Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn hết sức quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó đặc biệt quan tâm đối với giáo dục và đào tạo ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách, trọng tâm là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo dấu ấn quan trọng
Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển.
Nghị quyết tạo dấu ấn quan trọng trong việc đổi mới toàn bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS, MN, phải kể đến Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”. Đây được xem là Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện đối với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 22 thì các nhiệm vụ đổi mới phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số được đề ra rõ nét.
Cụ thể như đổi mới chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chế độ đãi ngộ cán bộ miền núi. Tăng thêm vốn đầu tư cho việc xây dựng các trường, lớp, đào tạo giáo viên phổ thông, bảo đảm đủ giáo viên và chỗ học cho con em các dân tộc. Tổ chức lại hệ thống trường phổ thông cơ sở, trước hết là ở những xã vùng cao, kể cả các lớp dân lập ở thôn, bản hoặc liên gia đình;
Phấn đấu phổ cập cấp I cho lứa tuổi thanh thiếu niên theo chương trình phù hợp; miễn học phí cho học sinh là con em các dân tộc miền núi và con em các gia đình miền xuôi lên lập nghiệp ở miền núi mà có nhiều khó khăn. Chú ý giải quyết tốt nhu cầu của một số dân tộc về học chữ dân tộc mình xen kẽ với học chữ phổ thông.
Đối với đồng bào có nhu cầu học chữ dân tộc, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc học tập của đồng bào đạt hiệu quả thiết thực; Xem xét lại hệ thống giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội miền núi nói chung, từng vùng nói riêng. Trước hết, mở rộng và củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường vừa học vừa làm, các trung tâm dạy nghề, các lớp dự bị cho con em các dân tộc miền núi, chuẩn bị vào các trường đại học và chuyên nghiệp đối với một số ngành nghề cần thiết.
Đồng thời có chính sách ưu đãi trong tuyển sinh và học bổng, đặc biệt là đối với con em các dân tộc vùng cao. Thực hiện nguyên tắc ưu tiên đào tạo cán bộ dân tộc, cán bộ công tác ở miền núi, học xong trở về địa phương phục vụ đồng bào các dân tộc.
Trên cơ sở Nghị quyết 22, ngày 13/3/1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 72-HĐBT “Về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi”.
Cụ thể, Nhà nước dành ưu tiên về vốn đầu tư cho việc xây dựng trường lớp, cung cấp thiết bị trường học, đào tạo giáo viên, bảo đảm yêu cầu phát triển giáo dục cho con em đồng bào dân tộc.
Đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nhấn mạnh, cần “ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…”.
Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/10/2015, của Chính phủ, “Về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021” xác định “trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được giảm học phí 70%”.
Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016, của Chính phủ, “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông xã, thôn đặc biệt khó khăn” và Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9/5/2017, của Chính phủ, “Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên, các DTTS rất ít người” đã quy định cụ thể mức hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở từng cấp học…
Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 khẳng định cần “đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục - đào tạo… Tiến tới phổ cập trung học phổ thông gắn với phân luồng trong giáo dục. Giảm tỷ lệ mù chữ, bỏ học ở miền núi”
Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN đã có những chuyển biến đáng kể.
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Với những chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS để đáp ứng nhu cầu nhân lực, thu hẹp khoảng cách, phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã gặt hái được những kết quả khả quan.
Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh (HS) đến trường tăng cao, HS lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS và THPT hằng năm tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.
Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...
Kết quả, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng; chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi từng bước được nâng lên. Năm 2011, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 92,15% thì đến năm 2019 đã tăng lên 98,13%; tương ứng, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được công nhận hoàn thành chương trình cấp tiểu học tăng từ 83,41% lên 96,66% .
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và tốt nghiệp trung học phổ thông của các trường phổ thông dân tộc nội trú tương ứng đạt 97% và 90%. Song song với đó, công tác chăm lo phát triển nguồn nhân lực DTTS chất lượng cao được chú trọng, số lượng học sinh là người DTTS đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia chiếm tỷ lệ cao.
