Lớp học nhạc cụ tre nứa cho các em nhỏ Ê Đê
Chủ nhật hàng tuần, tại một buôn trên địa bàn huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, người dân lại được đắm chìm trong thanh âm nhạc cụ dân tộc. Màn biểu diễn đó được thể hiện bởi một nhóm học sinh người đồng bào dân tộc Êđê.
Hơn 3 tháng nay, khuôn viên ngôi trường mẫu giáo tại buôn Ea Kmar (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) là điểm hẹn cuối tuần của hơn 30 em học sinh người Êđê.
Khoảng 8 giờ sáng Chủ nhật, các em tập trung cùng nhau tập đánh ching kram (chiêng tre), đinh pơng,... và chế tác các loại nhạc cụ từ tre nứa.
Lớp học nhạc cụ tre nứa của học sinh Êđê bắt nguồn từ đề tài nghiên cứu "Dạy học gắn liền với bối cảnh văn hóa, xã hội" của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương, giảng viên bộ môn Vật lý, trường Đại học Tây Nguyên.
Lớp học được sự hỗ trợ và đồng hành của nghệ sĩ Nguyễn Trường, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đắk Lắk, người gắn bó và nghiên cứu âm nhạc Tây Nguyên đã hơn 40 năm.
Tại lớp học này, thầy Trường chỉ dạy, hướng dẫn tỉ mỉ để các bạn học sinh Ê đê tập chế tác và trình diễn nhạc cụ tre nứa.
Bên hông ngôi nhà sàn, những bàn tay nhỏ bé cầm thanh tre, nứa gõ vào nhau tạo ra nhịp điệu âm vang của núi rừng. Cô Phương và thầy Trường hướng dẫn các em cách chẻ tre, vót nứa, đục lỗ, khoét thanh sao cho ra được âm thanh.
Em Bô Ra Adrơng (lớp 10) cho biết: "Em tham gia lớp học này, được cô Phương và thầy Trường hướng dẫn rất nhiệt tình. Sau hơn 3 tháng học, hiện em đã biết cách chế tác và trình diễn các nhạc cụ ching kram, đinh pơng và một số nhạc cụ mang màu sắc truyền thống bằng tre nứa. Qua lớp học giúp em hiểu rõ hơn về nhạc cụ, nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Thầy Trường nhận xét, các em rất ham học, chịu khó. Trong người các em đã có sẵn tình yêu với âm nhạc dân tộc nên chỉ cần hướng dẫn thời gian ngắn, các bạn nhanh chóng nắm bắt cơ bản kỹ năng chế tác và trình diễn các nhạc cụ.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Trường, lớp học hơn 30 em được phân thành 5-6 nhóm, lựa chọn những bạn nổi bật tạo thành một nhóm chính. Nhóm chính sẽ có trách nhiệm truyền cho các nhóm còn lại.
Qua lời tâm sự của nghệ sĩ Nguyễn Trường khi tham gia hướng dẫn các bạn trẻ Êđê nơi đây, điều ông mong muốn nhất chính tạo cho các em có sân chơi bổ ích, mang tính bảo tồn văn hoá. Những nét đẹp văn hoá của cha ông đang ngày càng mai một vì môi trường công nghệ. Các em chính là truyền nhân trẻ tiếp nối và giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống vốn có của dân tộc mình.