Giồng Riềng: Phát triển đa dạng mô hình nông sản bản địa
Huyện Giồng Riềng, thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm cách trung tâm Rạch Giá 35km, đông dân tộc với 115.805 nhân khẩu. Dân tộc Kinh chiếm 82,04%, dân tộc Khmer chiếm 16,84%, dân tộc Hoa chiếm 1,93%, và các dân tộc khác. Với 18 xã, 1 thị trấn, 128 ấp, khu phố, huyện Giồng Riềng tận dụng nguồn nước ngọt từ sông Hậu phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đa dạng mô hình nông sản.
Nổi bật tại xã Long Thạnh, nhiều hộ dân trồng đu đủ với diện tích lớn, mang lại sản lượng cao và chất lượng. Giống đu đủ địa phương thích ứng tốt, ít sâu bệnh, tạo ra trái đu đủ nổi tiếng với hương vị đặc trưng. Dân địa phương sáng tạo món ăn từ đu đủ, đặc biệt là mắm đu đủ, có mùi thơm đặc trưng và vị giòn ngon.
Nguyên liệu chính của mắm đu đủ là quả đu đủ chưa chín kỹ, nạo sợi, trộn với mắm. Món này hòa quyện vị ngòn ngọt của đu đủ, vị mằn mặn của mắm, vị ngon ngọt của mứt dứa và vị cay nồng của mứt gừng. Sản phẩm này không chỉ phục vụ gia đình mà còn được bán rộng rãi, đặc biệt thích hợp cho người ăn chay và mặn, làm phong phú bữa ăn hàng ngày cũng như trong các bữa tiệc.
Hiện nay, các hộ sản xuất ở địa phương đang nâng cấp nhãn mác, thương hiệu, và đầu tư máy bào sợi, máy ép khô để tăng cường sản lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng.
Nhắc đến chuyện làm kinh tế từ cây trồng ở địa phương, không thể không nhắc đến vườn trầu của hơn 10 hộ dân của khu phố Kim Liên, trị trấn Giồng Riềng. Trồng trầu nên người dân khu phố Kim Liên còn thêm việc xếp trầu, têm trầu, làm mâm quả cưới. Trầu và cau là hai thứ không thể thiếu trong tiệc cưới hỏi, mâm trầu cau phủ vải điều có 4,5 ốp trầu xếp xung quanh, buồng cau tươi ở giữa là biểu tượng của tình yêu lứa đôi son sắt thủy chung. Với những ý nghĩa đó, hình ảnh lá trầu có ý nghĩa quan trong với văn hóa người Việt, trầu cũng nồng đượm, quấn quýt với người dân quê hương Giồng Riềng, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống.
Đặc biệt nghề mới xuất hiện ở huyện Giồng Riềng, đó là trồng bông điên điển theo con nước xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng. Ngày xưa người dân Giồng Riềng muốn ăn bông điên điển phải đợi mùa lũ, giờ đây, bất cứ ngày nào trong năm cũng có thể được thưởng thức món đặc sản này, nhờ việc trồng bông của các hộ dân xã Bàn Thạch.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế mô hình trồng điên điển cây đã phát triển tốt, bắt đầu ra bông và cho thu hoạch. Khi đến mùa hái bông điên điển, mỗi ngày người dân có thể thu hoạch được khoảng 10 kg đối với giống điên điển Thái Lan, và 3 kg giống điên diển địa phương với giá bán 40 nghìn đồng một kg.
Ông Thạch Riêng, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng cho biết: “Khi được thu hoạch ngày nào tôi cũng hái để bán hoa để bán, mỗi ngày bán được khoảng 3 đến 400 nghìn đồng. Đến khi rộ hoa hái không kịp, nó ra quả thì vặt quả bỏ đi để cây lại ra hoa. Cây này cũng dễ mọc, quả cây điên điển rơi xuống đất, mùa sau sẽ mọc cây lên chỗ đó. Khi mùa nước lên, cây sinh trưởng, phát triển cũng không cần tốn công chăm sóc và bón phân. Nếu trồng được 2 công đất thì mỗi ngày hái hoa bán cũng thu về được 600 nghìn đồng”.
Điên điển loại cây hoang dã, hoa màu vàng rực đặc trưng, không những là dẫu hiệu nhận biết mùa lũ mà còn là kỷ niệm của rất nhiều người con lớn lên trên vùng đất phù xa. Bông điên diển rất dễ trồng, không mất công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, bông dài to dày nên rất nặng ký, ăn giòn, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng một năm và được hái bông mỗi ngày. Điên điển là món ăn dân dã, chỉ mất công tuốt nhẹ tách rời bông, rửa sạch, có thể đem luộc, ăn sống, nấu canh chua, đổ bánh xèo… nên được nhiều người ưa chuộng.
Việc hái bông điên điển chủ yếu vào sáng sớm lúc đó bông chỉ mới hé nhụy vẫn còn nguyên độ tươi ngon, thời gian còn lại trong ngày người dân Bàn Thạch có thể làm công việc khác để tăng thu nhập.