Hiện nay cả nước có 4 trường dự bị đại học dân tộc là Trường dự bị Đại học Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Dự bị Đại học dân tộc Trung ương Việt Trì – Phú Thọ; Trường Dự bị Đại học dân tộc Sầm Sơn và Trường Dự bị Đại học dân tộc Nha Trang.
Việc thực hiện chính sách giáo dục đặc thù cho các DTTS ít người đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2022, đã có 104.219 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên của 16 DTTS có dân số dưới 10.000 được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9-5-2017 của Chính phủ.
Những chính sách trên đã tạo tiền đề, là cơ sở quan trọng để nâng bước trẻ em vùng DTTS đến trường; gỡ bỏ phần nào gánh nặng về kinh tế cho các hộ dân, tạo cơ hội cho các em được đi học.
Những bất cập và định hướng phát triển giáo dục vùng DTTS, MN
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN còn một số hạn chế. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng DTTS, MN.
Chất lượng giáo dục đào tạo ở vùng DTTS, MN nhìn chung còn thấp so với yêu cầu. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhiều nơi còn bất cập, năng lực sư phạm, khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục của một bộ phận giáo viên còn hạn chế. Chính sách cho người dạy, người học ở vùng DTTS, MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn một số bất cập,…
Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng DTTS, NM, cần có những định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Cụ thể, hoàn thiện cơ cấu hệ thống và mạng lưới cơ sở giáo dục, đa dạng hoá hình thức tổ chức dạy học. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện linh hoạt các chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện học tập của người học; gắn giáo dục với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, đặc điểm văn hoá của địa phương. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lí về cơ cấu.
Thực hiện đầy đủ chính sách cho người dạy và người học. Tăng cường đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất cho giáo dục dân tộc. Thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục.
Về mục tiêu giáo dục dân tộc - Định hướng đến năm 2025: Phổ cập giáo dục tiểu học: Tỷ lệ trẻ em nhập học đúng độ tuổi cấp tiểu học của từng DTTS trên 97%; Tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học của từng DTTS trên 97%. Duy trì ổn định chất lượng phổ cập giáo dục.
Về xóa mù chữ đối với các DTTS: Tỷ lệ người từ 15 tuổi đến 60 tuổi biết chữ của từng DTTS trên 98%. Đảm bảo xóa mù chữ bền vững.
Tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các DTTS: Tỷ lệ mù chữ của phụ nữ của từng DTTS dưới 10%; Tỷ lệ học sinh nữ DTTS (trong tổng số học sinh DTTS) ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt 50%; Phấn đấu bình quân các chỉ tiêu tăng hoặc giảm từ 0,5 đến 1%/năm.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng tuổi gần với mức bình quân của cả nước ở tất cả các cấp học.
Số sinh viên người DTTS (đại học, cao đẳng) đạt từ 200 - 250 sinh viên/vạn dân; Đào tạo sau đại học cho người DTTS, phấn đấu đến năm 2030 là 0,7% trong tổng số lao động DTTS đã qua đào tạo, ưu tiên các dân tộc chưa có người ở trình độ sau đại học.
Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 đạt trên 50%, nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp đạt tối thiểu trên 45%.
Để đạt được các mục tiêu trên, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp như Tiếp tục chỉ đạo rà soát, quy hoạch hệ thống mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của vùng DTTS, miền núi. Củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT theo hướng trường chuẩn quốc gia. Mở rộng các trường PTDTBT ở các huyện nghèo. Củng cố, mở rộng các trường (khoa) dự bị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh DTTS.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của các trường chuyên biệt. Thực hiện linh hoạt các chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện học tập của người học; gắn giáo dục với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, đặc điểm văn hoá của địa phương; Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, CBQLGD đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lí về cơ cấu, tăng cường giáo viên là người DTTS...