Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023): Những thanh xuân nằm lại với non sông
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp vô cùng to lớn. Có đến hàng trăm anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng ngàn liệt sĩ là thanh niên các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái, Ê Đê, Bana, Gia Rai..., đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Những cống hiến, hy sinh của họ sẽ mãi được lưu vào sử sách, mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
"Tôi sẵn sàng chết, chứ không chịu đầu hàng..."
Sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng Đắk Đoa, Gia Lai giờ đây đang mỗi ngày một đi lên theo nhịp phát triển chung của cả cao nguyên rộng lớn. Hỏi bất cứ một người già Bana nào ở Đắk Đoa về niềm tự hào của họ, bạn sẽ được nghe kể về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bok Wừu - một trong những biểu tượng của các dân tộc Tây Nguyên thời kháng chiến chống Pháp.
Năm 1939, Bok Wừu là một trong những người đầu tiên tham gia phong trào "Đất nước đứng lên" chống bắt phu bắt lính ở địa phương và trở thành cán bộ tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ cho cách mạng. Khi Pháp nắm được quyền kiểm soát Tây Nguyên, gia đình Bok Wừu là cơ sở cách mạng tin cậy lúc của cán bộ. Cả làng Tul Đoa làm thật nhiều hầm chông để bẫy con heo rừng và cả “con heo Tây”. Bok Wừu khỏe như cái cây rừng, lại thoắt ẩn thoắt hiện như con sóc phục kích tiêu diệt các toán quân nhỏ của người Pháp nên bọn Tây đồn trú gần làng rất sợ. Chúng treo giải nhiều đồng bạc trắng, nhiều tạ muối ngon cho ai bắt được Bok Wừu nhưng chẳng ai theo lời chúng. Vậy là chúng cho người vào làng đốt phá, bắt đàn bà, trẻ em để ép Bok Wừu phải ra hàng.
“Cha tôi bị bắt ba lần, nhưng lần bào cũng chỉ nói: “Tao không biết ai là cán bộ cả. Tao chỉ biết tao là Wừu!”, ông Hnhăk, con trai liệt sĩ Bok Wừu, hiện đang sống ở làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, chia sẻ.
Lần thứ nhất Bok Wừu bị bắt là vào cuối tháng 12 năm 1950 ngay tại quê nhà. Khi bị giặc Pháp giải đi về Kon Tum ông đã lập mưu lừa địch và lao thẳng vào cánh rừng ven đường trong lúc xe đang giảm tốc độ qua ngã ba đường.
Cuối tháng 1 năm 1951, tức là một tháng sau, Bok Wừu bị bắt lần 2 tại cuộc họp dân làng tại bìa rẫy ngay cạnh làng Thung để bàn kế hoạch chống Pháp. Khi bị đánh đập tra khảo anh chỉ nói một câu “Bọn mày cứ đánh đập tra khảo, cứ bắn tao đi chứ đừng để tao cúi đầu! Dân làng vợ con tao không có tội, bọn mày không được hành hạ, tao làm tao chịu”. Khi địch giải anh đi, anh lại tiếp tục lừa bọn chúng và anh tiếp tục chốn thoát. Sau lần bị bắt này anh đã thoát ly hẳn ra khỏi căn cứ để dễ hoạt động. Năm 1952 do địch bắt và có một số phản Cách mạng khai thác cơ sở của ta nên phong trào Nam - Bắc Đắk Đoa gặp nhiều khó khăn.
Trong tình hình ác liệt đó, đồng chí Wừu bị bắt lần thứ ba. Tháng 4 năm 1952 tại vùng cách mạng Pledekel. Địch biết ông có lắm mưu mẹo nên chúng rất đề phòng, chúng liên tục tra khảo. Sau mấy đêm tra khảo không có kết quả chúng đưa ông về làng Dé Đoa để xử tội trước dân chúng. Khi đó, ông đã nhìn về phía dân làng, vợ con và nói lớn: “Tôi sẵn sàng nhận lấy cái chết để dân làng, vợ con tôi được sống, tôi nhất định không phản lại dân làng, vợ con, nhất định không đầu hàng”.
