Văn hóa

Lan tỏa các giá trị văn hóa dân gian

Minh Hường 11/12/2023 - 15:49

Cùng với những làn điệu dân ca Quan họ, Bắc Ninh còn là mảnh đất lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian đặc sắc như: Ca trù, Tuồng, Chèo, Trống quân… Vào chủ nhật hàng tuần, Trung tâm Văn hóa tỉnh lại vang lên tiếng phách, tiếng đàn, lời ca của lớp truyền dạy hát ca trù. Vốn là loại hình nghệ thuật khó hát và kén người nghe, bởi vậy, dù luyện tập hay biểu diễn, những học viên luôn giữ cho mình sự nghiêm cẩn trong từng nhịp ca, tiếng trống.

Bà Nghiêm Thị Thoa, CLB Ca trù Thượng Thôn, xã Đông Tiến (Yên Phong) chia sẻ: ''Ca trù là bộ môn nghệ thuật mang tính bác học, ca nương vừa hát vừa đánh phách. Càng theo học, tôi càng thấy ham thích và ngấm môn nghệ thuật này bởi ca từ có ý nghĩa sâu xa, nhịp phách rất hay. Tôi tham gia học mấy khóa rồi, ban đầu thì còn mơ màng nay thì thành thạo hơn.

Ca trù có nhiều thể cách khác nhau, thường phải học kiên trì hàng tháng mới thuộc một bài. Để bảo tồn loại hình di sản này, CLB Ca trù Thượng Thôn chúng tôi cũng thu hút được nhiều em trẻ từ Tiểu học đến THPT''.

Năm 2023, Trung tâm Văn hóa tỉnh mở 6 lớp truyền dạy Quan họ, 1 lớp chèo, 1 lớp ca trù, thu hút gần 600 học viên tham gia, ngoài ra còn mời các nghệ sĩ truyền dạy trực tiếp tại cộng đồng thu hút những người yêu thích các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống vừa góp phần thỏa niềm đam mê của nhân dân, vừa nâng cao chất lượng các kỳ liên hoan, hội diễn, phục vụ khách du lịch được tốt hơn.

Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống được thực hiện qua nhiều kênh và bằng nhiều phương thức khác nhau. Tuy nhiên, việc trao truyền là một yếu tố quan trọng vừa phát huy tinh hoa đặc sắc của mỗi loại hình vừa mang đến hiệu quả thiết thực trong việc quảng bá, lan tỏa trong cộng đồng.

398-202312111544251.jpg
Học viên thực hành hát Ca trù tại lễ bế giảng lớp truyền dạy đàn và hát Ca trù.

Nhạc sỹ Ngọc Lương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Trung tâm Văn hóa tỉnh) cho biết: Các lớp truyền dạy nhằm trang bị cho học viên kiến thức và kỹ năng trình diễn nghệ thuật truyền thống, nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của nhân dân các địa phương. Thực hiện chủ trương liên kết giữa nghệ thuật dân gian với phát triển du lịch, đây sẽ là cơ sở để kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng điểm đến, đánh thức nhu cầu thưởng thức các loại hình diễn xướng dân gian truyền thống trong đời sống đương đại.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, tuồng, chèo, ca trù… không chỉ đơn thuần là những môn biểu diễn mà còn gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân Việt, kết tinh những giá trị độc đáo, phản ánh sức sáng tạo dân gian. Tỉnh Bắc Ninh khuyến khích các nghệ nhân, nghệ sĩ, người dân thực hành truyền dạy văn hóa dân gian thông qua tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ dân gian… Đặc biệt, các hội thi, liên hoan dành riêng cho đối tượng thanh, thiếu nhi cũng là điều kiện để các địa phương tích cực triển khai công tác truyền dạy thực hành văn hóa, văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ…
‎Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại một số điểm du lịch phục vụ nhân dân và khách du lịch, Trung tâm Văn hoá tỉnh chú trọng tổ chức giao lưu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở, nghệ sĩ, những người đam mê nghệ thuật dân gian truyền thống. Đó chính là đội ngũ nòng cốt, đưa nghệ thuật dân gian truyền thống đến gần hơn với cộng đồng. Tuy nhiên, các lớp học cần có sự hướng dẫn về phương pháp cũng như chuyên môn để việc truyền dạy đem lại hiệu quả về mặt chất lượng và đảm bảo tính định hướng.

Việc tổ chức các lớp học tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, cũng như tại cộng đồng thực hành di sản thu hút được nhiều học viên, những người đam mê với các loại hình dân gian truyền thống, góp phần cùng với các cấp, ngành và nhân dân chăm lo tốt hơn sự nghiệp gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian một cách bền vững.

Minh Hường