú bờ sông/Chồng chài vợ lưới thỏa lòng anh ơi/Mênh mông cuối biển cùng trời/Ước sao ăn kiếp ở đời cùng nhau”?

Và có lẽ cũng chính vì cái niềm khao khát được yêu hết sức bản năng và tinh khiết ấy mà mỗi độ xuân sang, bước chân du khách lại chộn rộn đổ về Tổng Phục, suốt hàng mấy trăm năm có lẻ.

T.Thành - H.Minh