Đa dạng các mô hình sinh kế - giảm nghèo bền vững ở Đăk Plô
“Trao cần câu - không trao cá” là chủ trương được UBND xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) vận dụng trong việc phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Những kết quả đạt được bước đầu đã khẳng định sự đúng đắn của chủ trương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp địa phương rút ngắn khoảng cách về đích nông thôn mới.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình 1719), UBND xã Đăk Plô đã tập trung nghiên cứu đưa ra nhiều “đòn bẩy” khác nhau, tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương.
Đa dạng sinh kế giúp dân thoát nghèo
Đăk Plô từ lâu được biết đến là vùng đất có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với cây dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm (sâm dây). Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật chăm sóc là hai trở ngại lớn nhất đối với đồng bào trong việc phát triển “cây nhà giàu” thu nhập cao. Nắm bắt nhu cầu của người dân, UBND xã Đăk Plô đã nhanh chóng triển khai mô hình trồng hồng đẳng sâm và sâm dây đến từng hộ gia đình.
Là 1 trong 10 hộ được hỗ trợ tham gia trồng mới 1ha sâm dây, anh A Lêk (thôn Bung Tôn) tự tin phát triển kinh tế của gia đình mình nhờ mô hình này. Gương mặt toát lên sự hy vọng, anh A Lêk cho biết, mình luôn được cán bộ xã tận tình hướng dẫn về cách chăm sóc, cải tạo đất trước khi gieo trồng, đảm bảo chất lượng của sâm là hàng loại 1. Đặc biệt, việc trồng sâm được tuân thủ theo quy trình tự nhiên bằng công nghệ vi sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGap, nâng cao giá trị của sản phẩm.
Tính đến nay, 208 hộ của xã Đăk Plô được tham gia mô hình phát triển sinh kế trồng mới hồng đẳng sâm với diện tích 45ha; 80 hộ (trong đó có 5 hộ nghèo) tham gia trồng 6ha sâm dây. Tổng số lượng sâm thu hoạch năm 2022 đạt 700kg, thu nhập của các thành viên tham gia mô hình đạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/năm.
Trước đó, nhiều hộ gia đình như anh A Xương (thôn Bung Koong), chị Y Diện, anh A Hiệu, anh A Sỹ (thôn Bung Tôn) cũng đã thành công trong việc chuyển đổi từ cây ngô, sắn sang trồng sâm dây. Theo anh A Xương, sau khi đã khấu trừ đi tất cả chi phí chăm sóc, giống, phân bón… đã thu lãi được hơn 100 triệu đồng/3ha; gia đình cũng đã vươn lên thoát nghèo.
Không chỉ tập trung ưu tiên phát triển cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế, đồng bào ở Đăk Plô còn được trao rất nhiều sinh kế khác, đầu tư máy móc cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Một trong số đó có thể kể đến như: Mô hình nuôi trâu sinh sản, mô hình trồng cây mít thái, thí điểm mô hình trồng bắp tại thôn Đăk Book, mô hình nuôi ong lấy mật…
Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi trâu sinh sản nhưng ông A Nâu (thôn Bung Koong) lại không có điều kiện vì gia đình thuộc diện nghèo bền vững. Từ nguồn vốn hỗ trợ của mô hình nuôi trâu sinh sản, ông A Nâu đã mạnh dạn vay mượn thêm người thân để tạo thành một đàn trâu, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Thay đổi nếp nghĩ cách làm, ông A Nâu đã áp dụng mô hình chăn nuôi chuồng trại thay vì thả rông vào rừng như trước. Ông cho biết, thức ăn cho trâu là nguồn sẵn có như cỏ voi, cây ngô nên không tốn nhiều chi phí, việc chăn nuôi cũng tốn ít thời gian mà hiệu quả kinh tế đem lại rất cao.
Bước đệm vững chắc xóa đói, giảm nghèo
Chủ tịch UBND xã Đăk Plô Lê Văn Vinh cho hay, việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào có hoàn cảnh khó khăn được tham gia các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết hàng đầu của UBND xã đề ra trong suốt nhiệm kỳ qua.
Nhờ có mọi nguồn lực, nhất là nguồn vốn của Tiểu dự án 2, Dự án 3 về Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình 1719 đã góp phần thay đổi diện mạo thôn bản, đời sống của nhân dân trong xã được nâng lên rõ rệt về cả vật chất lẫn tinh thần. Nếu như năm 2021, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19,5 triệu đồng/ năm thì năm 2023 đã tăng lên gần 35 triệu đồng/ năm.
“Những đổi thay căn bản trên đã trở thành bước đệm vững chắc góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”, ông Vinh nhấn mạnh.
Là năm đầu tiên thực hiện các mô hình sinh kế từ nguồn vốn Chương trình 1719, UBND xã Đăk Plô đã hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, mua sắm máy cắt cỏ, máy tuốt lúa với tổng kinh phí 260 triệu đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, trồng sâm dây là 208 triệu đồng. Hơn 564 triệu đồng được hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế mô hình nuôi trâu sinh sản. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống vùng dân tộc thiểu số với số vốn là 320 triệu đồng.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Vinh cho biết, UBND xã Đăk Plô sẽ tiếp tục tập trung phát triển cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm ở quy mô lớn, sản xuất chuyên canh và ưu tiên phát triển theo hướng VietGAP, sớm hình thành hợp tác xã. Bên cạnh đó, các ao hồ bỏ hoang sẽ được tận dụng để nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế mới; tăng thêm số lượng trâu, bò sinh sản hiện có. Ngoài ra, UBND xã cũng sẽ huy động thêm mọi nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp mới cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi; điều này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy giao thương của người dân cũng như trong đời sống.