Người nặng lòng với văn hóa Mường
Cùng đồng chí Hà Thị Kim Lưu - Bí thư Chi đoàn xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) chúng tôi đến thăm khu Chiềng, gặp nghệ nhân Sa Thị Tâm - người nặng lòng với văn hóa dân tộc Mường. Bên song cửa bà Tâm vẫn miệt mài sửa soạn những chiếc khăn do chính tay làm để sử dụng cho các buổi truyền dạy về văn hóa Mường cho lớp trẻ trong xã.
Nhà bà Tâm nằm ngay bên trục đường chính nối liền đường ra trung tâm xã, bên dưới là không gian sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, tầng trên được gia đình cải tạo, thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống. Đây cũng là nơi bà lưu giữ, sưu tầm hiện vật mang bản sắc dân tộc Mường; nơi tổ chức dàn dựng, biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ và các hoạt động truyền dạy cách đánh chiêng, hát Ví, Rang, dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.
Bà Tâm hiện là chủ nhiệm hai CLB trong xã gồm: CLB Văn hoá, văn nghệ dân gian và CLB cồng chiêng với khoảng 40 người trong độ tuổi từ 10 đến 70 tuổi hoạt động thường xuyên vào tối thứ bảy hằng tuần. Ngoài việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, bà cùng các thành viên CLB vẫn thường được mời tham gia các hoạt động văn hóa ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bà Tâm chia sẻ: “Có tuổi rồi nên sức khỏe có hạn, những điệu múa cũng không còn dẻo, lời hát không còn trong và vang như lúc còn trẻ nhưng tôi vẫn muốn cố gắng hết mình để trao truyền lại những giá trị văn hóa quý báu của người Mường mà cha ông đã để lại để thể hế trẻ thêm hiểu, trân trọng, gìn giữ và phát huy bản sắc của mình”.
Không chỉ là “kho tàng sống” lưu giữ những bản hòa tấu chiêng cổ, bà Tâm còn là một trong số những nghệ nhân có đóng góp quan trọng trong xây dựng tài liệu phục dựng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Kim Thượng. Dưới đôi bàn tay tài hoa của bà, những họa tiết truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Mường xưa được dệt nổi bật trên những thước vải.
Đồng chí Hà Thị Kim Lưu - Bí thư Chi đoàn xã Kim Thượng chia sẻ: “Từ việc truyền dạy của các nghệ nhân, đặc biệt là người tâm huyết như bà Tâm đã khơi dậy niềm đam mê với văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ chúng tôi, từ đó mỗi đoàn viên thanh niên đều tích cực học hỏi, luyện tập để trở thành lớp thế hệ kế cận, tiếp nối gìn giữ, phát huy “báu vật” của đồng bào Mường”.
Mặc dù, nhiều năm trở lại đây đời sống của nhân dân trong xã có nhiều đổi thay, nhưng việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đưa việc giữ gìn và phát huy văn hóa DTTS vào Nghị quyết Đảng bộ xã; thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các khu dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các CLB văn hóa văn nghệ dân gian. Nhờ có những người tâm huyết, nặng lòng với văn hóa như bà Tâm và các thành viên trong câu lạc bộ đã góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị, ý nghĩa văn hóa dân gian tại địa phương.