Người có uy tín tham gia phát triển giáo dục
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước của huyện Tiểu Cần, phụ trách văn hóa giáo dục, thời gian qua Thượng tọa Kim Mạnh - Trụ trì chùa KompongĐôn (ấp Ô Đùng, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) luôn tâm niệm dạy học cho học sinh là việc làm hết sức có ý nghĩa, nhân văn, góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng nói của dân tộc Khmer cho người dân trên địa bàn.
Tiểu Cần là huyện nông thôn mới cách trung tâm tỉnh Trà Vinh 24 km, có 09 xã, 02 thị trấn với 80 ấp, khóm; diện tích tự nhiên 22.723 ha, dân số 108.808 người, trong đó: hộ dân tộc Khmer 9.615 hộ, với 35.731người, có 03 tôn giáo chính (Phật giáo, Công giáo và Cao Đài). Đồng bào các dân tộc và tôn giáo trên địa bàn huyện luôn giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết; thi đua lao động, sản xuất; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai thực hiện.
Cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 20 cây số, Chùa KomponĐôn tọa lạc ở ấp Ô Đùng, xã Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần như một trường học thực sự. Khác với vẻ thanh tịnh thường thấy ở các cơ sở thờ tự, bên trong khuôn viên chùa Ô Đùng, khách thập phương ngỡ như lạc vào một trường học. 12 phòng học rộng rãi, khang trang, bàn ghế ngăn nắp, sách vở ngay ngắn, học sinh tuân thủ răm rắp nội quy của lớp học. Hè năm nay 2023, chùa đón 227 em học sinh ở mọi lứa tuổi.
Thượng tọa Kim Mạnh, trụ trì chùa KomponĐôn cho biết, ngoài chức năng là trung tâm phát triển tâm linh và là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội, đại diện của lòng từ bi, chùa của đồng bào Khomer, đây còn là trung tâm giáo dục. Các vị chư tăng trong chùa sau 7 năm học Phật giáo, Phật học trở về chùa phụ giúp dạy tiếng Khơ-me trong dịp hè cho con em có độ tuổi đến trường. Riêng chùa KomponĐôn năm nay có 10 vị chư tăng có đủ khả năng dạy tiếng Khơ-me, thay phiên nhau đứng lớp.
Thượng tọa Kim Mạnh chia sẻ: "Không chỉ học sinh, chư tăng trong huyện học mà các huyện khác cũng qua học đạo ở đây. Lớp học đối với trẻ em thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn vào dịp nghỉ hè nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường, lại giúp được các em biết chữ Khmer để giữ gìn tiếng nói, chữ viết truyền thống dân tộc mình. Cũng có chùa mở lớp học theo lịch học giống như ngành giáo dục quy định đối với đông đảo nhân dân và các tầng lớp sư sãi Khmer. Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa còn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng, lễ nghi giao tiếp, phong tục tập quán của dân tộc...
“So với những năm trước, mùa hè năm nay số lượng các em đến chùa học chữ Khmer tăng gấp đôi. Do đó, nhà chùa cũng bố trí phòng học, sắp xếp thời gian, chia lớp học cho phù hợp theo từng lứa tuổi để giúp các em dễ học và tiếp thu. Việc chăm lo dạy chữ Khmer cho con em phật tử là một việc làm có ý nghĩa thiết thực. Hàng tuần, nhà chùa cũng tổ chức phát sữa và quà nho nhỏ cho các em học sinh để động viên tinh thần học tập tốt. Còn những em có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhà chùa hỗ trợ tập, viết”, Thượng tọa Kim Mạnh cho biết.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc thiêu số, trong đó có việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Đoàn Kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh. Hàng năm, các chùa phật giáo Nam tông Khmer trong huyện, đều mở lớp dạy ngôn ngữ chữ Khmer cho con em đồng bào trong dịp hè theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trong 05 năm qua toàn huyện có 5.582 em theo học chữ dân tộc Khmer).
Ngoài sử dụng giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sư còn sử dụng những quyển kinh phật bằng tiếng Khmer để thuyết giảng, như một phương pháp học đạo nhằm giúp học viên thấm nhuần tinh thần “sống tốt theo đạo và đời”. “Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Ban Quản trị các chùa thường xuyên vận động phật tử hỗ trợ đồ dùng dạy học, xe đạp để tặng cho học sinh có thành tích tốt, giúp các em hứng khởi, yên tâm đi học”, Thượng tọa Kim Mạnh cho biết.
Hiện nay, huyện có 19.418 học sinh, trong đó 7.019 em là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên rất khó khăn trong việc cho con em học hành đến nơi, đến chốn. Trước những khó khăn đó, bản thân Thượng tọa Kim Mạnh cùng Ban quản trị các chùa và bà con phật tử hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, khen thưởng học sinh xuất sắc với tổng số tiền hỗ trợ trên 4 tỷ đồng, với 765 suất quà; Đỡ đầu 51 em xuất sắc, tặng quà và BHYT học sinh 7.582 phân; 05 căn nhà; 19 tivi và tiền mặt 232.000.000đ...
Thượng tọa Kim Mạnh là Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh. Ông đã có nhiều sáng tác bằng tiếng Khmer cho Đoàn Nghệ thuật tỉnh chuyển thể thành ca khúc đi biểu diễn ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó, với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện, bản thân luôn vận động các chùa trên địa bàn huyện tổ chức mở các lớp Pali-Khmer cho các vị chư tăng, thanh niên trên địa bàn và các huyện lân cận đến học tập. Tham gia giảng dạy tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Tiểu Cần nói riêng, chủ yếu là các nhà sư và các vị Achar là cư sĩ trên tinh thần tình nguyện, xem đây là việc làm phước đức, không hề nhận bất kỳ một khoản thu nhập nào từ học trò hay nhà chùa.
Bên cạnh đó, bản thân còn làm tốt xã hội hóa để vận động người dân chung tay lo việc học chữ Khmer cho học sinh, nhất là ở các vùng sâu. Vào cuối khóa học các chùa có tổ chức tổng kết để khen thưởng cho học sinh khá, giỏi. Đây được xem là món quà động viên tinh thần, giúp các em đến học chữ Khmer ngày càng nhiều, góp phần chung tay giữ gìn tiếng nói và chữ viết của dân tộc.
Việc các chùa tổ chức những lớp giảng dạy và bồi dưỡng chữ Khmer cho các tăng sinh và con em Phật tử ở Sóc Trăng thời gian qua đã góp phần rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy chữ viết dân tộc. Đồng thời, giúp cho con em đồng bào Khmer có được môi trường học tập lành mạnh để trau dồi thêm vốn kiến thức cho bản thân.
Với những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khơ-me của tỉnh Trà Vinh và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, đang được tỉnh trà Vinh triển khai… Chúng ta càng có niềm tin về một thế hệ người Khmer có trình độ học vấn cao, thông thạo tiếng và chữ viết dân tộc mình.