Chuyện về một tộc người trên cực Bắc
Bố Y là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam với số dân chỉ vào khoảng trên 3.000 người. Dẫu vậy, dân tộc này vẫn giữ được rất nhiều phong tục, tập quán riêng biệt, nhất là trong trang phục và cưới hỏi.
Làm nương rẫy, ở trình tường
Theo sử liệu thì người Bố Y có nguồn gốc từ các tỉnh Quý Châu và Vân Nam của Trung Quốc. Họ di cư đến Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 19. Ước tình hiện dân tộc này có hơn 3.000 người và có tới xấp xỉ 1/3 trong số đó sinh sống tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đây cũng được xem là “Vùng đất Tổ” của người Bố Y tại Việt Nam. Số người Bố Y còn lại sống rải rác tại các xã thuộc hai huyện Mường Khương và Si Ma Cai thuộc tỉnh Lào Cai.
Người Bố Y thường sống thành từng làng, mỗi làng có từ 10 đến 15 nóc nhà, xen kẽ với các dân tộc khác. Họ chủ yếu ở nhà trình tường bằng đất, lợp ngói. Và phần lớn các ngôi nhà đều có cấu trúc giống nhau, đó là có hai mái vuông, phía trước là một hàng hiên. Bộ khung nhà gồm hai kèo đơn và năm hàng cột, trong đó có đôi cột trốn là đôi cột giữa được dựng bằng những vật liệu vững chắc như gỗ hoặc tre, mái lợp cỏ gianh hoặc lợp ngói. Nhà có một cửa chính đi vào gian giữa, một cửa phụ nơi đầu hồi để qua bếp đun và hai cửa sổ trông ra hàng hiên.
Ông Ngũ Khởi Phượng, một nghệ nhân dân gian và cũng là chuyên gia nghiên cứu về văn hóa của dân tộc Bố Y, cho biết: “Nguyên tắc khi làm nhà của người Bố Y là chiều rộng nền nhà phải số lẻ, chiều dài cũng số lẻ, bất kể cột, tức là nóc có cao bao nhiêu. Nhà thường có hai tầng. Tầng đất và tầng gác. Tầng đất thì người ở, còn tầng gác là để chứa đồ và lương thực…”.
Là một dân tộc cần cù, chịu khó, có kỹ thuật canh tác khá cao do đó làng xóm người Bố Y thường rất trù phú. Nhà của họ phía trước là ruộng, nương, vườn tược, phía sau là rừng cây tươi tốt quanh năm. Phần lớn các gia đình đều có nuôi 1-2 con trâu, bò làm sức kéo. Nhiều gia đình gần nguồn nước còn biết đào ao thả cá để cải thiện đời sống và tăng thu nhập.
Bên cạnh đời sống vật chất tương đối ổn định, người Bố Y còn có những nét văn hóa truyền thống hết sức tốt đẹp. Người Bố Y theo chế độ phụ quyền, tiếng nói của người đàn ông hết sức có trọng lượng. Trong một ngôi nhà của người Bố Y có thể lên tới 3 - 4 thế hệ cùng sinh sống. Tuy đông đúc là vậy nhưng họ bao giờ cũng cùng nhau dùng bữa.
Người Bố Y đề cao tính chung thủy, tôn trọng hôn nhân một vợ một chồng. Đặc biệt, phong tục cưới xin của họ cũng có nhiều nét riêng biệt. Nếu như trước đây, người Bố Y có tập tục là chỉ được lấy người dân tộc. Nhưng theo thời gian, tập tục này dần được bãi bỏ, nam nữ có thể tự do chọn vợ, chọn chồng ở các dân tộc khác.
Theo ông Phượng thì lễ cưới của người Bố Y thường tiến hành theo ba bước. Đầu tiên là dạm hỏi, hay là đi “phát đường”. Nhà trai chọn hai người phụ nữ được coi là “tốt số” đảm đang, có con cháu đầy đủ, đi phát đường, mở đường đến nhà gái, xem họ có đồng ý gả con gái hay không.
