Nét đẹp văn hóa đồng bào Tây Bắc
Tây Bắc với vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên hùng vĩ và những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được hình thành và lưu giữ từ xa xưa cho đến nay. Nét độc đáo của văn hóa Tây Bắc mang đậm tính cộng đồng, sự hòa điệu nét văn hóa của từng dân tộc đã hội tụ thành một bức tranh đa sắc màu của văn hóa dân gian.
Núi rừng Tây Bắc được “mẹ thiên nhiên” ưu ái ban cho một vẻ đẹp hùng vĩ hoang sơ và cũng không kém phần chữ tình. Vùng núi cao hiểm trở nhất Việt Nam, Tây Bắc là một khối liền mạch núi sông kéo dài từ Vân Nam (Trung Quốc) được cấu tạo theo hướng Tây Bắc- Đông Nam song song với thung lũng sông Hồng. Từ Đông sang Tây được đánh dấu bởi dãy núi cao Hoàng Liên Sơn dài 180km có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Việt Nam. Xen giữa dãy Hoàng Liên và dải cao nguyên phía Tây là các vùng bồn địa. Vắt dọc Tây Bắc là sông Đà, có tiềm năng lớn về nhiều mặt, góp phần tạo dựng bức tranh Tây Bắc hùng vĩ với nhiều kỳ quan, gắn liền với lịch sử tụ cư của nhiều tộc người ở khu vực này.
Tây Bắc là nơi sinh sống, cái nôi văn hóa của hơn 20 dân tộc: Mông, Thái, Mường, Tày, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Kháng, Cống, Xi Mun và các dân tộc khác. Trong đó mỗi dân tộc đều nổi tiếng với những nét đẹp bản sắc của riêng mình. Mọi dân tộc trên vùng Tây Bắc đều sở hữu riếng cho mình một “kho” nét đẹp văn hoá riêng đầy màu sắc và thu hút.
Đến với Tây Bắc không thể bỏ qua việc khám phá nét độc đáo trong các họ sử dụng và làm ra những bộ trang phục độc đáo mang nét đẹp riêng đại diện cho dân tộc của họ.
Trang phục của con gái Thái
Hoa Ban nở thành người con gái Thái/Đám mây bay trong thau nước gội đầu, đấy là những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Thái. Nếu có dịp du lịch Tây Bắc bạn sẽ bắt gặp được hình ảnh người con gái Thái trong bộ trang phục truyền thống đẹp rực rỡ và ấn tượng với cái nhìn lần đầu tiên.
Nét đẹp uyển chuyển với những hoa văn tinh tế được thể qua bộ trang phục truyền thống với áo cóm, váy đen, thắt lưng xanh, dây xích bạc và đặc biệt là chiếc khăn Piêu.
Nét độc đáo nhất trong trang phục truyền thống của người Thái là chiếc khăn Piêu. Những họa tiết, sắc màu rực rỡ thể hiện những tâm tư, tình cảm của người phụ nữ Thái càng làm tăng thêm vẻ đẹp trang phục dân tộc Tây Bắc.Chiếc khăn Piêu đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt, là biểu vật thiêng liêng của người Thái. Chính vì lẽ đó mà tập tục cướp khăn Piêu của Thái là một cách tỏ tình độc đáo mà đầy ý nhị.
Nét độc đáo của người H’ Mông
Bên cạnh vẻ đẹp trang phục của các cô gái dân tộc Thái là trang phục độc đáo không kém của dân tộc H’ Mông. Trang phục truyền thống hết sức cầu kì và sặc sỡ, thường làm bằng vải lanh với nhiều màu sắc nổi bật cùng hoa văn đa dạng, cầu kì gồm: váy xếp thành nhiều nếp bằng lanh, áo xẻ ngực, mang tạp dề đằng trước và sau, quấn xà cạp ở chân. Trang phục hoàn chỉnh thường gồm áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly, xà cạp và mũ đội đầu. Trang phục người Mông Hoa và Mông Trắng thì hoa văn chủ yếu tập trung trên lưng áo, đó là các họa tiết thổ cẩm hình chữ nhật, hình thoi… Với trang phục phụ nữ Mông Đen, Mông Đỏ thì họa tiết tập trung ở vùng tay áo và trước ngực, váy của họ là váy xòe xếp ly, thường là màu trắng, đai thắt lưng dài có màu nổi bật như xanh, hồng,…Đi kèm với váy là xà cạp cùng các đồng xu bạc trang trí hết sức tỉ mỉ.
Ẩm thực độc đáo Tây Bắc
Cùng với nét đẹp về trang phục thì “vẻ đep” ẩm thực của người dân vùng núi rừng Tây Bắc cũng là một “điểm sáng” không thể bỏ qua. Người dân nơi đây có được những nguyên liệu độc đáo và đa dạng một phần là nhờ núi rừng rộng lớn. Đặc trưng trong số những thứ gia vị thương hiệu của người dân Tây Bắc đó là Mắc Khén và Hạt Dổi.
Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc đã ban tặng người dân nơi đây, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam thêm phần phong phú. Ai đã được từng thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị này chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của nó mà không phải ở đâu cũng tìm thấy được. Mắc khén ngon nhất khi được chế biến lúc quả còn tươi, vừa hái lượm, đượm màu xanh lá. Tuy nhiên, nhằm cất trữ và sử dụng dần trong năm, mắc khén tươi được phơi khô cả phần quả và phần hạt trong căn bếp của những ngôi nhà vùng cao. Thành quả là các hạt màu sẫm, mà người ta hay gọi luôn là hạt mắc khén.
