Những “Robinson” giữ rừng ngập mặn
Lớn lên giữa bạt ngàn của cây đước, mắm, bần..., giữa hàng trăm loài chim trời, cá nước, những người giữ rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) mang một phong cách chân thật, hồn hậu đúng chất “người rừng”. Họ gắn bó cả đời người giữa cánh rừng, yêu màu xanh, dẫu cho cuộc sống còn lắm gian khổ, nhọc nhằn...
1. Chiếc vỏ lãi của anh Nguyễn Văn Hải chở tôi rẽ từng con sóng trập trùng trên khúc sông Dần Xây dưới cái nắng trong vắt của biển trời rừng Sác. Sóng xô bập bùng, nước táp vào thân chiếc vỏ lãi chao đảo, tôi nhìn người giữ rừng Nguyễn Văn Hải đang vững vàng điều khiển tốc độ, bất giác lòng chùng xuống, nỗi sợ tan vào sóng nước.
Khoảng 20 phút di chuyển bằng vỏ lãi, tôi tới trụ sở Phân khu III nằm giữa bạt ngàn rừng đước, quay mặt về sông Lòng Tàu. Hôm nay có cuộc họp thường niên của những người giữ rừng Phân khu III, mọi người tập trung đông đủ từ sáng sớm, cánh chị em mang theo ít thức ăn để cùng nhau nấu bữa cơm chung.
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó trưởng Phân khu III hồ hởi cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi họp một lần, cũng là dịp để anh chị em gặp mặt, chia sẻ cùng nhau những câu chuyện cuộc sống, chuyện giữ rừng”. Ông Nguyễn Văn Sỹ (sinh năm 1970) trước khi về rừng Cần Giờ đã có thời gian dài làm việc ở rừng Mã Đà (Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Năm 1994, duyên phận đưa đẩy, ông về đầu quân cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ và gắn bó với những cánh rừng cho tới ngày nay, thấm thoắt đã 30 năm.
Ông Sỹ bảo rằng, tuổi trẻ cứ ngỡ mình “mắc nợ” thiên nhiên, nhưng sau này ông nhận ra, đó là tình yêu với rừng, có một nỗi nhớ không thể nào giải thích được. Sống ở rừng chịu cảnh thiếu thốn đủ thứ, từ giọt nước ngọt cho đến sóng điện thoại, lúc chập cheng, khi lại tắt ngủm nhưng ông không cảm thấy phiền toái hay buồn lòng.
“So với ngày trước thì bây giờ hiện đại hơn nhiều. Ngày xưa phải thắp đèn dầu leo lắt, đi hứng từng giọt nước mưa vào cái can bé xíu, ra sông phải chèo xuồng gỗ bằng tay. Còn bây giờ, chúng tôi có điện mặt trời, có thùng lớn để chứa nước mưa, có vỏ lãi chạy bằng dầu máy và có tí sóng wifi để liên lạc với gia đình, thế là khấm khá lắm rồi, vui lắm rồi”, ông Sỹ bộc bạch.
Sau bữa cơm ấm cúng với anh em giữ rừng, anh Hải chở tôi đi thăm một vòng rừng Sác. Câu chuyện của tôi với anh Hải lúc to lúc nhỏ theo con sóng ì oạp táp vào thân vỏ lãi. Anh Nguyễn Văn Hải (45 tuổi) sinh ra và lớn lên bên dòng kinh Lòng Tàu thuộc xã Tân Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. Cha mẹ anh là những người nông dân chính hiệu, cả đời bám rừng, bám sông nơi cánh rừng ngập mặn Cần Giờ. Sau giải phóng, cha mẹ và những người anh em của anh tham gia trồng rừng, phủ xanh những mảng màu xám ngoét do chiến tranh để lại.
Từ năm 12 tuổi, Hải làm quen với rừng cây, con nước ròng và muông thú trong rừng ngập mặn. Thuở ấy, gian khó không sao kể xiết, người trồng rừng phải đi gùi cây giống tận bãi neo tàu cách xa mấy cây số.
“Người lớn và trẻ con đều giống nhau, cứ đôi chân trần mà lội bùn, rễ cọc đâm cho toác máu chân, về đắp sơ qua ít lá rừng, vết thương còn rỉ máu nhưng hôm sau lại lội bùn tiếp. Dân làng nô nức đi trồng cây, khó khăn chẳng ai chùn bước, để rồi khi ngoảnh đầu nhìn lại, mầm cây đang đâm chồi nảy lộc phía sau lưng mình”, anh Hải nhớ lại.
