Nghi lễ vòng đời và nghề dệt thổ cẩm người Chăm là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
Tối 10/12, tại TX. Tân Châu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang phối hợp UBND TX. Tân Châu tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” và “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang gồm ba giai đoạn: Nghi lễ trong giai đoạn sinh, Nghi lễ trong giai đoạn trưởng thành, Nghi lễ trong giai đoạn tử. Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam ở An Giang thể hiện vũ trụ quan, nhân sinh quan của các tín đồ Islam giáo, chứa đựng nhiều nét đặc sắc, nhiều dấu ấn Hồi giáo chính thống, đồng thời cũng ít nhiều mang tính bản địa do quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong mối quan hệ cộng cư. Mặc dù vậy, nghi lễ vòng đời của họ vẫn còn giữ lại nhiều giá trị truyền thống độc đáo.
Nhìn nhận một cách đúng đắn, khách quan và khoa học về các giá trị của nghi lễ vòng đời người Chăm Islam An Giang là cơ sở quan trọng để đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo các vấn đề an sinh cho cộng đồng dân tộc.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bà Trần Thị Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã công bố quyết định và trao chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Islam” và “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam, thị xã Tân Chân còn vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh một loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác đó là nghề dệt thủ công truyển thống của đồng bào dân tộc Chăm xã Châu Phong.
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong không chỉ độc đáo ở kỹ thuật, sáng tạo của con người, mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa và lịch sử dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm còn thể hiện rất rõ đặc thù gốc tích nông nghiệp như dụng cụ, nguyên liệu, giá trị sử dụng. Đây là một nghề thủ công truyền thống hết sức độc đáo xuất hiện ở vùng đất An Giang từ những ngày đầu người Chăm đến cư ngụ khoảng những năm đầu của thế kỷ 18.
Đến nay An Giang đã có 7 di sản được công nhận là di sản văn hóa Quốc gia là: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; hội đua bò Bảy Núi; tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc Khmer và lễ hội Kỳ yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn); nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì Kê của người Khmer xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang); nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam (thị xã Tân Châu và huyện An Phú) và nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Với 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, An Giang đã vượt trên con số bình quân về di sản văn hóa cấp quốc gia so với cả nước.