Trong những ngày cuối năm, ở Giồng Riềng có một nghề cũng đang ở thời điểm rộn ràng nhất, đó là nghề làm bánh tráng ở xã Thạnh Hưng. Các hộ dân làm nghề tập trung ở 2 ấp Thạnh Hưng và Thạnh Tây với nghề truyền thống đã hơn 80 năm qua, từ tháng 10 âm lịch trở đi cho tới sau tết qua rằng tháng giêng, các xóm nghề ven sông đều rộn ràng làm hàng để bán trong dip tết. bà con chuẩn bị lúa gạo, hương liệu, chất đốt, sào phơi với số lượng gấp 2 đến 3 lần ngày thường. Trước năm mới các hộ nhận được đơn hàng từ các chợ đầu mối, bà con Thạnh Hưng vô cùng phấn khởi, ai cũng hy vọng mùa tết năm nay làm ăn khấm khá.
Từ đất Thạnh Hưng, chiếc bánh tráng mang theo hương vị đặc trưng của đồng quê, lan tỏa xa khắp mọi nơi, tạo nên một liên kết hài hòa với ẩm thực đồng bằng. Sự tồn tại của nghề làm bánh tráng đã khéo léo sử dụng nguồn nguyên liệu lúa gạo tại địa phương, không chỉ góp phần làm tăng giá trị của hạt gạo Giồng Riềng mà còn duy trì và bảo tồn nét văn hóa độc đáo của làng nghề truyền thống.
Qua những nỗ lực chăm sóc và chọn lựa nguyên liệu, bánh tráng Thạnh Hưng không chỉ đơn thuần là sản phẩm ẩm thực, mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa hương vị tinh tế và bền vững văn hóa.
Những hạt gạo được sử dụng chính là nhân tố quan trọng, tạo nên độ giòn mềm đặc trưng, khiến mỗi miếng bánh tráng trở thành một hành trình thưởng thức độc đáo, kể lên câu chuyện lịch sử và văn hóa của nơi này.
Bà Thái Kim Thần, người làm nghề làm bánh tráng tại xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: "Tôi đã bắt đầu công việc này từ khi mới hơn 10 tuổi và đã trải qua hơn 45 năm đồng hành với nghề này. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nghề làm bánh tráng không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là đam mê và tình cảm gắn bó với đất đai nơi này.
Năm nay, tôi quyết định chỉ tráng bánh ngọt thôi, vì bánh ngọt phơi còn bánh mặn thì đã khô trong hơn một tiếng. Còn bánh nướng, tôi phải phơi nguyên cả ngày để đảm bảo chất lượng, và giá bán được xác định là 130 nghìn đồng cho mỗi 100 chiếc. Điều này không chỉ là cách làm kinh doanh mà còn là sự chăm sóc kỹ lưỡng để bảo dưỡng danh tiếng của sản phẩm”.
Ông Nguyễn Như Mạnh, cư dân xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, chia sẻ rằng khoảng 15 năm qua, bà con trong khu vực đã sáng tạo thêm một loại bánh độc đáo, đó là bánh tráng ngọt. Loại bánh này trở thành lựa chọn ưa thích, phù hợp cho những khoảnh khắc thư giãn như đọc sách, đọc báo, hoặc thưởng thức cùng ly trà. Nguyên liệu chính bao gồm đường, nước cốt dừa và sữa. Dòng bánh ngọt này hiếm có, và để có thể thưởng thức, bà con thường cần đặt hàng trước để thợ tráng có thời gian làm chuẩn bị.
Huyện Giồng Riềng là điểm sáng trong phát triển nền nông nghiệp khoa học ở tỉnh Kiên Giang. Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu được thiên nhiên ưu ái đồng thời áp dụng kỹ thuật khoa học hiện đại gắn với chương trình phát triển OCOP mỗi xã một sản phẩm, huyện Giồng Riềng đã phát triển các thế mạnh nông sản, tận dụng các lễ hội lớn, chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh quảng bá và giới thiệu về sự phong phú của tài nguyên bản địa.
Một số mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao như: Quýt đường hữu cơ xã Ngọc Thuận, dâu da, dưa kim cô nương xã Long Thạnh, sầu riêng, măng cụt, cây khóm xã Vĩnh Phú; bưởi da xanh xã Thạnh Lộc… đã được quảng bá trong khuôn khổ lễ hội cấp địa phương, đem hình ảnh quê hương xã Giồng Riềng đến gần hơn với mọi người.
Có thể nói, sự cần cù và sáng tạo trong sản xuất, người dân Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đã sáng tạo ra những sản phẩm gia tăng giá trị từ nguồn nguyên liệu trên quê hương. Sự năng động của người dân không chỉ gia tăng giá trị của tài nguyên, mà còn khai thác tốt nguồn nhân công địa phương, một sự liên kết bền vững sẽ mang lại sự sôi động cho nhiều nghề trên quê hương Giồng Riềng hôm nay và mai sau.