Rừng ngập mặn hồi sinh, cha mẹ anh Hải là một trong 10 hộ đầu tiên nhận khoán giữ rừng vào năm 1990. Bỏ lại căn nhà nhỏ bên ngoài cánh rừng, cả nhà anh xách xô chậu, chén bát vào rừng dựng chòi canh giữ 170 ha rừng ngập mặn tại Tiểu khu 6, Phân khu III. Ngày đó, đi “làm bạn” với muông thú, sống đời “Robinson” thường bị coi là “lập dị”. “Chiến tranh qua đi, người ta đang muốn “chui” ra thế giới văn minh đô hội để hưởng cuộc đời sung sướng trong hòa bình, còn chúng tôi lại đi ngược với xu thế. Nhưng, vì lá phổi xanh của thành phố, vì tình yêu cánh rừng quê mình, gia đình tôi chẳng ai băn khoăn nghĩ ngợi điều gì cả”, anh Hải chia sẻ.
Lớn lên từng ngày giữa bạt ngàn của cây đước, mắm, bần..., của hàng trăm loài chim trời, cá nước, anh em nhà Nguyễn Văn Hải chất phác, hồn hậu đúng chất “người rừng”. Rồi Hải lấy vợ, không biết duyên trời đưa đẩy làm sao mà người con gái ấy bỏ phố về rừng với chồng, đêm ngày chạy vỏ lãi đi kiểm tra rừng, làm tất cả những việc nặng nhọc của một người giữ rừng chuyên nghiệp. Ấy vậy nhưng vợ anh Hải chưa một lần than thân trách phận. Có thể, nỗi buồn chị giấu bên trong nhưng với chồng thì anh Hải quả quyết chưa bao giờ chị ấy đòi trở về đất liền. Chị sinh cho anh 3 người con, cứ lớn một chút là đưa chúng ra ngoài xã Tân Thôn Hiệp ở cùng ông bà nội để dễ bề theo đuổi ước mơ con chữ.
Anh Hải suy nghĩ, đời mình đã ít chữ nghĩa thì đời con mình phải có nhiều chữ một chút, cứ học cho nên người rồi đứa nào yêu rừng thì quay trở lại. Năm 2015, cha mẹ anh Hải hết tuổi lao động, phần diện tích rừng giao lại cho hai anh em Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Văn Tùng đứng tên. Thù lao giữ rừng mỗi tháng của vợ chồng anh Hải chưa tới 10 triệu đồng. Đó thật sự là con số khiêm tốn khi phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Để đắp đổi qua ngày, vợ chồng anh đi bắt ốc, soi ba khía, vừa có thêm thu nhập, vừa cải thiện được bữa ăn. Dẫu là nhọc nhằn, thiếu thốn thì anh Hải vẫn cười vô tư lự.
Anh tâm sự: “Mình đã quen thuộc với nơi này, hễ ra ngoài vài ngày là nhớ rừng, phải trở về. Sống ở đây bình yên, không bon chen xô đẩy, cũng chẳng ganh đua với người. Mỗi ngày được ngắm rừng xanh, được thỏa sức với con nước triều lên, được ăn những món từ rừng mà đời người liệu mấy ai có được”.
2. Trong hồi ức của ông Trần Minh Tùng (sinh năm 1970) chiến tranh đã mang đi hết những gì tươi tốt nhất của vùng đất Cần Giờ. Hơn 2 vạn ha rừng bị hàng nghìn lít chất độc và hàng vạn tấn bom hủy diệt. Giá trị sinh thái bị chiến tranh tàn phá, rừng Sác kiệt quệ, những mái nhà xơ xác, những phận người sống ảm đạm trên một nền chiến khu hoang tàn. Sau gần 50 năm, những cánh rừng đã hồi sinh một cách kỳ diệu, trong đó có một phần đóng góp công sức của gia đình ông. Cha mẹ ông Tùng tham gia trồng rừng từ năm 1979. Đến năm 1990 thì xung phong nhận khoán giữ 155 ha rừng ngập mặn tại Tiểu khu 6, Phân khu III. Ngày ấy, dân nghèo đói thường kéo vào rừng chặt cây về bán kiếm sống. Những hộ giữ rừng như ông Tùng phải canh giữ ngày đêm. Mỗi hộ chỉ sắm được chiếc xuồng nhỏ, chèo bằng tay. Khi con nước lớn chảy xiết, việc chèo chống tốn rất nhiều sức lực. Con xuồng có khi không chịu được sức nước lật úp, phải vùng vẫy mà đưa xuồng vào bờ.
“Hồi đó cá sấu nhiều, nhất là bên sông Vàm Sát. Mỗi lần đi tuần tra, chúng tôi phải đi thành tổ, khoảng 70 người sát cánh cùng nhau. Nếu gặp cá sấu thì cùng nhau xua đuổi hoặc tránh né đi. Nhưng, đi đông chủ yếu để đối phó với lâm tặc là chính, vì họ rất manh động”, ông Tùng kể.
Lâm tặc lúc bấy giờ đã trang bị xuồng có động cơ, còn người giữ rừng chỉ có xuồng chèo tay, đuổi không kịp, điện thoại cũng chẳng có mà liên lạc nên rất khó khăn. Sau này, thay vì làm “rát” với nhau, tổ ông Tùng chuyển sang tuyên truyền vận động và mang lại hiệu quả bất ngờ.
