Xây dựng câu chuyện cho sản phẩm du lịch
Sản phẩm du lịch (DL) là yếu tố làm nên sự khác biệt, được mỗi địa phương dần hoạch định và xây dựng những sản phẩm bản địa riêng. Trong đó, phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt… là những tài nguyên rất độc đáo cần được khai thác tốt, để các hãng lữ hành và du khách có thêm lựa chọn cho mỗi chuyến đi, trả lời cho lý do tại sao đến điểm này mà không phải là điểm khác.
UBND TX. Tân Châu, tỉnh An Giang vừa tổ chức tour thử nghiệm famtrip DL cộng đồng Chăm ở xã Châu Phong. Người trải nghiệm là các đại diện sở, ngành, các công ty DL, chính quyền địa phương. Từ dịch vụ tự phát do người dân tổ chức trong vài năm nay, UBND TX. Tân Châu thấy được nhu cầu của du khách và tiềm năng khai thác văn hóa, bản sắc độc đáo trong ẩm thực, sinh hoạt, tín ngưỡng… để phát triển DL, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm. Tour trải nghiệm lắng nghe ý kiến đóng góp của các du khách đặc biệt để xây dựng chương trình bài bản cho những lần tổ chức tiếp theo.
Đại diện một công ty DL cho biết, họ ấn tượng vì đây là lần đầu tiên trải nghiệm DL cộng đồng ở làng Chăm. Đặc biệt ở mỗi điểm tham quan, người hướng dẫn là con em của đồng bào DTTS Chăm, giáo cả, nghệ nhân trực tiếp tham gia thuyết minh. Trong đó, ấn tượng là những câu chuyện được xây dựng riêng cho mỗi sản phẩm. Chẳng hạn, bánh bò nướng của nghệ nhân Rophy Á gắn liền với nếp sống từ xưa của đồng bào DTTS Chăm, vốn là bữa điểm tâm để đáp ứng nhu cầu lao động sản xuất, nay trở thành món ăn chơi hàng ngày, chế biến độc đáo.
Món tung lò mò (lạp xưởng bò) ở cơ sở Anas là sản phẩm nâng tầm nét ẩm thực văn hóa của đồng bào DTTS Chăm, vừa duy trì theo công thức truyền thống, vừa công nghệ hóa khâu sản xuất để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Tung lò mò ra đời từ ngày Tết Roya Haji, mỗi nhà đều được chia thịt bò khá nhiều, để bảo quản thực phẩm tốt hơn họ nghĩ ra cách làm tung lò mò treo trên đầu cà ràng…
“DL đang phát triển nhiều loại hình, để tạo điểm nhấn riêng, cần có “câu chuyện” đi kèm. Nhu cầu của du khách bây giờ không chỉ là con người mặc đẹp như thế nào, món ăn hấp dẫn ra sao mà cần phải giới thiệu được những tập tục, văn hóa lâu đời hình thành nên những nét đặc sắc riêng biệt đó.
Đặc biệt, câu chuyện phía sau mỗi sản phẩm sẽ giúp các địa phương tổ chức DL tránh đi vào lối mòn chỉ đón khách về “cưỡi ngựa xem hoa”, trải nghiệm hời hợt ở mức độ vừa đủ để biết mà không có nhiều thông tin đọng lại sâu sắc” - lãnh đạo một công ty DL chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện các sở, ngành, địa phương tham gia tour rất tâm đắc và chú trọng cách đồng bào DTTS Chăm đưa sản phẩm của họ đến với du khách bằng những lời kể mộc mạc. Có thể thấy, sau thời gian chững lại do dịch bệnh, sản phẩm DL cần đáp ứng xu hướng của du khách, hướng đến những điểm xanh, an toàn, dịch vụ trực tuyến; tăng lên về nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, sinh thái… và vẫn giữ yếu tố độc đáo, hấp dẫn. “Câu chuyện” trong từng sản phẩm DL sẽ tạo nên sự khác biệt, đặc sắc để gia tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường.
Phát triển DL gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là chủ trương từ lâu đã được Đảng, Nhà nước xác định. An Giang đã có định hướng xây dựng sản phẩm riêng biệt trên cơ sở khai thác những sản phẩm DL truyền thống về tâm linh, văn hóa, sinh thái. Tỉnh đang làm mới sản phẩm bằng định hướng ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển DL.
Theo đó, đã có nhiều mô hình DL được hình thành ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên… Tỉnh đang tiếp tục xây dựng thêm các sản phẩm khai thác gắn với các hoạt động văn hóa, như: Khôi phục nghệ thuật dì kê của đồng bào DTTS Khmer, nghi lễ cưới của đồng bào DTTS Chăm… Các địa phương khai thác phát triển DL đường sông trên địa bàn tỉnh, nhằm thu hút du khách bằng các sản phẩm DL chất lượng cao từ các loại hình DL sông nước.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Đào Sĩ Tuấn, khai thác tiềm năng từ yếu tố văn hóa - lịch sử địa phương được xem là giải pháp quan trọng để phát triển DL ở vùng đầu nguồn Tân Châu. Một chuyến DL chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ và không thể tổ chức đơn lẻ, thay vào đó phải kết nối các tour khác, có điểm đến cụ thể để "kéo" khách từ nơi này sang nơi khác. Do đó, cần sắp xếp cho thuận tuyến với các điểm lân cận. Xu hướng này rất phù hợp với mục tiêu của UBND tỉnh đã xác định trong giai đoạn 2021 - 2025 là “giữ chân du khách”, quyết tâm nâng chất các loại hình dịch vụ DL để đón 42 triệu lượt khách đến An Giang.
Du khách hiện nay không chỉ chọn một điểm đến vì khung cảnh đẹp thơ mộng, ấn tượng, mà họ mong muốn biết nhiều hơn về văn hóa, truyền thống. Hòa vào nhịp phát triển chung của thời đại, các làng Chăm đang “mở cửa” để làm DL. Mỗi câu chuyện sẽ là một nét đẹp riêng để chạm đến tình cảm của người phương xa, giúp DL địa phương thêm thân thiện, mến khách.