Đời sống xã hội

Bảo vệ và làm giàu bền vững từ rừng

Tuấn Phong 21/12/2023 - 10:12

Những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, giúp đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tại các tỉnh miền núi, các chương trình giao khoán rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, cộng đồng...

Mỗi tháng một lần, tổ bảo vệ rừng họp với bà con xóm Lạng, xã Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) về công tác bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Thành phần tham dự buổi họp gồm những người có uy tín, trưởng xóm, phụ nữ, thanh niên và tất cả người dân trong xóm. Bà con xóm Lạng hiện được biết đến là một trong 9 xóm thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn đang thực hiện tốt việc bảo vệ rừng. Một số hộ gia đình trong xã còn mạnh dạn đầu tư, sửa sang, nâng cấp nhà ở của gia đình để phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách theo mô hình homestay. Sau một thời gian hoạt động, nhiều homestay đã tạo được uy tín và có lượng khách, doanh thu ổn định 200-300 triệu đồng/năm, như Quỳnh Nga homestay, Lâm homestay... Nhờ dựa vào cộng đồng nên rừng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn luôn được bảo vệ tốt, độ che phủ tăng từ 56% (năm 2002) lên trên 75% (năm 2022); số lượng và chất lượng rừng trồng tăng lên, hệ sinh thái rừng được cân bằng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, tạo việc làm cho người dân, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Ông Hà Tấn Lực, người có uy tín của xóm Lạng, cho biết: “Trước đây, chỉ một số người được giao giữ rừng. Sau này, tất cả các gia đình đều tham gia bảo vệ rừng nên không ai phá rừng nữa. Được hưởng lợi từ rừng nên mọi người dân hăng hái tham gia và rừng được bảo vệ tốt hơn nhiều”. Còn theo ông Bàn Xuân Lâm, chủ của Lâm homestay: “Hằng năm, Nhà nước đều trả phí để người dân tham gia bảo vệ rừng. Nếu bảo vệ được rừng thì du khách đến nhiều hơn, mình có thêm thu nhập, đỡ mệt lại bán được hàng hóa. Bây giờ, không còn ai vào rừng chặt phá, lấy cái gì nữa”.

398-202312210914441.jpg
Đồng bào dân tộc La Hủ ở bản Huổi Han, xã Bum Tở (Mường Tè, Lai Châu) chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: KHẮC KIÊN

Tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, những chính sách giao khoán rừng, thành lập các tổ bảo vệ rừng cộng đồng, khuyến khích người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp du lịch cũng đem lại hiệu quả rõ rệt. Hiện, trên địa bàn huyện có 500ha quế, 400ha cây cao su, gần 5.300ha cây dược liệu các loại như sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, thảo quả... Đây đều là các cây lâm nghiệp, cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao. Nhờ chủ trương, định hướng của huyện và sự nỗ lực của người dân, đến nay, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đã tăng lên gần 28 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 50%. Anh Vàng Hu Ga ở bản Huổi Han, xã Bum Tở (Mường Tè), chia sẻ: “Gia đình mình và nhiều nhà khác được Nhà nước giao khoán trông coi, bảo vệ diện tích rừng lớn nhưng đều không biết làm gì để bớt đói nghèo. Chỉ đến khi cán bộ nông nghiệp về tuyên truyền, vận động trồng quế, sa nhân và hỗ trợ cây, con giống nuôi dưới tán rừng để lấy ngắn nuôi dài, bà con mới biết rừng cho cuộc sống tốt hơn. Nhà mình bắt đầu trồng quế từ năm 2017 và năm nay tỉa cành, tỉa lá mang đi bán cũng được gần 50 triệu đồng”.

Đồng chí Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè thông tin thêm: “Sau nhiều năm thống nhất, thí điểm, hiện nay chúng tôi chọn một số cây, con có hướng đi rõ ràng; trong đó chú trọng trồng quế và bà con đang đẩy mạnh trồng loại cây này, còn doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhà máy chế biến. Xuất phát từ vị trí địa lý, chúng tôi xác định phải giữ gìn bằng được tài nguyên rừng, đồng thời giữ ổn định biên giới và tình hình an ninh chính trị trong nội địa. Có như thế mới kêu gọi, thu hút được các nhà đầu tư và tổ chức, triển khai thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chính sách phát triển kinh tế từ rừng giúp thu nhập của người dân ở nhiều địa phương được nâng lên, đời sống được cải thiện, góp phần thay đổi nhận thức trong công tác bảo vệ rừng. Rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm nhiều qua các năm. Độ che phủ rừng ở nước ta hiện đạt 42% với diện tích rừng đạt tiêu chuẩn khép tán là gần 14 triệu héc-ta. Năm 2022, cả nước có 41,4ha rừng bị cháy, giảm tới hơn 97% so với năm 2021. Tổng số thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Thời gian tới, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp cần tiếp tục đi theo hướng bền vững. Các mô hình kinh tế cho cộng đồng người dân tộc thiểu số sống gần rừng phải phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của bà con. Vấn đề thu và chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cũng sẽ được chú trọng mở rộng thêm, từ đây giúp nâng cao mức chi cho cá nhân, cộng đồng người dân tộc thiểu số trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng”.

Tuấn Phong