Hiệu quả từ cải tạo vườn tạp bằng nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia
HuyệnQuản Bạ là cửa ngõ cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, nơi đây có địa hình rộng, người nông dân còn chăn nuôi tự phát, phụ thuộc vào thiên nhiên. Việc sắp xếp, cải tạo vườn cây, chuồng trại chăn nuôi chưa thực sự khoa học dẫn đến lãng phí tài nguyên, hiệu quả kinh tế không cao.
Nghị quyết đại hội XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tỉnh Hà Giang xác định một trong 3 khâu đột phá là tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ngay sau Đại hội, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, tạo sinh kế giảm nghẻo bền vững cho người dân, là một dự án có tầm nhìn xa cùng với mục tiêu cho công tác giảm nghèo bền vững cho các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện nghị quyết, huyện Quản Bạ đã triển khai đề án cải tạo vườn tạp; di dời chuồng trại chăn nuôi; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ôn đới; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu đến toàn thể người dân trên địa bàn. Đã có nhiều mảnh vườn cằn cỗi, bỏ hoang sau khi được sắp xếp, cải tạo đã trở nên xanh tốt, màu mỡ.
Đảng bộ huyện Quản Bạ đã cụ thể hóa nghị quyết của tỉnh bằng việc ban hành Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vềcải tạo vườn tạp, đảm bảo đúng theo định hướng của tỉnh và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Xác định đề án cải tạo vườn tạp là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trong huyện. Do đó, huyện Quản Bạ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy của người dân về sản xuất nông nghiệp và để người dân hiểu được mục đích ý nghĩa của đề án, từ đó thuận tiện hơn trong công tác vận động các gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký tham gia đề án. Khuyến khích các hộ có mức thu nhập trung bình, khá cùng bắt tay triển khai thực hiện, tạo sức lan tỏa.
Từ năm 2021 đến giữa năm 2023, đã có 366 hộ tham gia thực hiện đề án cải tạo vườn tạp, với số vốn giải ngân gần 6 tỷ đồng. Diện tích vườn tạp đã được cải tạo là 75.400m2trồng rau củ các loại; gần 206.000m2 trồng cây ăn quả và cây dược liệu các loại; 6.625m2 sửa chữa, di dời chuồng trại; gần 17.000m2 nuôi trồng thủy sản; huy động gần 2000 ngày công để hỗ trợ các hộ gia đình, kinh phí hỗ trợ sau hơn 2 năm thực hiện hơn 5 tỷ đồng.
Với nhiều cách làm hay và sự bứt phá từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, người dân từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong cải tạo vườn tạp và hưởng ứng mạnh mẽ. Từ đó, đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện, năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Việc liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp có tiến triển tốt, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét.
Như mô hình của gia đình ông Sùng Mí Giàng, thôn Lũng Thàng 1, xã Thái An. Ông đãcải tạo trên 1000m2vườn tạpđể phát triển mô hình kinh tế tổng hợp gồm: Trồng cây ăn quả và chăn nuôi, vườn của ông trồng cây lê, mận, cùng với đó ông thêmnuôi bò, chim bồ câu, gà thả vườn, cải tạo diện tích mặt nước nuôi cá. Do đó, thu nhập từ cây ăn quả, từ gà, bò, cá luôn ổn định trên 130 triệu đồng/năm.
Tại khu vườn mẫu của ông Vừ Mí Hồng thôn Hợp Tiến, xã Lủng Tám, ông đang thực hiện mô hình nuôi ong, kết hợp với trồng cây ăn quả. Được biết trước đây diện tích vườn tạp của ông Hồng thường xuyên bỏ hoang hóa. Tham gia từ chương trình cải tạo vườn tạp, ông Hồng được huyện, xã hướng dẫn với phương châm cầm tay chỉ việc đến nay, 780m2 diện tích vườn được trồng cây ăn quả, vườn rau dinh dưỡng kết hợp chăn nuôi gà và nuôi ong lấy mật đã cho gia đình ông Hồng có thu nhập ổn định 120 triệu đồng/năm.
Ông Hồng tâm sự, vườn được quy hoạch lại nhìn rất đẹp mắt, khi trồng cây tôi cũng không cần phải bón phân nhiều, vì đất rất màu mỡ chỉ cần đào hố cho một phân chuồng và một ít lân vào là cây trồng đã lên xum xuê. Hiện nay, thu nhập từ vườn cũng đủ sinh hoạt cho gia đình.
Còn ông Lù Sen Khón, thôn Tủng Lủng, xã Lủng Tám, cải tạo diện tích vườn tạp với 700m2 sau khi cải tạo ông trồng mỗi năm 2 vụ cà chua, cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi, bình quân mỗi năm cho ông thu nhập 170 triệu đồng,ông Khón phấn đấu năm 2023 sẽ xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Ông Phạm Ngọc Pha, Phó chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết, kết thúc năm 2021: “Chúng tôi triển khai, cải tạo được 214 vườn trong đó 50% là hộ nghèo và hộ cận nghèo, 50% còn lại là hộ khá và hộ giàu. Các hộ này khi triển khai trên địa bàn đã có sự bổ trợ cho nhau rất tốt trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hộ biết thì hướng dẫn cho người không biết, lấy người nông dân hướng dẫn cho người nông dân đấy là quan điểm chỉ đạo của huyện. Một số hộ nghèo sau khi cải tạo vườn tạp đã có thu nhập tốt hơn, cuộc sống cũng được nâng lên”.
Thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Quản Bạ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án cải tạo vườn tạp, chuồng trại chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Đây là nhữngnội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới với mục tiêu bảo đảm vệ sinh môi trường nâng cao đời sống sức khỏe của người dân, phục vụ phát triển du lịch để mỗi thôn bản, mỗi xã của huyện Quản bạ ngày càng thêm sáng, xanh, sạch, đẹp.
Với việc thực hiện hiệu quả nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Huyện Quản Bạ tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Tin rằng, trong thời gian không xa không chỉ có khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu thực hiện điểm mà nội dung này sẽ được thực hiện trên tất cả các thôn, xóm trên địa bàn, góp phần tạo nên một diện mạo tươi mới cho vùng quê nông thôn trong huyện.