“Gọi là lâm tặc nhưng cùng là bà con nghèo với nhau, vì đói kém nên mới phải làm như vậy, thực tế không ai muốn cả. Tôi tuyết phục những người anh em ấy, dân mình còng lưng trồng rừng, lấy màu xanh cho thành phố, cho con em chúng ta sau này có bầu không khí trong lành để sống. Cớ sao người trồng, người giữ, mà người lại đi phá. Vậy mà bà con nghe lời, từ đó giảm chặt phá rõ rệt và cho đến hôm nay thì gần như không còn lâm tặc ở khu rừng ngập mặn nữa”, ông Tùng cười, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt.
Tuổi thơ theo cha mẹ giữ rừng, lớn lên lập gia đình cũng giữ rừng, đời ông Tùng có lẽ sẽ gắn bó ở cánh rừng này cho đến cuối cùng. Ông hài lòng với cuộc sống hiện tại, chỉ tiếc nuối một điều là không có cơ hội đi học, để có thể biết được nhiều kiến thức bên ngoài. May thay, có một khoảng thời gian, thanh niên xung phong về mở lớp dạy bổ túc cho bà con. Ông Tùng ngày giữ rừng, đêm chong đèn chèo xuồng đi học chữ. Ông chăm chỉ, chịu khó nên cũng biết đọc biết viết, như thế là trọn vẹn với cuộc đời của ông rồi. Từ ngày có điện năng lượng mặt trời, ông Tùng sắm chiếc điện thoại thông minh, sắm thêm cục wifi treo trên ngọn cây giáp bờ sông Lòng Tàu để đón sóng. Khi nào sóng mạnh, ông mở điện thoại ra đọc báo, cập nhật tin tức bên ngoài, xem vài chương trình giải trí. Nhưng, điều quan trọng nhất là nhờ chiếc điện thoại mà anh em giữ rừng có thể kết nối với nhau một cách nhanh nhất, chứ không như xưa, muốn gặp nhau hoặc nói với nhau câu gì là phải chạy vỏ lãi mấy cây số tới chốt.
Vợ chồng ông Tùng có 3 người con, 2 người đã lập ra đình và lên bờ. Còn cậu út năm nay 21 tuổi đang sống cùng ông giữ rừng và thấm nhuần tình yêu rừng của cha nên ông Tùng đang có hướng truyền nghề lại cho con.
3. Trong vùng lõi và vùng đệm của rừng Cần Giờ với diện tích hơn 40.000 ha hiện nay, có tổng cộng 168 hộ dân nhận giao khoán việc bảo vệ rừng. Nhiều hộ dân sống sâu trong rừng vài chục năm nay với nhiều thế hệ như gia đình anh Nguyễn Văn Hải, hộ ông Trần Minh Tùng. Cuộc sống của những người giữ rừng phòng hộ cách đây nhiều năm khó khăn trăm bề. Nhưng, giờ đây, mọi thứ đã thay đổi nhiều. Những mái nhà lá tạm bợ được thay thế bằng nhà xây sạch sẽ, rộng rãi và an toàn hơn. Chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi chốt một bồn chứa để trữ nước mưa dùng trong mùa nắng hạn. Để bảo tồn được đa dạng sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, vai trò của những người giữ rừng rất quan trọng. Họ cần được đảm bảo các quyền lợi về môi trường cũng như được nâng cao nhận thức về pháp luật. Từ đó, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng.
"Thay đổi lớn nhất là người dân sinh sống dưới tán rừng như chúng tôi đã hiểu luật, ví dụ như chúng tôi tuần tra bảo vệ rừng, nghị định số bao nhiêu tôi không nhớ nhưng tôi nhớ chặt cây trong rừng là phạt 100 nghìn”, ông Tùng vui vẻ cho biết.
Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Trưởng Phòng Quản lý phát triển tài nguyên, Ban Quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ, chia sẻ: “Ban quản lý luôn đồng hành trong bảo vệ quyền lợi, tạo sinh kế cho người dân, đóng bảo hiểm xã hội cho các cá nhân để họ yên tâm giữ rừng và giúp họ sau khi về già có nguồn sống khi không còn khả năng lao động”.
Cùng trăn trở với những người giữ rừng, ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết: “Chúng tôi chủ động đề xuất các chính sách chăm lo, tạo điều kiện nâng cao đời sống của các hộ gia đình giữ rừng để các hộ yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh việc khám, chữa bệnh miễn phí cho các hộ giữ rừng, còn cung cấp bồn chứa nước ngọt, phối hợp với các trường đào tạo tập huấn kỹ năng cho lao động giữ rừng... Ngoài các chính sách đặc thù của thành phố, người dân giữ rừng còn được đánh bắt, tận thu các sản phẩm khác từ rừng theo quy định của pháp luật để cải thiện đời sống”.