Kinh tế

Khởi sắc vùng dân tộc miền núi huyện Quốc Oai sau 15 năm hợp nhất

Phương Nga 10/12/2023 - 15:47

Sau 15 năm về Thủ đô, tình hình kinh tế - xã hội của các xã dân tộc miền núi của huyện Quốc Oai đã đạt được những thành tựu đáng kể, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, diện mạo các làng quê khởi sắc.

Nhận sự quan tâm, đầu tư lớn

Kể từ ngày 1/8/2008, 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) là Đông Xuân, Phú Mãn đã trở thành một phần của huyện Quốc Oai, Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII. Từ những xã miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với chủ trương đúng đắn, hợp ý dân, đời sống của người dân nơi đây đã từng bước “thay da, đổi thịt”, trở thành điểm sáng trong bức tranh đổi mới của nông thôn Thủ đô.

Có dịp đến với xã vùng núi Đông Xuân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo mới ở nơi này. 15 năm sau hợp nhất về Hà Nội, Đông Xuân đã đổi thay diệu kỳ. Những con đường hoa khang trang trải nhựa kiên cố, nhiều mô hình kinh tế xanh được hình thành, đời sống của người dân được nâng cao.

293984487-446587027475571-8306659770773957203-n.jpg
Biểu diễn cồng chiêng tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai.

Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Tiến Linh cho biết, trong những năm qua, địa phương nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ Đảng, Nhà nước, Thành phố, cũng như huyện. Hệ thống hạ tầng trên địa bàn xã Đông Xuân được đầu tư đồng bộ, khang trang. Trong đó, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương, giao thông nội đồng được cứng hóa, đã góp phần tạo thuận lợi cho Nhân dân sản xuất nông nghiệp. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh như điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học... được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn đời sống Nhân dân.

Thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án, đề án, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các chương trình, chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, cấp uỷ, chính quyền huyện Quốc Oai đã cụ thể hoá các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, tổng số các dự án đã đầu tư trong vùng dân tộc miều núi của 2 xã Đông Xuân, Phú Mãn giai đoạn từ năm 2014-2019 là 34 dự án, tổng mức đầu tư là 404.838 triệu đồng. Từ năm 2010 đến năm 2018, UBND huyện đã hỗ trợ cho 958 hộ nghèo với 3.536 nhân khẩu, kinh phí 390,96 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các xã miền núi cũng nhận được quan tâm đầu tư lớn để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ năm 2014 đến 2022, huyện Quốc Oai đã thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường, chuyên mục văn hóa Cồng chiêng và chuyên mục trang phục dân tộc. Các xã Đông Xuân, Phú Mãn đã thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng; tổ chức thi nét đẹp bản mường...

Đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao

Có thể nói, sự thay đổi cả về đời sống, vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực miền núi đã khẳng định Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII là chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử. Từ kết quả đầu tư hạ tầng cơ sở, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi huyện Quốc Oai đã có nhiều khởi sắc, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã...

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, thông qua việc thực hiện các chế độ chính sách cho người có uy tín đã góp phần động viên, khuyến khích người có uy tín phát huy mọi khả năng trong việc vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số trong cộng đồng thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành đúng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn; công tác an sinh xã hội được chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện có hiệu quả; hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; nhận thức, đạo đức, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã có những chuyển biến quan trọng, nhiều nét đẹp trong đạo đức, giá trị văn hóa cộng đồng được giữ gìn, phát huy.

Các chương trình chính sách đối với đồng bào dân tộc và miền núi đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương, giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng… góp phần tạo thuận lợi cho nhân dân sản xuất nông nghiệp. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh như điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân; đã góp phần vào việc thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo điều kiện cho sự phát triển về kinh tế - xã hội; nhờ đó, bộ mặt vùng dân tộc và miền núi đã có nhiều đổi thay...

Đến nay, 90% diện tích lúa nước được tưới bằng hệ thống thủy lợi; 100% số thôn đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 90% đường liên thôn, đường trục chính của thôn, đường ngõ xóm đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 100 % số hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% thôn được công nhận “Làng văn hóa”, trên 97% số hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện cơ bản được giữ vững đảm bảo, ổn định; thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đối với đồng bào dân tộc; đấu tranh xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, kiên quyết ngăn chặn việc lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng để hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phương Nga