Nếu nhà gái đồng ý thì nhà trai cử hai người đàn ông làm mai mối đến dạm hỏi và nhận thách cưới của nhà gái. Sau đó nhà trai sẽ chuẩn bị rồi mang đồ sính lễ đến nhà gái và chính thức đặt vấn đề về chuyện cưới hỏi. Khi đó, nhà gái sẽ cung cấp cho nhà trai ngày tháng năm sinh của cô gái, để nhà trai nhờ “thầy” xem có hợp hay không. Nếu “thầy” xem thấy hợp thì chuyện cưới xin sẽ được hai bên gia đình thống nhất và tiến hành.
Ngày tổ chức lễ cưới, chú rể sẽ không có mặt trong đoàn đón dâu. Thay vào đó là một thiếu nữ của nhà trai có trách nhiệm dắt theo một con ngựa thật đẹp để rước cô dâu về nhà chồng.
Khi về nhà chồng, cô dâu thường mang theo một chiếc kéo để thể hiện sự đảm đang, vén khéo và tài may vá, thêu thùa của mình. Ngoài chiếc kéo, cô còn mang một con gà mái nhỏ. Trên đường về nhà chồng, cô sẽ thả cho con gà chạy vào rừng.
“Ngày cưới, ngoài lễ vật, họ nhà trai phải mang đến nhà gái một con lợn để nhà gái làm thịt tiếp khách. Nhà gái thường sẽ đặt một chiếc ghế ngăn cửa và bốn bát rượu… Lúc đó nhà gái sẽ yêu cầu ông bà mai mối hát đối đáp. Trong nhà hát hỏi điều gì thì đoàn nhà trai phải hát trả lời được, người nào không hát được phải uống hết bốn bát rượu mới cho vào nhà”, ông Phượng chia sẻ.
Cầu kỳ trang phục
Khi nói đến bản sắc riêng của dân tộc Bố Y, người ta không thể không nhắc đến trang phục. Bởi đối với mỗi dân tộc, trang phục vừa là biểu tượng, vừa thể hiện sự khéo léo, tài hoa và sức sáng tạo của dân tộc mình. Và nó được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Trong khi trang phục của đàn ông Bố Y tương đối đơn giản với áo cổ viền, tứ thân, cúc cài, quần ống rộng thì trang phục của phụ nữ Bố Y lại hết sức cầu kỳ và nhiều màu sắc gồm áo, váy, khăn đội đầu và giày tự thêu.
Chiếc áo của người phụ nữ Bố Y gồm có 2 loại, áo trong và áo ngoài. Áo trong là kiểu áo tứ thân, có 2 túi ở hai bên để phụ nữ đựng đồ quan trọng, còn áo ngoài có phần cổ và tay được thêu thêm nhiều họa tiết. Đặc biệt, ở tay áo có những họa tiết đặc sắc như hoa, hình đôi bướm đối xứng…
Ngoài ra, trong bộ trang phục của phụ nữ Bố Y còn có một chiếc tạp dề được làm tỉ mỉ, ở giữa có thêu hình hoa mẫu đơn với sắc hồng nổi bật, xung quanh trang trí thêm nhiều họa tiết. Còn váy là váy xếp nếp xòe, có hoa trắng, đen.
Trong bộ trang phục của phụ nữ Bố Y, có lẽ độc đáo nhất là chiếc khăn đội đầu. Nó được thêu rất nhiều họa tiết cầu kỳ với nhiều màu sắc sặc sỡ. Mỗi lần đội người phụ nữ phải vấn tóc lên gọn gàng rồi mới quấn khăn, như thế mới được xem là “đúng kiểu”. Sau khi quấn khăn, gương mặt họ được lộ rõ, thanh thoát hơn.
Phụ nữ Bố Y khi đi hoặc ngồi nói chuyện thường đưa hai tay giấu trong vạt áo, thể hiện sự nữ tính, đoan trang. Ngoài ra, để tô thêm sắc đẹp trên trang phục của mình, người phụ nữ Bố Y ưa dùng những trang sức bằng bạc như khuyên tai, vòng tay, vòng cổ, nhẫn... Nhưng chủ yếu họ chỉ đeo vào những dịp lễ hội, vui Xuân, lễ cưới hay chợ phiên...
