Văn hóa

Người Chăm bên dòng sông Hậu

Huyền Thương 17/12/2023 19:03

Cùng với Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang là địa phương tập trung đông đảo đồng bào Chăm sinh sống. Chính vì thế mà rất nhiều phong tục, tập quán và sinh hoạt văn hóa của dân tộc này được bảo tồn cho đến ngày nay, bất chấp những biến động về thời gian, lịch sử.

“Cởi trói” cho phụ nữ

Người Chăm An Giang có nguồn gốc, xuất xứ từ Nam Trung bộ, thuộc vương quốc Chăm Pa cổ. Dọc theo sông Hậu từ Châu Đốc trải dài đến giáp biên giới Campuchia có cả thảy 7 làng Chăm là Châu Giang, Đa Phước, Châu Phong, Lama, Vĩnh Tường, Búng Lớn, Búng Bình Thiên, Đồng Cô Kỵ. Hiện nay, có khoảng hơn 3.000 hộ với trên 14 ngàn người Chăm Islam sinh sống, cư trú tại đây.

nguoi-cham-ben-bo-song-hau-1.jpg
Phụ nữ Chăm rất giỏi thêu thùa, dệt vải

Đồng bào Chăm sống chủ yếu bằng nghề mua bán, trồng trọt và chăn nuôi dê, bò, chài lưới, dệt vải, thêu đan… Kiểu nhà của họ thường có 2 loại, đó là “nhà sàn tốp” và “nhà sàn hấp”. “Nhà sàn tốp” là nhà có 4 kèo tiếp giáp với cột giữa ở trước, còn “nhà sàn hấp” là loại nhà có hai kèo tiếp giáp với cột giữa và hai kèo kia gác phân nửa qua cột giữa, phân nửa qua kèo.

Mái nhà của người Chăm lợp ngói hoặc lá, có bốn gian và một nhà bếp riêng. Hai gian ngoài dùng để tiếp khách nam, hai gian trong dùng để ngủ và tiếp khách nữ. Giữa hai gian có một vách ngăn, có cửa ra vào và che rèm thêu kết tủa rất đẹp. Đằng trước nhà có hàng ba, có cầu thang, khi lên nhà giày dép của chủ nhà và khách đều để phía dưới cầu thang. Khi khách đến nhà, chủ nhà trải chiếu mời khách ngồi nói chuyện, ăn bánh và uống nước trà.

Người Chăm rất ít dùng bàn ghế trong nhà. Ngày xưa, phụ nữ thường bị cấm cung, không cho tiếp xúc người ngoài. Công việc chủ yếu của họ là nấu nướng và thêu thùa, dệt vải. Thế nhưng ngày nay tập quán đó đã thay đổi, phụ nữ Chăm dần được “cởi trói”. Họ được đi học, đi làm, được giao tiếp với xã hội bên ngoài bình thường như những người phụ nữ của các dân tộc khác.

Theo truyền thống, người Chăm sinh sống tập trung trong các Puk và Paley (tương tự như các xóm, làng của người Việt). An Giang có 9 Paley Chăm là: ParekSabâu (Khánh Bình), Koh Koi (Nhơn Hội), Koh Kakia (Quốc Thái), Pulao Ba (Lama) (Vĩnh Trường), Phũm Soài (Châu Phong), Koh Kapoah (Đa Phước), Mot Churt (Châu Phong), Katampong (Khánh Hoà), Vĩnh Hanh (Châu Thành), Mỹ Long (TP.Long Xuyên).

Trong mỗi Paley có thể có nhiều Puk. Các Puk, Paley có các ông Ahly, Hakêm… đại diện cộng đồng để quản lý trong ngoài xóm làng Chăm. Các ông Ahly và Hakêm được dân làng bầu, phải là người cao tuổi, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, giáo lý Islam, vì mọi người, có lòng vị tha. Đồng thời họ cũng phải là người lao động giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất, gia đình hạnh phúc, con cháu hoà thuận.

