Hứa hẹn đặc sắc Festival trình diễn khèn Mông
Festival Khèn Mông và Lễ Công bố quyết định đưa nghệ thuật Khèn của người Mông, nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia và Lễ hội Hoa tớ dày năm 2023 sẽ khai mạc tại huyện Mù Cang Chải vào ngày 23/12.
Lễ hội sẽ khai mạc vào 20 giờ ngày 23/12/2023 tại Sân vận động trung tâm huyện Mù Cang Chải, với nhiều hoạt động phong phú, giàu bản sắc văn hóa.
Trong đêm khai mạc sẽ diễn ra chương trình "Tinh hoa nghệ thuật khèn Mông" với điểm nhấn là màn đồng diễn nghệ thuật khèn có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên của huyện Mù Cang Chải.
Ngoài hoạt động chính trong lễ khai mạc, huyện Mù Cang Chải sẽ tổ chức các sự kiện phụ trợ như: diễu diễn đường phố; tái hiện không gian văn hóa dân tộc Mông; giao lưu, trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của người Mông; hội thi múa khèn; trải nghiệm giã bánh dày; hoạt động bay dù lượn tại đèo Khau Phạ…Huyện Mù Cang Chải huy động 200 học sinh tham gia vào chương trình văn nghệ; đồng thời, thống nhất với UBND huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn về các nội dung chương trình diễu diễn.
Dân tộc Mông ở Yên Bái chiếm 8,1% dân số toàn tỉnh Yên Bái, cư trú tập trung tại 40 xã thuộc 5 huyện là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và Lục Yên. Khèn Mông là một loại nhạc cụ gắn bó lâu đời với đồng bào Mông. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau như trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, đón khách, trong những ngày lễ truyền thống.
Ngày nay, tiếng Khèn Mông không chỉ là loại nhạc cụ trong gia đình, làng bản mà còn là nét văn hóa hấp dẫn đối với du khách. Sự kiện nghệ thuật khèn của người Mông được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ở có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này.