Người gìn giữ "điệu hát của Trời"
Trong đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Thái ở vùng cao phía Bắc, hát then được ví như là “điệu hát thần tiên”, hay “điệu hát của Trời”. Chính vì muốn níu giữ lại những nét văn hóa của cha ông, có một người nghệ nhân đã bỏ ra mấy chục năm trời đi sưu tầm, phục dựng và truyền dạy hát then cho lớp trẻ.
Ông là Nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức, ở bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.
Mê then từ nhỏ
Về bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, không quá khó để tìm đến nhà Nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức. Bởi với gần 30 năm thực hành, truyền dạy loại hình nghệ thuật hát then của dân tộc Thái, ông đã quá nổi tiếng và được người dân xem như là “cây đại thụ”, “người giữ gìn linh hồn dân tộc Thái ở Mường Lay”.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang mang đậm nét kiến trúc của dân tộc Thái, trên tường treo kín những bằng khen, giấy khen, giải thưởng đã đoạt được trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật, ông Thức chia sẻ, ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về hát then. Do thường xuyên được nghe mẹ hát và được theo mẹ tham gia vào các lễ then, nên từ nhỏ ông đã thấy yêu thích và dần biết hát một số bài then đơn giản.
Đến năm 10-12 tuổi, ông Thức chính thức trở thành “học trò” của mẹ và một số cô chú trong bản. Sau khi được truyền dạy, học hành bài bản, ông bắt đầu “phát lộ” tài năng. Có nhiều bài hát ông chỉ học vài tiếng là thuộc; có những làn điệu ông chỉ mất vài đêm là nắm hết các kỹ thuật ngân, rung.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông Thức bắt đầu thực hành then thông qua việc tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Nhân dân trong bản, ngoài làng cũng tin tưởng, nhờ cậy và mời ông đến hát then tại gia đình họ mỗi khi lễ lạt.
Ngoài ra, ông Thức còn đại diện cho địa phương, tham gia nhiều cuộc thi, liên hoan hay hội diễn. Ví dụ như năm 2007, ông tham gia Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ II tổ chức tại tỉnh Cao Bằng và đạt giải A.
Lần đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người” ấy có thể nói là thành công hơn cả mong đợi nên đã giúp ông Thức có thêm rất nhiều tự tin. Sau đó, ông tham gia thêm nhiều hội diễn, hội thi, giao lưu văn nghệ tại các tỉnh trong cả nước (Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đà Lạt, Lạng Sơn…) và hầu như là lần nào ông cũng có giải mang về.
Không chỉ là người có khả năng thực hành nghi thức then, bằng tài năng thẩm âm và tình yêu đặc biệt đối với văn hóa dân tộc của cộng đồng Thái trắng của mình, ông Thức còn học tập, nghiên cứu và chế tác thành công cây đàn tính tẩu có hình dáng đẹp, âm sắc đạt chuẩn dựa trên kỹ thuật chế tác theo tiêu chuẩn lý tính, hóa tính và vật lý âm thanh. Bản thân ông có khả năng đệm đàn tính tẩu và hát nhiều bài then cổ.
Với những cống hiến ấy, năm 2015, ông Thức vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, tín ngưỡng dân gian. Đó không chỉ là niềm tự hào của riêng người đàn ông Thái tài hoa này, mà còn là niềm tự hào của Mường Lay – mảnh đất được xem là thủ phủ của ngành Thái trắng ở tỉnh Điện Biên.
“Ngoài hát và truyền dạy then, tôi còn cùng nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ khác tham gia thực hành then để xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”. Đến nay, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ông Thức chia sẻ.
Xem then như “máu thịt”
Theo ông Thức thì lễ then là một nghi lễ hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Bởi người Thái ở Điện Biên quan niệm rằng, luôn có một thế giới siêu nhiên tồn tại song song với thế giới thực tại. Và thế giới đó là nơi ngự trị của các vị Thần.
Trong loại hình nghệ thuật then, thầy then - người hành nghề then - chủ lễ, được coi là những người có năng lực giao tiếp với thế giới siêu nhiên, có khả năng hát then, sử dụng tính tẩu. Nghệ thuật then Thái là loại hình nghệ thuật tổng hợp, chứa đựng những tri thức dân gian, mang đậm sắc màu về tập quán xã hội và tín ngưỡng, quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái trắng.
Ngoài ra, quá trình thực hành then còn là sự kết hợp hài hòa và tinh tế giữa khả năng đặc biệt của chủ thể về việc ứng biến các giai điệu hát then phù hợp với ngữ cảnh, nội dung nghi lễ hòa lẫn với âm thanh trầm bổng của Tính tẩu. Do vậy, thực hành tín ngưỡng then cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn, gìn giữ những tập tục tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Thái trắng.