Tức tốc bọn địch đè ông xuống rồi xẻo tai, chặt đứt 10 ngón tay, máu chảy lênh láng. Sau khi tỉnh lại, biết mình không thể sống, Bok Wừu nhận lời dẫn địch đến đánh Cách mạng Kam Krin và lừa chúng vào khu vực bị phòng dày đặc của ta. Lần lượt 3, 5 rồi 7 tên giặc bị sập xuống hầm đã cài sẵn chông của ta, lúc bấy giờ địch mới biết bị lừa. Chúng tức giận dùng lưỡi lê khoét mắt và xả súng bắn vào ông cho đến chết.
Ông Hnhăk nhớ lại: “Khi bắt được bố tôi lần thứ 3, bọn địch muốn thị uy trấn áp tinh thần của người dân nên đã đưa ông về làng sau khi tra tấn dã man. Về đến làng Tul Đoa, chúng trói ông vào thân cây rồi cắt mũi, xẻo tai và chặt 10 đầu ngón tay khiến ai nấy đều hãi hùng. Vậy mà ông không khai lấy một lời. Đã thế còn lớn tiếng kêu gọi: “Đừng sợ, hãy căm thù và đoàn kết đấu tranh diệt cho hết lũ Ayat” (bọn giặc cướp nước).
Trước khi chết, ông còn lừa mấy tên giặc sa xuống hầm chông. Chúng lồng lộn trả thù ông bằng cách lôi ông xuống suối, chọc lưỡi lê vào mắt và xả đạn. Đêm đó, cả làng đốt đuốc đi tìm. Khi nhìn thấy bố tôi nằm dưới khe suối nhỏ, mọi người ai cũng tức giận và căm phẫn...”.
Bốn năm sau khi mất, Bok Wừu được truy tặng Huân chương quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Noi gương Anh hùng Wừu, suốt những năm tháng chiến tranh sau đó, hết chống Pháp rồi tới Mỹ - Ngụy, người dân Đắk Đoa trẻ thì xung phong đi bộ đội, làm dân quân du kích, phụ nữ ở nhà sản xuất, tiếp tế nuôi quân. Hiện tên của người Anh hùng ĐắkĐoa đã được đặt cho một ngôi trường và một con đường tại tỉnh Gia Lai.
Tác giả của lối bắn “xuyên táo”
Cũng sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, cậu bé người Gia Rai Kpă KLơng, hay Kơ-pa Kơ-lơng (1948-1975), quê ở xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, đã sớm nuôi chí căm thù giặc. Chứng kiến cảnh cha mình bị quân địch giết hại, 13 tuổi, KLơng xin vào du kích nhưng bị từ chối vì quá nhỏ. Không nản chí, Klơng tự làm lấy nỏ, vót tên rồi ra bìa rừng phục kích và bắn bị thương một tên lính. Thấy tên lính không chết, Klơng liền quay về xin người già trong buôn những mũi tên có thuốc độc và sau đó bắn hạ liên tiếp ba tên địch.
Với chiến công này, Klơng đã thuyết phục được các chỉ huy dân quân địa phương cho anh gia nhập. Xã đội trưởng Kpuih Blang cấp cho Klơng 1 khẩu súng trường Mosin (Việt Nam gọi là K-44) và ba viên đạn với điều kiện: “Phải hạ ba tên giặc”. Klơng liền bí mật bám sát, đợi lính địch xếp thành một hàng thẳng thì sẽ bắn xuyên táo. Phát thứ nhất, phát đạn xuyên 3 lính, 2 người chết tại chỗ. Phát thứ hai cũng "xuyên táo" cùng lúc 3 lính. Klơng rút về làng và nộp lại viên đạn thứ 3. Với năng lực này, Klơng chính thức được vũ trang, trở thành đội trưởng đội du kích huyện.
