Đời sống xã hội

Đời sống đồng bào dân tộc Chăm ở Bình Dương đổi thay từng ngày

Phạm Diện 17/12/2023 - 09:48

Nhờ vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và chính sách chăm lo của địa phương, cuộc sống của đồng bào dân tộc Chăm ở Bình Dương thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ hộ khá, giàu tăng lên mỗi ngày.

Xây dựng thôn xóm tốt đẹp, rất ít mâu thuẫn

Người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) có khoảng 120 hộ dân và gần 500 nhân khẩu. Gọi là làng Chăm bởi đa số người dân nơi đây là người Chăm theo đạo Hồi từ Châu Đốc (An Giang) về sinh sống từ năm 1990.

Xã Minh Hòa nằm sát với lòng hồ Dầu Tiếng nên khi mới về đây lập nghiệp họ sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, tôm trên hồ và trồng các loại cây như cao su, điều....

Nhờ chăm chỉ lao động, những chính sách chăm lo của địa phương thông qua những dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã giúp đời sống của bà con làng Chăm đổi thay từng ngày.

Đời sống vật chất của bà con ngày càng đi lên, đời sống tinh thần cũng trở nên đa dạng phong phú. Bà con người Chăm sinh sống tại đây có phong tục tập quán riêng, sinh hoạt tôn giáo theo đạo Hồi, tập trung tại Thánh đường Hồi giáo Muttaquin.

398-202312161652341.png
Thánh đường Hồi giáo Muttaquin, nơi bà con làng Chăm sinh hoạt tôn giáo (Ảnh: Phạm Diện).

Cộng đồng người Chăm nổi tiếng bởi sự hiền hòa. Đối với cộng đồng người Chăm tình thương yêu là quan trọng nhất nên họ cùng nhau xây dựng thôn xóm cho tốt đẹp, vì vậy họ rất ít mâu thuẫn.

Nhận thức được công tác tôn giáo, dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, xã Minh Hòa luôn chú trọng công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, coi công tác này là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý các hoạt động tôn giáo tại địa phương. Nơi đây cũng xây dựng các quy định của địa phương phù hợp với đặc điểm tình hình, phong tục tập quán sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo để thực hiện tốt công tác tôn giáo, dân tộc trên địa bàn.

398-202312161652342.png
Đồng bào Chăm sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt trên hồ Dầu Tiếng và làm nông (Ảnh: Phạm Diện).

Thời gian qua, địa phương làm công tác dân vận, xây dựng mô hình "tuyến đường hoa" như đường hoa Phong Linh, đường vào thánh đường Hồi giáo Muttaquin. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ổn định, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Để đảm bảo cuộc sống phát triển toàn diện, chính quyền địa phương từ tỉnh đến xã đã đầu tư đường trải thảm nhựa, hệ thống lưới điện xây dựng hiện đại đem lại ánh sáng để đảm bảo đời sống nhân dân.

398-202312161652343.png
Trường học giáo lý của người Chăm được xây dựng (Ảnh: Phạm Diện).

Hộ khá và giàu tăng

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch xã Minh Hòa, cho biết, trong thời gian qua địa phương luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã nói chung và làng Chăm nói riêng.

Nhờ vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và địa phương nên đời sống của đồng bào Chăm tại xã đang đổi thay từng ngày. Tỷ lệ hộ khá, giàu tăng lên, hộ nghèo giảm đi rõ rệt. Cuộc sống của người Chăm ngày càng khởi sắc, đời sống kinh tế phát triển.

Trong những tháng đầu năm, bà con dân tộc thiểu số tại xã được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó, đồng bào dân tộc Chăm được tiếp cận nguồn vốn vay là 50 hộ với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

398-202312161652344.png
Đường vào làng Chăm được trải nhựa, hai bên đường có điện chiếu sáng (Ảnh: Phạm Diện).

"Mấy năm trở lại đây, những ngôi nhà khang trang mọc lên, thay thế cho những ngôi nhà tạm xập xệ. Nhiều gia đình đã sắm ô tô để đi lại, họ cũng quan tâm đến việc học hành của các con nên có em đã theo học các trường đại học, cao đẳng.... Đây là kết quả của sự chăm chỉ làm việc, chính sách chăm lo của địa phương đối với làng Chăm và toàn bộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã", ông Liêm chia sẻ.

Năm 2015, địa phương đã thành lập Tổ xung kích phòng, chống tội phạm làng Chăm. Hiện thành viên trong tổ đã có hơn 10 người, họ đều có công việc ổn định nhưng khi có sự việc đột xuất, các thành viên nhanh chóng tập hợp, phối hợp cùng công an xã để xử lý.

"Từ khi thành lập, Tổ xung kích phòng, chống tội phạm làng Chăm đã phối hợp với lực lượng công an truy bắt hàng chục người với các hành vi đánh bạc, trộm cắp tài sản... Nhờ vào sự quan tâm của chính quyền, tính đoàn kết của bà con, tình hình an ninh trật tự trong khu vực cũng được đảm bảo, an toàn", ông Liêm nói.

Huyện Dầu Tiếng hiện có 1.049 hộ ĐBDTTS với 2.820 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người Chăm, Khmer, Tày, Mường, Hoa, Tà mun…

Toàn huyện hiện có 19 hộ nghèo (theo chuẩn Trung ương) và 16 hộ cận nghèo (theo chuẩn tỉnh) là ĐBDTTS.

Trong thời gian qua, nhờ sự chăm lo của chính quyền địa phường, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đời sống của bà con dân tộc ở huyện đã có nhiều thay đổi.

Bà con phát huy tinh thần đoàn kết, chăm chỉ lao động, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp.

Phạm Diện