Đời sống xã hội

Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023):Huyền thoại về Đặc công rừng Sác

N.Hoàng 22/12/2023 08:35

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, có một đội quân tuy không hùng hậu, không có vũ khí, khí tài tối tân, nhưng đã lặng thầm chiến đấu, thoắt ẩn thoắt hiện, “xuất quỷ, nhập thần”, giáng nhiều đòn chí mạng vào những cơ quan đầu não của địch và bọn tay sai. Cho đến tận bây giờ, đội quân ấy, với tên gọi Đặc công rừng Sác sẽ mãi là niềm tự hào và mến thương của nhân dân Việt Nam.

Đánh địch từ trong lòng địch

Rừng Sác là khu rừng nguyên sinh ngập mặn thuộc huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã hình thành một căn cứ địa quan trọng của quân ta.

Do nằm sát biển, lại gần Sài Gòn, có rừng rậm bạt ngàn, sông rạch chằng chịt, trong đó có con sông Lòng Tàu - tuyến đường giao thông huyết mạch, chuyên vận tải, tiếp tế hậu cần từ biển Đông về nội đô – nên Mỹ cũng xem rừng Sác là vị trí mang tính chiến lược.

anh-bai-huyen-thoai-ve-dac-cong-rung-sac-1.jpg
Đặc công rừng Sác

Trước tình hình đó, đánh giá địa bàn rừng Sác là nơi có tính chất chiến lược quan trọng, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền ra quyết định thành lập Đặc khu quân sự rừng Sác (Mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 Đặc công rừng Sác), với nhiệm vụ chủ yếu là án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho tàng, bến bãi của địch và bảo vệ bàn đạp cho lực lượng tiếp tế của ta.

Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của một chiến khu trên mặt nước, lại ở vị trí “sân sau” của kẻ thù, để đảm bảo sự tồn tại và tiến công được, lực lượng đặc công Rừng Sác phải xây dựng theo hướng đặc công hóa toàn bộ về tổ chức và hoạt động.

Vì thế, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được thành lập với phương châm bám dân, bám đất, bám vào địa hình dày đặc sông rạch, len lỏi trong các vùng nhân dân che chở để xây dựng “thế trận lòng dân”. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ bằng mọi cách đánh địch trên các dòng sông để tiêu diệt sinh lực địch và nguồn cung ứng của địch cho Sài Gòn.

Đoàn 10 có một đội biệt kích, một đội “giữ nhà” và lo hậu cần, còn một đội chuyên đi… trồng rừng. Do địa hình của rừng có nơi bùn lầy đến ngang lưng nhưng cũng có chỗ khô ráo, chiến sỹ ta phải di chuyển trên rễ cây, tránh lội xuống bùn để không lộ vết tích. Hơn nữa, có những vùng đất trống, cây cối lưa thưa, việc di chuyển hay ẩn nấp của bộ đội vô cùng gian khó. Chính vì thế mà đội trồng rừng ra đời.

Năm 1966, biệt kích Mỹ đã phát hiện căn cứ và kéo 3 cánh quân đánh vào rừng Sác. Nhờ thông thạo địa hình và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong rừng ngập mặn nên ta đã tiêu diệt gần 300 quân địch. Để bảo vệ vị trí chiến lược này, Mỹ tuyên bố “làm cỏ Rừng Sác” bằng “mưa bom bão đạn và chất độc hóa học…”, biến nơi đây thành “vùng đất chết”.

Những chiến công vang dội

Với lối đánh “xuất quỷ, nhập thần”, bất ngờ và táo bạo, Đoàn 10 đã nhiều lần chia cắt tuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí của Mỹ chi viện cho chính quyền Ngụy ở Sài Gòn. Trải qua 9 năm (từ năm 1966-1975), Đoàn 10 Đặc công rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch. Nhưng trên hết, các chiến sỹ đặc công đã chia cắt nguồn cung ứng của Mỹ cho Sài Gòn, với những trận đánh để đời, khiến địch trở tay không kịp...

Một trong những trận đánh nổi tiếng của Đoàn 10 là trận đánh tàu Victoria vào ngày 23/8/1966, tức là chỉ 4 tháng sau khi được thành lập. Thời điểm này, trên tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm… cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966-1967.

anh-bai-huyen-thoai-ve-dac-cong-rung-sac-2.jpg
Trận đánh kho xăng Nhà Bè năm 1973

Dưới sông, tàu địch tuần tiễu liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sĩ đặc công rừng Sác phải ngâm mình dưới bùn, nước để ngụy trang. Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23/8, khi tàu Victoria đi qua, 2 quả thủy lôi đã làm nổ tung con tàu có trọng tải hơn 10 nghìn tấn cùng khí giới đã bị nhấn chìm xuống lòng sông...

Mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn chính là những từ mà truyền thông thế giới miêu tả về lối đánh và chiến thắng của Đặc công rừng Sác. Vào đêm ngày 2, rạng sáng mồng 3/12/1973, Đặc công rừng Sác đã có một trận đánh táo bạo gây tiếng vang chấn động địa cầu với việc tấn công tổng kho xăng dầu Nhà Bè, kho chứa nhiên liệu lớn nhất miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1970, Tổng kho xăng dầu Nhà Bè là nơi dự trữ hàng hóa cho ba Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới lúc bấy giờ là Caltex, Shell và Esso. Trong đó kho của Shell là lớn nhất cung cấp 60% xăng, dầu cho các hoạt động quân sự và dân sự trên toàn miền nam.

