Mục sư đạo Tin lành giúp đỡ người Xơ Đăng và Gié-Triêng vươn lên thoát nghèo
Già A Hùng được xem như tấm gương sáng trong việc sống "tốt đời, đẹp đạo," hướng dẫn người dân thực hiện đúng đường lối của Đảng, Nhà nước, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo.
Huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) hiện có 92 người được công nhận là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Họ có vị trí, vai trò rất lớn, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân địa phương trên các lĩnh vực như tuyên truyền, vận động quần chúng; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Với cộng đồng người Xơ Đăng và Gié-Triêng tại làng Chung Năng (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei), già A Hùng - mục sư đạo Tin lành, được xem như tấm gương sáng trong việc sống "tốt đời, đẹp đạo," hướng dẫn người dân thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trước năm 1975, già A Hùng từng là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi đất nước thống nhất, già về sinh sống tại làng Chung Năng.
Già A Hùng chia sẻ làng Chung Năng nói riêng và huyện Đăk Glei nói chung trước đây rất khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt.
Phát huy phẩm chất của Bộ đội cụ Hồ, già A Hùng đã mở ra “cánh cửa” thoát nghèo bằng việc tìm tòi, học hỏi và tiên phong trồng hơn 1ha cây cao su, 200 gốc càphê trên vùng đất khó.
Thấy được sự nỗ lực của già, huyện Đăk Glei đã phân công cán bộ nông nghiệp đến hỗ trợ trong việc trồng, chăm sóc cây. Nhờ đó, diện tích cao su, càphê của già đã phát triển và bước đầu đã cho thu hoạch.
Người dân làng Chung Năng đã bắt đầu học hỏi và làm theo già A Hùng với mong muốn vượt khó vươn lên làm giàu. Hiện, địa phương đã có hơn 200 hộ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây kém hiệu quả như mì (sắn) sang trồng càphê, cao su.
Anh A Hiek (làng Chung Năng, thị trấn Đăk Glei) cho biết gia đình anh hiện có 2ha càphê và cao su. Nhờ được sự chỉ bảo tận tâm của già A Hùng, đời sống của người dân trong làng đã khá hơn trước. Một số hộ đã xây dựng được nhà cửa khang trang; đường làng, ngõ xóm sạch sẽ.
Già A Hùng còn hiến hơn 210m2 đất để làm đường, giúp công việc vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân thuận tiện. Cùng đó, già A Hùng luôn gương mẫu và phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân tộc thiểu số.
Anh A Múc (Trưởng thôn Chung Năng, thị trấn Đăk Glei) chia sẻ, già A Hùng là người rất có uy tín, có vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền cho người dân về mọi mặt. Già thường xuyên vận động người dân chuyên tâm làm ăn, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Là một mục sư, già luôn căn dặn người có đạo sống “tốt đời, đẹp đạo," “kính Chúa, yêu nước” để cùng phát triển cộng đồng ngày càng vững mạnh, tươi đẹp.
Nhờ đó, năm 2023, làng Chung Năng có 17 hộ thoát nghèo; trong đó có 4 hộ tự nguyện thoát nghèo. Người dân nơi đây luôn hỗ trợ và san sẻ đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Vào các dịp lễ lớn, các hộ thường góp tiền ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trao tặng các nhu yếu phẩm để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Với sự nỗ lực của mình, già A Hùng đã được công nhận là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số năm 2013 và được trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen từ cấp Trung ương đến cơ sở.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Glei Y Thanh khẳng định, người có uy tín được xem như “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước; quán triệt để người dân không nghe, không tin kẻ xấu kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước.
Họ đã vận động người dân tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững; hưởng ứng các phong trào thi đua tại địa phương; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới tại cộng đồng dân cư.
Người có uy tín tại địa phương luôn chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội nổi cộm và đời sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số để phản ánh kịp thời đến chính quyền. Họ đã và đang cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chính quyền tại cơ sở và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người có uy tín; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và tạo mọi điều kiện cho người có uy tín được nghiên cứu, giao lưu, nâng cao nhận thức. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; nâng cao chất lượng và hiệu quả hực hiện các chính sách đặc thù, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc trong giai đoạn mới.