Đặc sắc Lễ hội Lồng tồng
Thông thường, cứ mỗi dịp đầu năm, đồng bào dân tộc ở vùng cao lại nô nức mở hội Lồng tồng, hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng, mở đầu cho một mùa sản xuất mới, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, bản làng no ấm.
Nghi lễ nông nghiệp cổ xưa
Lễ hội Lồng tồng, hay còn gọi là lồng thồng, lùng tùng, Oóc tồng, hoặc xuống đồng, là một nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới. Trong lễ hội người ta thường lễ tạ Thành Hoàng, Thần Nông, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc…
Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa lâu đời. Mỗi lần lễ hội được tổ chức sẽ mang lại cho đồng bào những giờ phút nghỉ ngơi, thanh thản, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau. Đồng thời đây cũng là dịp giao lưu tình cảm giữa các cô gái, chàng trai bằng những lời ca, tiếng hát…
Lễ hội thường được tổ chức sau dịp Tết, vào khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 25 tháng Giêng, tùy theo phong tục của từng địa phương và thời gian thường kéo dài trong 3 ngày.
Cứ vào mồng 10 tháng Giêng, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay ở chiến khu cách mạng ATK Định Hóa, Thái Nguyên lại nô nức đổ về khu vực đèo De thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa để tham dự một trong những lễ hội lớn nhất trong năm, đó là Lễ hội Lồng tồng.
Trước giờ khai hội là phần nghi lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm của Người trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình. Đây là công trình được xây dựng và khánh thành từ năm 2005, đúng dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh của Bác.
Sau tiếng trống khai hội được già làng Ma Đình Được gióng lên là màn trống hội, múa lân rộn rã, rực sỡ sắc màu. Tại lễ hội, nhiều du khách lần đầu được tận mắt chứng kiến nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, lễ xuống đồng của dân tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của dân tộc Dao.
Những mâm cỗ tế lễ được người dân trong vùng chuẩn công phu, kỹ lưỡng với lòng thành kính, biết ơn các vị thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ thể hiện nét đặc sắc trong truyền thống của bà con dân tộc mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hoá của họ.
Náo nhiệt nhất và thu hút đông người tham gia nhất trong Lễ hội Lồng tồng có lẽ là trò chơi dân gian ném còn. Ngay giữa sân lễ hội, Ban Tổ chức đã chọn và đặt sẵn một cây tre cao khoảng 12 sải tay, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm. Phần ngọn của cây tre được uốn thành một vòng tròn rồi dùng giấy hồng dán kín.
Quả còn được làm bằng 4 mảnh vải mầu ghép lại thành từng múi, được xếp thành 4 góc thể hiện 4 phương hội tụ, bên trong được nhồi bằng hạt bông, thóc, ngô, cát… to bằng quả cam lớn. Chính giữa quả còn được khâu một sợi dây vải bền chắc dài khoảng 70 - 90 cm, quả còn có màu sắc rực rỡ rất đẹp.
Bên trong quả còn, người ta thường nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người, còn bông cho sợi vải. Xung quanh quả còn được may thêm các tua vải nhiều màu sắc trang trí và giúp định hướng quả còn khi bay.
Trò chơi ném còn xuất phát từ quan niệm, khi quả còn được tung lên hay ném đi, mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc xui rủi, ốm đau, bệnh tật sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc. Nếu ném trúng vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm, dương giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu.
Trước khi khép hội, thầy cúng sẽ rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày, Nùng quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn.
Một nghi lễ thu hút người tham dự Lễ hội Lồng tồng là Lễ tịch điền. Ban Tổ chức thường chọn một thửa ruộng nhỏ gần khu vực lễ hội, một nông dân và một con trâu khỏe để thực hiện đường cày đầu tiên mở màn cho mùa vụ mới. Cách đó không xa, tại một thửa ruộng khác là phần thi cấy lúa của các xóm, bản trong vùng. Trên bờ là tiếng trống, tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ của đông đảo người dân và du khách. Cùng thời điểm này, tại sân Lễ hội, không khí cũng náo nhiệt với các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, bắn nỏ, giã bánh dày, kéo co, đi cà kheo…
“Bảo tàng sống” về văn hóa
Là một tỉnh miền núi, nhưng Bắc Giang không chỉ nổi tiếng về những di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, mà nơi đây còn nổi tiếng về những lễ hội dân gian truyền thống với nhiều loại hình độc đáo, nội dung phong phú và hấp dẫn. Nằm trong vùng Kinh Bắc trước đây, Bắc Giang vốn là một vùng nông nghiệp điển hình, có nền kinh tế, văn hoá phát triển, đời sống người dân tương đối phong lưu. Dân gian có câu: “Ăn Bắc mặc Kinh”. Đó là thực tế và cũng là cơ sở lý giải vì sao lễ hội Bắc Giang đã xuất hiện và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử.
Với tổng số trên 500 lễ hội, cũng như ở mọi miền trên đất nước, lễ hội Bắc Giang được diễn ra hàng năm với lịch trình và nội dung tương đối ổn định. Chủ yếu, hội được tổ chức vào hai mùa, mùa xuân và mùa thu, tức “Xuân thu nhị kỳ”, với các loại hội đình, đền, chùa, hội chợ, hội chạ, hội hát. Trong đó không thể không kể đến Lễ hội “lồng tồng” của đồng bào Tày, Nùng diễn ra vào mỗi dịp đầu năm mới.
Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đến giờ, Lễ hội “lồng tồng” của đồng bào Tày, Nùng ở Bắc Giang vẫn còn bảo lưu được bản sắc vốn có, phát huy được truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa để lại. Lễ hội vừa là dịp để đồng bào tổng kết một năm lao động, sản xuất, vừa chuẩn bị cho công việc gieo trồng mùa vụ mới. Các dòng họ trong làng đều được phân công lo các phần việc chuẩn bị mở hội như: Chọn dây song để kéo co, chọn con quay, lễ vật dâng cúng…
Vào ngày tổ chức lễ hội, đồng bào chọn ra một đám ruộng to nhất. Ngay từ sáng sớm trong làng đã vang lên hồi chiêng trống rộn rã. Lễ rước Thổ Công và Thần Nông tiến ra khu ruộng nơi diễn ra lễ hội. Đi đầu là người đánh chiêng, hai người thổi kèn loa gỗ, theo sau là thầy cúng, đôi nam nữ bê mâm lễ vật dâng cúng, một đôi nam nữ khiêng cuộn dây kéo co, đi sau cùng là 2 người khiêng trống, vừa đi vừa đánh. Theo định lệ mỗi gia đình trong làng chuẩn bị một mâm cỗ để đưa ra ruộng nơi tổ chức lễ hội cúng tế. Lễ vật dâng cúng có gà luộc, thịt lợn luộc, xôi các màu…
Mâm cỗ của các gia đình được tập trung trước bàn thờ chính có cắm cây nêu bằng tre, dán giấy đỏ, dưới bàn thờ chính có đặt cuộn dây để kéo co. Một hồi chiêng vang lên, lễ cúng mở hội bắt đầu. Thầy cúng đọc lên bài cúng mời Thần Nông, Thổ Công, Thần các con suối, Thần các ngọn núi về dự lễ cúng. Nội dung các bài cúng cầu mong: Lúa tốt như cỏ lau, cỏ lác, hạt to như quả đao không có sâu cắn phá; cá nằm chật suối, chật ao; trâu lợn đầy đàn; gà vịt đầy sân; người người khỏe mạnh, nhà nhà đông con, làng bản thêm nhiều trẻ nhỏ, không người ốm đau…
Cúng xong ở ban cúng chính, Thầy cúng, già làng, trưởng thôn đi chấm mâm cỗ của các gia đình. Mâm cỗ được giải phải bày đúng nghi lễ truyền thống theo đó phải có thịt gà, thịt lợn, xôi 3 màu… Chấm xong, các gia đình hạ cỗ, cả làng cùng ăn uống tại chỗ.
Theo quan niệm của người Tày, Nùng nhà nào mời càng nhiều khách đến ăn thì nhà đó càng may mắn có nhiều lộc trong năm mới. Nghi lễ cúng tế kết thúc, dân làng chuyển sang phần hội vui chơi các trò chơi truyền thống. Thường các trò chơi trong lễ hội xuống đồng đều mang ý nghĩa cầu mùa, cầu sức khoẻ.
Trò chơi kéo co, lúc đầu còn mang tính chất nghi lễ, thường chia làm 2 phe: Bên Đông và bên Tây. Theo lệ, đại diện bên Đông bao giờ cũng thắng liên tiếp 3 keo. Người Tày, Nùng quan niệm bên Đông là nơi mặt trời mọc. Bên Đông thắng cũng có nghĩa là có mặt trời, có ánh nắng, để mùa màng tươi tốt, dân làng được mùa ấm no. Sau nghi lễ bắt buộc này là phần chơi kéo co của các đội trong làng, Thầy cúng hướng về phía mặt trời lặn, gõ 3 hồi chiêng, đọc lời khấn: “Kéo lấy lúa lấy má, kéo lấy khoẻ lấy mạnh”. Thầy cúng vừa hết lời thì hai bên thi kéo co.
Phát đường là trò chơi mang đậm ý nghĩa của tín ngưỡng nông nghiệp. Tất cả thanh niên nam nữ trong làng với trang phục rực rỡ, tay cầm dao, cuốc làm các động tác tượng trưng cho hành động chặt cây, cuốc đất, nhặt cỏ...
Hội xuống đồng của người Tày, Nùng là lễ hội cầu mùa điển hình. Cả phần lễ lẫn phần hội đều phản ánh ước nguyện của dân làng là mong ước được mùa, người người khoẻ mạnh. Đậm nét có thể thấy đó là tín ngưỡng bao quanh các yếu tố ảnh hưởng đến nông nghiệp như: Sinh sản, nước, mặt trời, cây lúa…
Với sự phong phú cả về phần lễ và phần hội, có thể nói Lễ hội Lồng tồng giống như một “Bảo tàng sống” về văn hóa. Nó không chỉ phản ánh đời sống tâm linh, mà còn tái hiện một cách hết sức sinh động cuộc sống thường nhật của một số tộc người. Mỗi khi lễ hội được tổ chức là lúc đồng bào được nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, gạt bỏ đi các điều ác để hướng tới cái thiện, làm tan đi những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo lắng trong cuộc sống hằng ngày, để có sự thanh thản. Đồng thời, đây cũng là dịp để người già nhắc nhở, răn dạy con cháu biết ơn và tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân có công khai phá, xây dựng bảo vệ bản làng, quê hương.