“Để thể hiện sự tự hào, chân quý những bộ trang phục, bản sắc dân tộc của mình; người Bố Y chỉ mặc trang phục dân tộc của mình trong những dịp quan trọng và hạn chế mặc đi lên nương”, chị Tẩn Thị Phương, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến chia sẻ.
Chính vì cầu kỳ như thế nên để hoàn thành một bộ trang phục cho mình, người phụ nữ Bố Y phải mất rất nhiều thời gian và phải có một bàn khéo léo. Nghệ nhân dân gian Lộc Thị Liên, người giữ gìn nghề làm trang phục truyền thống và phục vụ du lịch tại xã Quyết Tiến cho biết: “Để hoàn thiện một bộ áo váy hoàn chỉnh với nhiều họa tiết thêu tay thì mất ít nhất cũng phải từ 1 đến 2 tuần. Và nó cũng rất đắt. Nếu cộng thêm cúc bạc, vòng bạc thì tính trung bình mỗi bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ Bố Y lên đến 5 - 6 triệu đồng”.
Nan giải bài toán bảo tồn
Ngoài tục cưới hỏi và trang phục mang tính riêng biệt ra thì người Bố Y ở Quản Bạ cũng có nhiều sinh hoạt văn hóa giống với một số dân tộc anh em khác trong vùng. Ví dụ như hàng năm họ đều có các lễ tết như: Tết Nguyên đán (Đân chinh), rằm tháng giêng (Síp hả), Tết đoan ngọ (Toản vù), Tết cơm mới... Trong những dịp này, đồng bào thường làm xôi nếp nhuộm đỏ, làm bánh dày, bánh chưng, bánh chay... để cúng tổ tiên, trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Hiện nay, cùng với xu thế chung đó là hội nhập cho dù đó là vùng miền, khu vực hay quốc tế, các dân tộc ít người trong quá trình phát triển, không tránh khỏi việc hòa đồng văn hóa của mình với các dân tộc khác một cách tự nhiên và tự nguyện. Chính vì vậy, việc mai một dần vốn văn hóa truyền thống là điều không tránh khỏi. Dân tộc Bố Y cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Điều này được thể hiện khá rõ nét qua trang phục cũng như việc sử dụng ngôn ngữ của dân tộc này.
Mặc dù vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ song ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày chủ yếu của người Bố Y lại là tiếng Nùng. Bộ trang phục truyền thống của nữ giới cũng bị cải biến giống bộ nữ phục của người Nùng. Đó là quần ống rộng, áo lửng năm thân kết hợp với chiếc xiêm khâu chiết. Bên cạnh đó, do dân số ít lại sớm tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc trong vùng nên vốn văn hóa dân gian của dân tộc Bố Y như truyện cổ tích, thần thoại... đã bị mai một dần.
Trước thực tế đó, để giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc Bố Y, các ngành chức năng cần có những nghiên cứu, sưu tầm về vốn văn hóa truyền thống của dân tộc này khi chưa quá muộn, nhất là về hệ thống ngôn ngữ. Đồng thời phát huy vai trò của những người cao tuổi trong việc giáo dục truyền thống, vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thanh thiếu niên. Bởi đây chính là thế hệ sẽ quyết định bản sắc văn hóa dân tộc Bố Y trong tương lai.
Mặc dù vốn văn hóa truyền thống ít nhiều bị hòa đồng với các dân tộc trong vùng song khi tiếp xúc với đồng bào chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra những nét riêng của dân tộc này trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong những lễ nghi quan trọng của đời người. Với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đức tính cần cù, thông minh, người dân Bố Y đang từng bước vươn lên, xóa đói nghèo, xây dựng làng bản sạch đẹp, khang trang, tạo điều kiện chấn hưng vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.