Phát huy hiệu quả Tổ truyền thông cộng đồng
Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã thành lập và duy trì hoạt động các Tổ truyền thông cộng đồng.
Tuy mới đi vào hoạt động, song, các Tổ luôn cố gắng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chắt lọc hình thức phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân; qua đó, bước đầu thu được những kết quả tích cực.
Xã Trường Sơn có 4 thôn và 15 bản, có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống là dân tộc Kinh và dân tộc Bru – Vân Kiều. Trong đó, đồng bào Bru – Vân Kiều chiếm hơn 60%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, bà con ở nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi.
Năm 2022, xã Trường Sơn được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm đầu tiên trong cả nước triển khai Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) về xây dựng và vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng".
Dự án nêu trên nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, hỗ trợ chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những Tổ truyền thông cộng đồng hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Phụ nữ đồng bào dần cởi bỏ những rào cản, định kiến để có cuộc sống tốt hơn. Tình trạng tảo hôn ở địa phương cũng giảm dần trong 3 năm qua. Năm 2021 có 10 trường hợp tảo hôn, năm 2022 giảm xuống còn 8. Từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận 5 trường hợp tảo hôn. Còn hôn nhân cận huyết trong 5 năm gần đây không có.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho biết, các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, bà con dân tộc Bru-Vân Kiều đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức, như: Luật Bình đẳng giới; khuôn mẫu giới trong việc nhà; phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Sau khi thành lập các địa chỉ tin cậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực truyền thông, giới thiệu cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng nắm vững thông tin, kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình. Nhờ việc tuyên truyền tích cực, mưa dầm thấm lâu, phụ nữ Vân Kiều ở Trường Sơn không còn bó buộc trong những hủ tục lạc hậu. Chị em được "giải phóng" khỏi những khắt khe của tục lệ và được giao lưu với nhau, hội họp ca hát trong những dịp lễ hội.
Chị Hồ Thị Mai, Chi Hội trưởng phụ nữ bản Đá Chát, xã Trường Sơn cho biết, trước kia, để thuyết phục chồng cho chị tham gia các hoạt động xã hội là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên, từ khi có các hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng, chồng chị có nhiều thay đổi rõ rệt trong tư tưởng và hành động. Anh đã biết chia sẻ công việc gia đình để chị có thêm thời gian làm các công tác xã hội ở bản.
Không chỉ chị Mai mà nhiều phụ nữ khác ở xã Trường Sơn cũng chia sẻ, sau khi tham gia các buổi truyền thông của Tổ truyền thông cộng đồng tại bản, nhiều người chồng đã có sự thay đổi, biết san sẻ công việc lâu nay tưởng chừng như chỉ gắn liền với phụ nữ. Nhiều thói quen cổ hủ dần được xóa bỏ, mang lại sự bình yên cho gia đình và bản làng.
Bà Châu Thị Định, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Quảng Bình hiện có 42 Tổ truyền thông cộng đồng, 6 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi và 19 địa chỉ tin cậy. Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Bình chú trọng công tác tuyên truyền về Dự án 8 trên các nhóm Zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên trên địa bàn.
Hội đã tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội cấp xã và cốt cán các thôn, bản ở địa bàn thực hiện các nội dung trong Dự án 8 như: việc hỗ trợ sinh kế, tổ vay vốn tiết kiệm phụ nữ thôn, hỗ trợ bà mẹ sinh đẻ an toàn. Việc tổ chức các mô hình cần đi đôi với quan tâm hỗ trợ kinh phí hợp lý để duy trì hoạt động qua từng năm và suốt cả giai đoạn.
Tin tưởng kiến thức, nhận thức sẽ giúp thay đổi cuộc sống, đồng bào DTTS xã Trường Sơn, trong đó có chị em phụ nữ và trẻ em, đã và đang nỗ lực tạo dựng tương lai cho chính mình, thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ những việc nhỏ trong gia đình. Sự đổi thay này là tiền đề quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Trường Sơn nói riêng, toàn tỉnh Quảng Bình nói chung.