Bản sắc văn hóa

Hà Giang rực rỡ trong mùa hoa tam giác mạch

Hà Anh 11/12/2023 - 09:33

Đến Hà Giang vào mùa này, du khách sẽ thấy khắp các thung lũng được phủ bằng sắc hồng rực rỡ của những bông hoa tam giác mạch.

Tam giác mạch hay kiều mạch, lúa mạch đen được trồng ở ở nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, với tỉnh Hà Giang, loài hoa này như một đặc sản của mảnh đất địa đầu Tổ quốc, trở thành nguồn cảm hứng cho chúng tôi trên hành trình đặt chân tới đây.

ha-giang-dep-la-thuong-trong-mua-hoa-tam-giac-mach-20231208142755.jpg
Khách du lịch check in cùng hoa tam giác mạch ở Hà Giang. (Ảnh: Hà Anh)

Chúng tôi may mắn nếu có cơ hội đến Hà Giang vào tháng 11 - thời điểm những bông hoa tam giác mạch nở rộ nhất ở các vùng đồi núi Hà Giang.

Lướt qua khắp các địa danh như Ma Lé, Phố Cáo, Sủng Là, cột cờ Lũng Cú… đều thấy hiện diện sắc màu thuần khiết của hoa trên những sườn đồi, đường đi, ở chân núi, trên đèo và cả những vách đá đầy chông gai.

Có rất nhiều vườn hoa tam giác mạch đẹp ở Hà Giang, nhưng địa danh chúng tôi yêu thích nhất vẫn là Làng văn hoá du lịch Lũng Cẩm, tại xã Sủng Là, nằm ở vùng thung lũng của cao nguyên đá Đồng Văn.

Làng là nơi ở của khoảng 70 hộ, chủ yếu là dân tộc Mông, Lô Lô và Hoa, được nhiều người biết đến bởi từng được chọn làm bối cảnh của bộ phim truyện nhựa “Chuyện của Pao”.

Ở đây, ngoài việc được tận mắt nhìn ngắm sắc hoa phủ kín cả ngọn đồi rộng lớn, du khách còn được tham quan những ngôi nhà cổ mang kiến trúc truyền thống cùng những sinh hoạt đời thường của người Mông.

Trong đó, "nhà của Pao" được xây dựng năm 1947, là nhà trình tường phổ biến ở vùng cao nguyên đá, khép kín bốn hướng, chính giữa là sân trời. Khoảng sân trước nhà cũng lát đá, xung quanh trồng mận, mơ, đào... những loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên đá.

Một địa điểm lý tưởng khác để ngắm hoa tam giác mạch nữa là thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn. Nơi mang đầy nét bí hiểm của ngôi nhà âm dương mang dấu ấn đặc trưng của người Hoa và nổi tiếng với những vườn hoa hồng trải dài với vẻ đẹp đơn sơ mà hoang dã của núi rừng Tây Bắc.

Về Hà Giang, chúng tôi cũng được tìm hiểu về nguồn gốc của loài hoa với sức sống mãnh liệt này. Theo sự tích người dân kể lại thì nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày hạt lúa và hạt ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi.

Khi cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, người dân lấy hạt về làm lương thực để sống qua ngày. Vào một năm nọ, lúa và ngô trong nhà dân đã cạn khi chưa kịp sang vụ mới, nhiều người đã phải đi tìm kiếm một nguồn lương thực mới.

Sau một thời gian dài kiếm tìm, họ phát hiện ra một mùi thơm kỳ lạ ở khe núi, đó chính là mùi thơm của loài hoa tím phớt e ấp dưới những chiếc lá tam giác xanh mơn mởn.

Họ đã lấy hạt hoa này về làm lương thực và ăn thơm ngon không kém gì ngô thóc. Cũng từ đó, cái tên tam giác mạch ra đời với ý nghĩa loài cây được nảy lên từ mày lúa, mày ngô và có lá hình tam giác.

capture.png
Cánh đồng hoa tam giác mạch ở Làng văn hoá du lịch Lũng Cẩm. (Ảnh: Hà Anh)

Không chỉ cho Hà Giang vẻ đẹp từ những cách đồng hoa lung linh, cây tam giác mạch còn được sử dụng vào rất nhiều mục đích hữu ích khác.

Trước khi trổ những bông hoa xinh đẹp, cây tam giác mạch non thường được người dân hái về và sử dụng như một loại rau thực phẩm. Rau tam giác mạch có vị hơi ngai ngái, nhưng ăn xong thì lại ngọt và thơm.

Thân và lá tam giác mạch nếu được sắc lên sẽ trở thành vị thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa như đi ngoài, đầy bụng, viêm, đau dạ dày, táo bón, hạ huyết áp, hạ mỡ máu và đường máu.

Hà Giang cũng phổ biến với món bánh tam giác mạch. Bánh có bề ngoài giống chiếc bánh giày cỡ lớn của người miền xuôi nhưng lại mang màu nâu đặc trưng của hạt tam giác mạch. Khi ăn, bánh có vị ngọt đậm đà, dẻo và bùi cùng mùi thơm khá đặc biệt.

Ngoài làm bánh, hạt tam giác mạch còn được xay ra để nấu cháo. Vào những ngày đông giá lạnh, một bát cháo tam giác mạch thơm ngon nóng hổi sẽ khiến chiếc dạ dày của bạn được vỗ về ấm áp.

Còn một cách chế biến khá độc đáo nữa đó là rang ngay hạt tam giác mạch trên bếp lửa hồng rồi thưởng thức, giống như cách bạn thưởng thức hạt đỗ tương rang vậy; hoặc xay mịn hạt, trộn với sữa chua hay sữa tươi không đường thành một hỗn hợp giúp làn da trắng sáng và mịn màng.

Nói đến ẩm thực vùng cao, rượu tam giác mạch cũng là một loại rượu quý, vô cùng thơm ngon.Không phải được nấu hoàn toàn từ hạt tam giác mạch, rượu được trộn với ngô theo tỷ lệ 1:2, sau đó người ta sẽ mang hai loại hạt này đi ủ với một loại men đặc biệt rồi đem nấu để cho ra loại rượu tam giác mạch thơm ngon này.

ha-giang-dep-la-thuong-trong-mua-hoa-tam-giac-mach-20231208142717.jpg
Cây tam giác mạch còn mang lại nhiều công dụng hữu ích khác. (Ảnh: Hà Anh)

Rượu tam giác mạch uống rất êm, không cay nồng như rượu gạo, không ngọt và êm như rượu cần mà nó là sự hòa trộn hương vị giữa hai loại rượu ấy. Đây cũng là đồ uống được chúng tôi lựa chọn thưởng thức khi tham quan phố cổ Đồng Văn về đêm.

Tam giác mạch (tiếng Anh là buckwheat) là loại cây này thuộc họ đậu (Fabaceae), cánh hoa chụm lại với nhau thành hình chóp, ở giữa là hạt mạch.

Màu sắc của hoa tam giác mạch thay đổi theo từng giai đoạn. Khi mới nở hoa mang màu trắng tinh khôi, rồi chuyển sang hồng nhạt, hồng ánh tím rồi đỏ sẫm cuối cùng chuyển sang đen khi tàn.

Hà Anh