Đạo Islam giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống đồng bào Chăm ở An Giang. Hầu như mọi qui định trong cuộc sống cộng đồng đều bị chi phối bởi giáo lý Islam. Tỉnh An Giang có 12 Masjid (thánh đường), 16 surao (tiểu thánh đường). Các thánh đường và tiểu thánh đường là trung tâm tôn giáo và cũng là trung tâm sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Chăm ở An Giang. Đồng thời thánh đường còn được xem là trung tâm của một “Jamaah”- một đơn vị quản lý tín đồ.

Do đó đã có sự hợp nhất giữa tổ chức tự quản với tổ chức tôn giáo, hình thành các nhóm tự quản Puk và Paley kiêm quản lý surao và Masjid, vừa quản việc hành đạo trong “Jamaah” vừa quản lý các vấn đề trong các Puk và Paley.

Tổ chức tự quản Puk, Paley do dân làng bầu chọn, có nhiệm vụ trông coi về phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, phân xử những thành viên trong cộng đồng vi phạm Luật tục… Thành viên của “tổ chức tự quản” là những người có uy tín trong tôn giáo, trong các tộc họ, là người am hiểu tập quán, phong tục lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm.

Độc đáo phong tục hôn nhân, cưới hỏi

Tuy sống cộng cư với các dân tộc khác, nhưng người Chăm ở An Giang vẫn giữ được nét truyền thống trong tổ chức đời sống cộng đồng, văn hoá lễ hội mang đậm những nét văn hóa đặc trưng của tín đồ theo đạo Islam, nhất là trong chuyện hôn nhân, cưới hỏi.

Theo phong tục dòng Islam, chuyện cưới hỏi của trai gái người Chăm là do cha mẹ quyết định. Khi người con trai muốn lập gia đình, cha mẹ anh ta sẽ tìm hiểu, và nhờ ông cả của làng ngỏ lời với bên gái. Qua mai mối. Nếu được chấp nhận, nhà trai sẽ tiến hành lễ dứt lời (lễ hỏi).

Đúng ngày hẹn, bên trai mang lễ vật đến nhà gái gồm một mâm trái cây và các vật dụng cho cô dâu như áo dài cưới, xà rông, khăn đội đầu... Vài ngày sau, nhà gái "trả lễ" nhà trai một mâm bánh và nhà trai trao một phong bì tiền cho nhà gái.

nguoi-cham-ben-bo-song-hau-2.jpg
Cô dâu chú rể người Chăm

Trong ngày cưới, cô dâu thường mặc áo dài truyền thống màu sáng đẹp, rực rỡ, trùm khăn ren. Cô dâu được trang điểm rất đẹp cùng với các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, hoa tai, xuyến...

Trang phục của chú rể là chiếc áo dài truyền thống màu trắng, đầu vấn khăn sà-pạnh. Lễ cưới của người Chăm An Giang thường diễn ra trong 3 ngày và 1 đêm với các nghi thức như: Lễ Akad Nikad (lễ hôn phối), lễ Takhôk Khage (lễ lên ghế), đêm Malâm Anưk Thàgà (đêm con gái), lễ Penan Tin (lễ đưa rể).

Ngày đầu tiên là ngày họp họ, ngày thứ 2 là ngày “lên ghế”, ngày thứ 3 diễn ra lễ Pengan Tin (lễ đưa rể). Một vị chức sắc hoặc một người có uy tín trong làng cầm một chiếc khăn tay dẫn chú rể về nhà vợ, theo sau là đoàn nhà trai đưa rể cầm lọng, ô, vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống, ca hát những bài hát Chăm và thánh ca dài theo đường làng, ấp xóm.

Khi đã có mặt đông đủ đại diện hai bên gia đình và thầy cả, nghi thức kà pụn (bắt tay giao con) sẽ được tiến hành nghiêm túc– đây là nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới của người Chăm dòng Islam. Cha đẻ cô dâu hoặc người thay thế sẽ cầm tay chú rể nói “Ta gả con gái ta tên cho con với số tiền sính lễ là...” và chú rể sẽ đáp lại “Tôi đồng ý cưới với số tiền sính lễ là...”.

Sau đó thầy cả sẽ kiểm soát sính lễ của nhà trai mang qua. Mọi việc ổn thỏa, những người có mặt cùng với thầy cả sẽ đọc kinh cầu nguyện chúc phúc cho cô dâu, chú rể sống trăm năm hạnh phúc. Sau thủ tục này, đôi nam nữ trở thành vợ chồng chính thức.

