Kinh tế

Vốn vay ưu đãi - Tạo cơ hội thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hồng Giang 17/12/2023 - 09:49

Sau hơn một năm đi vào cuộc sống, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã có những tác động tích cực tới các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn tỉnh.

snapedit_1702770202634.jpg
Cán bộ Ngân hàng CSXH thăm mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Đinh Văn Hưng, ở thôn Sấm 2, xã Cúc Phương (Nho Quan).)

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đến thăm những hộ gia đình được vay vốn và đã sử dụng vốn vay hiệu quả tại xã vùng cao Cúc Phương-địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất huyện Nho Quan. Tại đây, nguồn vốn ưu đãi đã giúp bà con phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.

Gia đình anh Đinh Văn Hưng (dân tộc Mường) ở thôn Sấm 2, xã Cúc Phương là một trong những hộ đầu tiên được vay vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ.

Theo chia sẻ của anh Hưng, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chồng làm thuê quanh năm vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Tháng 10/2022, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn Sấm 2, gia đình anh đã biết đến nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình và được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan tạo điều kiện vay 100 triệu đồng để chuyển đổi nghề.

"Nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình tôi mua 4 con bò. Đến nay, bò đã sinh sản, đàn bò của gia đình hiện có 12 con với giá trị trên 200 triệu đồng. Tôi rất vui vì nhờ nguồn vốn này gia đình tôi có việc làm ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững"-anh Hưng cho biết.

snapedit_1702770178134.jpg
Anh Đinh Văn Hưng, thôn Sấm 2, xã Cúc Phương thu hoạch cỏ voi để làm thức ăn cho đàn bò.

Ninh Bình hiện có 7 xã của huyện Nho Quan thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng ưu đãi từ Nghị định số 28. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương này có quỹ đất nông nghiệp, đất ở eo hẹp và cuộc sống còn nhiều khó khăn.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung thực hiện hiệu quả Nghị định 28. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, UBND các cấp, Tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách cho vay hỗ trợ đất, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để người dân, HTX, doanh nghiệp biết và thực hiện.

Chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan phối hợp với UBND huyện, các phòng, ban, ngành và các đơn vị có liên quan phối hợp rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh chồng chéo, lợi dụng, trục lợi.

Trên cơ sở đó, UBND huyện đã phê duyệt danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan đã giải ngân cho 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng nguồn vốn gần 3 tỷ đồng. Người dân được vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.

Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Nghị định có ý nghĩa thiết thực và nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính sách tín dụng ưu đãi được người dân đón nhận với hy vọng nguồn vốn vay lãi suất thấp và thời hạn dài sẽ giúp họ sớm cải thiện điều kiện về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề…

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách cho vay theo Nghị định 28, thời gian tới Ngân hàng CSXH Chi nhánh tinh phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân; động viên người nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn vay vốn sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách đối với các đơn vị nhận ủy thác, nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay. Chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, tham mưu trình phê duyệt danh sách đối tượng làm cơ sở bình xét cho vay kịp thời.

Cũng trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục báo cáo Ngân hàng CSXH Việt Nam bố trí nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn.

Hồng Giang