Hạt dổi cũng là gia vị không thể thiếu để tẩm ướp các món nướng như gà nướng, thịt ba chỉ nướng, sườn nướng,... Thông thường hạt dổi được giã nhỏ trộn với muối chanh, ớt thành một thứ nước chấm cay cay, chua chua, thơm ngậy, dùng để chấm thịt gà, thịt luộc thì không một thứ nước chấm nào có thể sánh được hay đơn giản nhất, chấm xôi trắng với muối rang hạt dổi thôi cũng đã đủ thơm ngon. Người dân Tây Bắc gọi Hạt Dổi là “thứ vàng đen” quý giá của núi rừng, vì vị cay cay, cùng mùi thơm đặc trưng vượt xa các gia vị khác. Giã nhuyễn cùng với muối tạo nên món chấm Muối Dổi, giúp bật lên mùi vị của các món gà nướng, thịt nướng,... hay làm gia vị ướp bò khô.
Thịt gác bếp là một phần văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở vùng cao phía bắc, đặc biệt là Hà Giang. Đây là một món ăn đặc trưng, thường xuất hiện trong các dịp lễ hội, khi tiếp khách và cũng là món quà rất được ưa chuộng.
Đối với người dân vùng cao, thịt trâu gác bếp không chỉ đơn thuần là món ăn. Đó còn là một phần của văn hóa, lối sống và tâm hồn họ. Trong các dịp lễ hội, tiếp khách hay những ngày giá lạnh, món thịt trâu gác bếp luôn là lựa chọn hàng đầu để thể hiện lòng mến khách và sự ấm áp gia đình.
Thịt trâu và bò gác bếp được làm từ những con vật chăn thả trên núi, thịt chúng rất ngon và chắc. Với khí hậu lạnh của Hà Giang, thịt bò trở thành một nguồn thực phẩm quý, giúp cung cấp năng lượng trong mùa đông.
Để có được món thịt trâu gác bếp ngon, người dân vùng cao đã truyền từ bao đời nay một quy trình chế biến tỉ mỉ. Thịt trâu được chọn lựa từ những con trâu chăn thả trên những bãi cỏ xanh mướt. Sau khi giết mổ, thịt trâu được thái thành từng miếng vừa ăn, ướp với gia vị đặc trưng : mắc khén và hạt dổi để tạo nên hương vị đặc trưng.
Miếng thịt sau khi ướp gia vị sẽ được treo trên gác bếp, nơi có khói từ bếp củi. Khói từ bếp củi không chỉ giúp thịt khô nhanh mà còn tạo ra một mùi thơm đặc trưng.
Thắng cố là một trong những thức đặc sản không thể bỏ qua khi đến Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Đây là món ăn truyền thống của người dân tộc H’Mông, nổi tiếng ở Sapa và Hà Giang. Từ một thứ đặc sản dân dã, lâu đời của người H’Mông trong các ngày lễ quan trọng, chợ phiên, thắng cố dần được khách du lịch biết đến và truyền tai nhau, để rồi trở thành một món ăn được khách thập phương tìm kiếm để thưởng thức mỗi khi đến với mảnh đất này.
Thắng cố có nghĩa là canh thịt, bao gồm các loại thịt thường được chế biến như ngựa, trâu, bò, và lợn. Ban đầu, món ăn này được làm từ nguyên liệu chính là ngựa, nhưng hiện tại do thịt ngựa rất hiếm và đắt, nên đa phần các quán sẽ phục vụ thịt bò, trâu, lợn để thay thế. Thắng cố gây ấn tượng với mùi hương ngai ngái của ruột non động vật, đặc biệt là khi để nguyên các thứ bên trong thì mới ngon đúng vị, nên thoạt nhiên nhiều người sẽ e dè, lắc đầu không dám dùng thử. Tuy nhiên, cũng như sầu riêng kén người ăn, một khi đã thử và dần làm quen với hương vị lạ này, thực khách có thể khó lòng mà dừng đũa. Để nấu thành một nồi thắng cố đúng chuẩn vị của người dân Tây Bắc cần sự kết hợp của 12 loại nguyên liệu đặc trưng của nơi đây.
Gìn giữ và bảo tồn văn hóa vùng Tây Bắc
Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, để tiếp tục làm tốt việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các tỉnh vùng Tây Bắc đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mang bản sắc địa phương, chống sự xâm nhập của các yếu tố gây hủy hoại đạo đức xã hội. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa vào Nghị quyết các cấp ủy Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của chính quyền.
Nguyên nhân đầu tiên của sự mai một văn hóa truyền thống trong các tộc người, là tác động của xu hướng toàn cầu hóa, xu hướng giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Nguyên nhân khác quan trọng là do một bộ phận giới trẻ thiếu tự tin, thiếu tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Họ quan niệm, mình nói tiếng dân tộc thiểu số, mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình là lạc hậu. Thậm chí, có người còn muốn “Kinh hóa”, chỉ đến khi muốn nhận các chế độ ưu đãi về học tập, việc làm thì mới tự nhận mình là dân tộc thiểu số.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" chỉ ra 5 giá trị bền vững, được vun đắp trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc là: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng (gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc); lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.
Nét đẹp văn hoá của người dân Tây Bắc là những nét đẹp vô giá. Để gìn giữ những nét đẹp này không mai một và bị pha tạp theo thời gian thì cần sự chung tay của người dân và các cơ quan chính quyền có liên quan. Tích cự tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, nâng tầm văn hóa Việt Nam trong các hoạt động kinh tế, xã hội và dần loại bỏ những lạc hậu, mê tín dị đoan có hại cho nét đẹp văn hoá nước nhà.