Nhiều phong tục khác biệt

Ngoài hôn nhân, cưới hỏi, phong tục về tang ma của người Chăm ở An Giang cũng có rất nhiều điểm khác biệt so với các dân tộc khác. Khi trong nhà có người hấp hối, gia đình sẽ báo cho những người thân đến để đọc kinh Cô ran. Mục đích của việc này là cầu mong cho người sắp từ trần có thể ra đi nhẹ nhàng, thanh thản.

Khi người thân tắt thở, gia đình làm lễ “pagalao”, tức là sự công nhận người ấy đã “chết thật” và dùng tay vuốt nhẹ từ trán xuống trên khuôn mặt người đã khuất. Người chết, theo tục lệ, phải được chôn ngay trong ngày (trong vòng 24 giờ).

Người Chăm không sử dụng quan tài, khâm liệm, nhạc lễ, hương đăng, bái lạy cho người quá cố. Trước khi đem an táng, người chết được tắm rửa cẩn thận theo nghi thức. Sau đó được bó trong một tấm vải màu trắng (ka-panh) có kích thước phù hợp với thi thể, không được dùng kéo cắt, chỉ may và cũng không được dùng vải tốt. Một tấm ka-panh sẽ được xé ra quấn vào người chết và phủ hờ khuôn mặt.

nguoi-cham-ben-bo-song-hau-3.jpg
Cầu nguyện cho người đã khuất ở thánh đường

Sau khi được bó vào trong vải, người chết được đặt trên một cái kiệu nằm gọi là “ham-đu” và đem đến thánh đường làm lễ “sambahyang mayit” (cầu hồn, cầu nguyện), tiếp đến mới đem ra nghĩa trang.

Trong đám tang của người Chăm không sử dụng kèn trống và không được khóc lóc. Khi người chết được đặt xuống huyệt, thi thể phải tiếp xúc với đất, cấm che lót phía dưới (đất trở về với đất). Không chôn theo đồ đạc, quần áo, tài sản.

Mộ người chết đơn sơ, không có núm (bằng phẳng), chỉ có hai phiến đá (khắc tên tuổi, nguyên quán năm sinh, năm mất...) ở đầu và chân. Sau khi an táng, người nhà thường xuyên tới thăm, đọc kinh Cô ran cầu nguyện cho linh hồn người quá cố được sớm lên thiên đàng theo đấng Allah.

Ngoài những phong tục, tập quán nói trên, người Chăm còn có rất nhiều lễ hội truyền thống mang biểu hiện tôn giáo, tín ngưỡng, như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm Búng Bình Thiên ở huyện An Phú (Quốc khánh 2-9); Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang được tổ chức hai năm một lần tại các huyện có dân tộc Chăm sinh sống...

Trong các lễ hội của người Chăm ở An Giang thường có các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đua ghe... Trong liên hoan văn nghệ có các thể loại ca, múa, nhạc cụ thể hiện bản sắc dân tộc. Ngoài ra, còn có các tiết mục trình diễn trang phục, phục dựng lễ cưới truyền thống nhằm giới thiệu sinh động, rõ nét đặc trưng văn hóa Chăm.

Người Chăm ở An Giang là một bộ phận trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo tồn và phát triển văn hoá của đồng bào, từ đó tạo động lực cho cộng đồng Chăm tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, chấp hành tốt luật pháp; bảo đảm an ninh chính trị, tạo mối quan hệ thân thiện và hợp tác với cộng đồng dân cư trên địa bàn, tình đoàn kết các dân tộc được củng cố.

Đồng thời, các chính sách bảo tàng, bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể, như các lễ hội, phong tục, tập quán Chăm và sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mang yếu tố tâm linh đặc thù được triển khai thực hiện. Nhờ đó đời sống tinh thần của đồng bào Chăm nói riêng, đồng bào các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang – vùng đất nằm ven bờ sông Hậu - nói chung ngày càng được nâng lên, khối đại đoàn kết dân tộc cũng ngày càng bền chắc.

Huyền Thương