Đời sống xã hội

Vững vàng phên giậu

N.Hoàng 21/12/2023 - 06:31

Thấm nhuần quan điểm “dựa vào dân, dân là gốc, là chủ thể”, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”, những năm qua, các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng đã tích cực xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới. Cũng vì thế, phên giậu của Tổ quốc mỗi ngày càng thêm vững chắc.

“3 bám, 4 cùng” để “dân hiểu, dân tin”

Theo thống kê, địa bàn biên giới nước ta quy tụ khoảng chừng 2,3 triệu hộ dân. Đây là nơi sinh sống của 51 dân tộc anh em, phân bố dân cư thưa thớt. Đời sống vật chất và tinh thần của đa số đồng bào các dân tộc còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu.

anh-bai-vung-vang-phen-giau-1.jpg
Hướng dẫn, giúp đồng bào cách cày bừa để trồng lúa nước

Với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn tuyến biên giới trong thời gian qua cơ bản ổn định. Đời sống người dân vùng biên giới đã dần được nâng lên.

Tuy vậy, các thế lực thù địch và phản động vẫn thường xuyên lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, đời sống khó khăn, thiếu hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phá hoại sự nghiệp cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại... diễn ra với tính chất ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn. Bên cạnh đó, tình trạng ngư dân một số tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy hải sản cũng có những diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng đóng chân trên địa bàn biên giới, đặc biệt là lực lượng BĐBP đã tăng cường công tác vận động quần chúng. Để “dân hiểu, dân tin”, những người lính quân hàm xanh luôn “3 bám, 4 cùng”, giúp đỡ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; nhân rộng các phong trào quần chúng rộng khắp trong tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.

Nhằm xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, các đơn vị BĐBP còn tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức có hiệu quả phong trào tập thể, hộ gia đình, cá nhân tham gia tự quản đường biên, mốc giới và bảo đảm an ninh trật tự thôn, bản gắn với việc giao đất, giao rừng, sản xuất, phát triển kinh tế, trực tiếp tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo…

Do vậy, BĐBP đã động viên, khuyến khích được hàng nghìn cá nhân, tập thể, hộ gia đình tham gia cùng với các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Hiện có đến hàng vạn hộ gia đình và Tổ tự quản đường biên, mốc giới, Tổ tự quản an ninh trật tự...

Khơi dậy tinh thần đoàn kết, sức mạnh quần chúng

Để nhân dân đồng hành cùng tham gia giữ vững biên giới, các đơn vị, lực lượng đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mọi mặt cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới; đặc biệt là ý thức cảnh giác đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phá hoại sự nghiệp cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động di cư tự do…

anh-bai-vung-vang-phen-giau-2.jpg
Tăng gia sản xuất

Đặc biệt, lực lượng BĐBP còn tham mưu cho các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” với nhiều mô hình và cách làm sáng tạo như Thanh niên xung kích bảo vệ biên giới; Phụ nữ vì biên giới; Già làng, trưởng bản gương mẫu; tổ tàu, thuyền an toàn; bến, bãi an toàn…

Những mô hình, cách làm hay đó đã dần góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, sức mạnh quần chúng trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn biên giới của Tổ quốc. Có những tỉnh giáp biên, chỉ trong một thời gian ngắn, các Đồn Biên phòng đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho hàng ngàn lượt đồng bào, như ở tỉnh Kon Tum – “vùng đất ngã ba biên”.

Trong những năm vừa qua, cùng với các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum đã tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động động bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Hiệp định, quy chế khu vực biên giới, Luật quản lý bảo vệ rừng, Luật khoáng sản, Luật tín ngưỡng tôn giáoLuật Cư trú, các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là tuyên truyền Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, Ngày biên phòng toàn dân....

Qua công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của quần chúng nhân dân được nâng lên, tích cực lao động sản xuất, giữ vững an ninh trật tự xã tại hội thôn, làng, góp phần cùng bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo về các nội dung chuyên đề về Luật tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo cho nhân dân trên địa bàn các xã biên giới.

Ngoài việc tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, lực lượng biên phòng của tỉnh còn thực hiện có hiệu quả mô hình cán bộ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp tăng cường về các xã giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy; cán bộ Đoàn về giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn xã tại các xã biên giới.

“Đồng bào có giàu, biên giới mới vững”

Với phương châm “Đồng bào có giàu, biên giới mới vững”, trong những năm qua, BĐBP tỉnh Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới nhằm xây dựng hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần xây dựng vùng biên cương vững mạnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp đúng, trúng, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân.

anh-bai-vung-vang-phen-giau-3.jpg
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động

Từ những tham mưu, đề xuất đó, UBND tỉnh Lai Châu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, như: Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng; dự án đường giao thông và tuần tra biên giới; quy hoạch các vùng trồng cây thảo quả và các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh…

Hơn nữa, tại hầu hết các Đồn Biên phòng, anh em cũng tích cực xây dựng các mô hình kinh tế, vừa cải thiện đời sống, vừa để bà con nhân dân học tập, làm theo; nhất là hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh tế.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ còn chủ động tham gia và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn các hộ gia đình ở các bản vùng sâu, vùng xa đưa vào sản xuất những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhất là cây thảo quả, cao su, khai hoang trồng lúa nước; chăn nuôi trâu bò, dê, lợn..., góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, thực hiện xóa đói, giảm nghèo.

Ở Lai Châu, có những Đồn Biên phòng quản lý đến 2-3 xã biên giới, khó khăn và phức tạp về mọi mặt, song vẫn luôn làm tốt công tác giữ gìn an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội; góp phần xây dựng vùng biên cương vững mạnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, như Đồn Biên phòng Hua Bum, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu).

Hiện Đồn quản lý địa bàn ba xã biên giới là: Hua Bum, Nậm Ban và Trung Chải; đây là ba xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu; tỷ lệ hộ nghèo của ba xã cao, chiếm gần 60%. Trong đó, có dân tộc Mảng thuộc diện đặc biệt khó khăn của cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 90%.

Do dân trí thấp, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn…, những năm trước đây, tại các xã này, tình hình tệ nạn xã hội còn nhiều. Đó là chưa kể đến tình trạng nghiện hút, buôn bán ma túy, nhiễm HIV, xuất cảnh trái phép, di cư tự do, tôn giáo phức tạp… luôn là vấn đề nổi cộm, nóng và khó giải quyết.

Song, với sự vào cuộc quyết liệt của Đồn Biên phòng Hua Bum và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm; đấu tranh với các luận điệu sai trái, phòng, chống các biểu hiện kích động, chống phá của các tổ chức phản động… đến nay tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn các xã nêu trên được giữ vững, đời sống người dân ổn định hơn.

Giúp người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nâng cao đời sống, đó là cách làm hiệu quả của BĐBP Kon Tum và Lai Châu nói riêng và của BĐBP cả nước nói chung. Những hành động việc làm thiết thực đó của những chiến sỹ mang quân hàm xanh đã và đang góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày thêm vững mạnh.

N.Hoàng