Trong đời sống của đồng bào Thái trắng ở Điện Biên thường tổ chức rất nhiều lễ then khác nhau, như lễ then cấp sắc, lễ Then Kin Pang, lễ tế ta (lễ tế thần nước), lễ then giải hạn, lễ then gọi hồn người ốm, then cầu mùa màng, then cầu an, then cầu phúc, cầu mưa và lễ then để tạ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ…
Lễ then cấp sắc là đại lễ then dành cấp bằng cho người làm nghề then. Lễ được tổ chức từ 3 đến 5 năm một lần, thường vào tháng Hai, tháng Ba (âm lịch) với ý nghĩa khao quân, khao binh tướng. Tại Lễ then cấp sắc, thầy Then chủ trì tổ chức “Lễ bắc cầu truyền nghề then” cho các “con nuôi” là những người có khả năng thực hành nghi lễ then.
Vì vậy, lễ then cấp sắc là minh chứng để cho một người đã có “căn duyên” hành nghề then được chính thức nối nghiệp và để đánh dấu sự trưởng thành của người làm nghề then. Lễ chứa đựng yếu tố văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn nghệ thuật hát then, đàn Tính. Do vậy, bảo tồn loại hình nghệ thuật này giống như việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Đồng bằng Bắc bộ.
Với Hội then có nội dung cúng khai đàn, mừng các “Then trên trời” xuống trần gian. Người Thái trắng quan niệm, phía trên thế giới thực của con người là thế giới của vua Trời, cõi trời cũng là một Mường, trong đó các tướng lĩnh của vua Trời là các Then.
Hằng năm, vào ngày mồng 3 tháng Giêng và ngày 14 tháng 8 âm lịch, vua Trời phái các vị then xuống hạ giới nên những người hành nghề then ở trần gian tổ chức cúng khai đàn, bày lễ cúng để tạ ơn các vị then trên trời và cầu mưa, cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc cho bản Mường.
Diễn trình trong Hội then gồm nhiều lễ thức độc đáo như: Mừng chúc lễ; ra mắt, mời rượu; niệm chú xin thông họng; trình báo bàn thờ, kiểm tra lễ; mở đường; Then lên núi; Then dâng lễ thần núi; hành trình lên Trời; Mời vua Trời, Vua Trời về dự… Qua đó cho thấy, Hội then vừa là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, vừa nghi lễ mang tính tâm linh của người Thái trắng.
“Dù ở lễ then nào, người ta đều dễ dàng nhận thấy tri thức về tập quán xã hội và tín ngưỡng, tính nhân văn, nét văn hóa đặc sắc, hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của người Thái gửi gắm trong đó”, ông Thức chia sẻ.
Nỗ lực bảo tồn
Giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, hát then của người Thái trắng ở Điện Biên cũng đang phải đối mặt với bài toán bảo tồn. Giờ những nghệ nhân, nghệ sỹ “một lòng một dạ”, đắm đuối với loại hình nghệ thuật này ngày càng thưa vắng. Trong khi đó thì giới trẻ lại không mấy mặn mà. Chính vì thế mà then đã và đang đứng trước nguy cơ mai một.
Thấu hiểu được điều đó, từ nhiều năm nay, nghệ nhân Vàng Văn Thức đã và đang cố gắng truyền dạy những bài hát then, kỹ thuật, các nghi thức làm lễ trong then cho con cháu, người trong bản và cho tất cả mọi người có nhu cầu muốn học. Bằng những am hiểu về then, các nghi thức về then, về đàn tính tẩu, ông đang “chạy đua với thời gian” để mong giữ lại những nét văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc mình, mãi mãi.
Với vai trò là thành viên của Đội văn nghệ quần chúng bản Na Nát và Câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay, ông Thức thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhiệm vụ văn hóa, chính trị tại đại phương. Ngoài ra, ông còn đang truyền dạy trực tiếp cho 6 học viên đến từ các huyện Mường Chà, Tuần Giáo và một số tỉnh khác như Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh. Các học trò được truyền dạy hiện đang thực hành hát then tại địa phương nơi họ sinh sống. Tiêu biểu như bà Lò Thị Quý, bản Tà Pao, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo…
Và trên thực tế, việc Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2019 đã góp phần tôn vinh giá trị sáng tạo nghệ thuật dân gian của những chủ thể văn hóa đối với di sản Then trong tổng thể những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung và góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng văn hóa quốc tế. Qua đó, thúc đẩy sự quan tâm, bảo vệ di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các tộc người Tày, Nùng, Thái với các nhóm cộng đồng khác ở Việt Nam cũng như giữa các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng với Then.
Theo nghệ nhân Vàng Văn Thức thì các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và then nói riêng, vốn được sinh ra từ dân gian, tồn tại trong dân gian và từ dân gian mà phát triển. Thế nên, muốn bảo tồn và phát huy các vốn cổ dân tộc thì không thể chỉ trông vào sự nỗ lực của cá nhân các nghệ nhân, nghệ sỹ, mà còn cần cả sự quan tâm, đầu tư của nhiều ngành, nhiều cấp.
Hơn nữa, việc xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả của những câu lạc bộ hát Then tại các địa phương cũng là cách để di sản gần gũi, gắn bó với đời sống người dân. Qua đó giúp cho nét văn hóa này đến gần hơn, thấm sâu vào tâm hồn thế hệ tương lai của đất nước, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật Then truyền thống của dân tộc.