Do tầm quan trọng đặc biệt này mà kho xăng Nhà Bè được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt với 12 lớp rào bao bọc bao gồm hàng rào và song sắt. 12 lớp hàng rào là tương đương với số lượng hàng rào Pháp dựng lên để bảo vệ cứ điểm ở Điện Biên Phủ.

Để tránh phải đối đầu với 12 lớp hàng rào thép và hàng chục toán lính canh, các chiến sỹ Đặc công rừng Sác đã mưu trí, tận dụng con sông Soài Rạp ngay bên bờ kho xăng, các chiến sĩ của ta đã thả mình trôi theo theo dòng sông để tiếp cận mục tiêu khó nhằn này. Trong ảnh là kho xăng Nhà Bè trước và sau khi bị tấn công.

Sau khi tiếp cận được các kho chính của tổng kho Nhà Bè, tổ chiến đấu với 8 chiến sỹ của Đặc công rừng Sác đã cho kích nổ đồng loạt toàn bộ các khối mìn mà họ mang theo vào lúc 0 giờ 35 phút sáng ngày 3/12/1973 biến kho xăng Nhà Bè thành một biển lửa, sáng rực bầu trời Sài Gòn. Những vụ nổ gián tiếp trong kho xăng đã làm hàng triệu lít nhiên liệu bốc cháy, gây ra phản ứng dây chuyền không thể khống chế được.

Thiệt hại nặng nhất thuộc về hãng Shell với các bồn xăng cháy liên tục trong suốt 12 ngày đêm. Các hãng khác như Caltex, Esso do lo sợ lửa lan tới sẽ thiêu trụi toàn bộ cơ sở vật chất của mình nên đã phải mở van, xả xăng dầu đổ thẳng ra sông để tránh thảm kịch. Tổng thiệt hại các tập đoàn dầu khí Mỹ phải hứng chịu sau trận đánh táo bạo của Đặc công rừng Sác lên tới hơn 20 triệu USD.

Hàng loạt các tờ báo lớn ở Sài Gòn cũng như các hãng thông tấn trên thế giới đều đưa tin về vụ tấn công có một không hai của đặc công Việt Nam vào Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Lực lượng Đặc công rừng Sác từ đây cũng được cả thế giới biết đến như một trong những lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ nhất thế giới.

Linh hồn” của biệt đội anh hùng

Nhắc đến Đặc công rừng Sác, không thể không nhắc tới Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước (Bảy Ước, sinh năm 1931, mất năm 2016) - người từng được xem là “anh Cả”, là “linh hồn” của Đặc công rừng Sác anh hùng.

Đại tá Lê Bá Ước sinh ra trong một gia đình và làng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng ở xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Ông tham gia cách mạng từ năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Vệ Quốc đoàn, Ban Tình báo C70. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, đến năm 1965 thì trở về miền Nam chiến đấu với quân hàm Đại úy.

anh-bai-huyen-thoai-ve-dac-cong-rung-sac-3.jpg
Đại tá Lê Bá Ước – “Anh Cả” của Đặc công rừng Sác

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta vào mùa xuân năm 1968, địch bao vây, đánh phá ác liệt rừng Sác vào những năm 1969 - 1970 - 1971. Chính thời gian này, Thiếu tá Lê Bá Ước là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 10 đặc công và được suy tôn là “anh Cả” của rừng Sác. Năm 1971, ông được cấp trên cử về làm Phó Chủ nhiệm Chính trị phân khu Bà Rịa – Long Khánh.

Tháng 10 năm 1971 tại khu vực sông Sa Lông, bên kia biên giới Campuchia, Bộ Tham mưu miền Nam mời Thiếu tá Lê Bá Ước vào gặp đồng chí Nguyễn Minh Châu, Tham mưu trưởng để giao quyết định của Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam phân công ông trở lại rừng Sác đảm nhiệm Đoàn trưởng kiêm chính ủy Đoàn 10 lần 2, với nhiệm vụ cùng chiến trường triển khai Chiến dịch Quang Trung. Trong đó có hai mục tiêu chiến lược là đánh Kho bom Thành Tuy Hạ và Kho xăng Nhà Bè...

Và, không phụ lòng mong mỏi của cấp trên, Đặc công rừng Sác dưới sự chỉ huy của “anh Cả” Lê Bá Ước không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh phá hai mục tiêu nói trên mà còn lập thêm nhiều chiến công vang dội khác. Với những thành tích đó, ngày 23/9/1973, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa tròn 45 năm, nhưng những chiến công cũng như tinh thần chiến đấu của bộ đội Đặc công rừng Sác vẫn còn vang mãi. Còn Cần Giờ, mảnh đất anh hùng xưa kia giờ đang thay đổi, trỗi bật từng ngày. Hệ thống giao thông, các công trình đô thị được quy hoạch khang trang, hệ sinh thái rừng ngập mặn được tái tạo, màu xanh đã phủ lên những hố bom.

Đặc biệt, ngày 21/1/2000, UNESCO đã chính thức công nhận rừng Sác là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Không những thế, giờ rừng Sác giờ còn là khu du lịch trọng điểm Quốc gia. Rất nhiều mô hình tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội đặc công đã được xây dựng một cách vô cùng sống động. Nhìn vào đó, mỗi du khách đều có thể phần nào cảm nhận được những hy sinh, mất mát mà lớp cha ông phải đánh đổi để có được một Việt Nam hòa bình, độc lập như hôm nay.

N.Hoàng