Rất nhiều đồng đội từng một thời kề vai chiến đấu với Klơng kể lại rằng, ông có lối đánh hết sức độc đáo. Lần nào đi phục kích, ông cũng chờ khi đối phương đi thành hàng (do đường rừng nhỏ hẹp) hoặc xếp hàng chào cờ thì bất ngờ nổ súng tiêu diệt ở cự li gần rồi rút lui trước khi bị bắn trả. Có những trận đánh, chỉ cần 7 viên đạn, Klơng đã được 19 tên. Lối bắn tỉa đặc biệt ấy nhanh chóng được áp dụng rộng rãi trong lực lượng du kích và gây ra nỗi sợ hãi không nhỏ cho quân địch.
“Klơng đã sáng tạo ra những cách đánh giặc không thể nào quên. Cậu ấy không bao giờ chịu đổi 1 viên đạn lấy 1 đầu thù. Trận ở trên rẫy, Klơng bắn 3 viên đạn, hạ 7 tên; trận đánh bọn tuần đường Plei Me, Klơng bắn 7 phát, 19 tên lìa đời... Không chỉ giỏi bắn “xuyên táo”, Klơng còn giỏi sử dụng mìn. Mỗi một quả mìn qua tay cậu ấy dường như là “có mắt” và “biết đánh hơi kẻ thù”. Chả thế mà có những thời điểm ở cầu Ia Pia, ở suối Ia Kle, ở đường Plei Me... đâu đâu cũng gặp xác thù trôi nổi vì “gặp mìn” của Klơng”, ông Siu Blang, ở làng Quen Rai, xã Ia Me, huyện Chư Prông, một đồng đội năm xưa của Klơng chia sẻ.
Còn ông Kpuih Blang, người Xã đội trưởng cấp cho Klơng khẩu súng trường đầu tiên, kể: “Cái lần cả đội đánh mìn trên đường Plei Me, diệt gần hết 1 trung đội dân vệ năm 1965 là tôi nhớ nhất. Khi bọn giặc ồ ạt tiếp viện, Tiểu đội trưởng Thia ra lệnh lui quân, đến trưa cả đội mới về đến làng, kiểm tra hàng ngũ thì thấy thiếu Klơng. Cụ Sơt quát lớn: “Đi tìm thằng Klơng với tau”. Chúng tôi ra con suối đầu làng thì gặp Klơng đang rửa vết thương. Cụ Sơt ôm Klơng vào lòng, còn Klơng thì vẫn cười: “Klơng ở lại đánh cho mọi người rút lui. Bọn giặc đông quá, bắn không được, Klơng nằm im. Thấy chúng tới gần hơn, Klơng mở lựu đạn, để xì 3 giây, tống một quả. Chúng mất đầu 3 thằng, sợ quá, bọn kia chạy hết...”. “Tại sao Klơng không nghe lời” - anh Thia hỏi. Klơng vẫn cười: “Klơng có nghe chứ. Nhưng rút cả rồi ai chặn giặc cho các anh lui. Lúc đó em bị thương rồi. Em ở lại, em chết cũng được vì em còn nhỏ, làm được ít việc. Các anh phải sống, các anh là cán bộ, làm được nhiều việc cho dân mình”.
Với vô số chiến công như thế, ngày 17 tháng 9 năm 1967, Kpă KLơng được tuyên dương và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi đó, ông vừa mới 19 tuổi. Theo nhiều tài liệu lịch sử còn lưu giữ thì tính đến trước khi hy sinh (năm 1975), KLơng đã từng tham gia chiến đấu 32 trận, diệt 124 tên địch, phá huỷ 7 xe quân sự và là một trong những người diệt nhiều địch nhất trên chiến trường Tây Nguyên.
Câu chuyện về chàng trai Gia Rai Kpă KLơng anh hùng ấy đã được truyền đi khắp các bản làng Tây Nguyên, trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn Nguyên Ngọc viết lên truyện ký “Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông”. Đồng thời, ông cũng là niềm tự hào, thôi thúc thanh niên, trai tráng khắp vùng tìm đến cách mạng, tìm đến con đường giải phóng cho toàn dân tộc.