Văn hóa

Then Kin Pang - Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái đen

Thanh Hải - P.Minh 10/12/2023 - 10:13

Lễ hội Then Kin Pang của người Thái đen tỉnh Lai Châu là một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của người dân bản địa, nhằm tri ân Then (thần trên trời) đã ban cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Theo quan niệm của người Thái, Then có nghĩa là “tiên”, “người trời”; “Kin” có nghĩa là ăn, ăn mừng; “Pang là lễ, người dự lễ”. Để tưởng nhớ và cảm tạ công ơn của Then, hằng năm, cứ vào dịp đầu tháng 3 âm lịch, đồng bào Thái đen ở Lai Châu lại tổ chức lễ hội mừng Then, mời Then xuống trần vui hội cùng dân bản.
Lễ Then Kin Pang - một hình thức tâm linh diễn xướng để tạ ơn thần linh và âm binh đã phù trợ con người có được cuộc sống bình yên, khỏe mạnh. Lễ hội có nhiều nghi lễ, trò diễn, điệu múa thiêng, phản ánh những quan niệm tín ngưỡng và tư duy sáng tạo phong phú của người Thái đen.

z4911100724607_76aff67005efd4fff3578a845cb679aa.jpg
Phần lễ thực hiện các nghi lễ cúng Then “Thỉnh đoàn quân mo”, “Thỉnh thần linh bản mường”, “Điểm Mâm”, “Dâng rượu cần”...

Đồng bào Thái quan niệm Mường trời có các đấng thần linh cai quản. Con người dưới trần gian chịu sự chi phối của trời và các đấng thần linh. Người nhà trời, thông qua người đại diện là Then sẽ xuống trần gian gặp gỡ dân bản, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng yên vui. Then cũng là người đại diện cho hạ giới giãi bày tâm tư, nguyện vọng của muôn dân với trời và các đấng thần linh.

Lễ hội Kin Pang gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ thực hiện các nghi lễ cúng Then như: nghi lễ “Thỉnh đoàn quân mo”, “Thỉnh thần linh bản mường”, “Điểm mâm”, “Dâng rượu cần”, “Điểm con nuôi”, “Hạ sặng pang”.

z4911100737505_ec172ae312bde9f65c9fc81d423da853.jpg
Cúng vật do dân bản cùng đóng góp.

Các lễ thức thực hiện chủ yếu do người làm mo Then đảm nhiệm. Trước và trong những ngày làm lễ Then Kin Pang, người làm Then tránh trùng với ngày mất của cha mẹ đẻ, kiêng sinh hoạt vợ chồng, kiêng ăn thịt lợn trắng, trâu trắng, cá da trơn, lươn, tôm, không ăn, uống đồ thừa, không đi qua dây phơi, máng nước.

Theo tục lệ của người Thái, ngày thầy mo Then làm lễ, các con nuôi của Then từ khắp các bản gần mường xa đều đến, mỗi người mang một lễ vật để phụ giúp thầy cúng. Đó có lẽ cũng là phần vui nhất, ý nghĩa nhất của một ngày lễ lớn như Then Kin Pang.

Mở màn cho lễ hội Kin Pang là nghi lễ "Thỉnh đoàn quân mo.". Tiếp theo là nghi lễ "Thỉnh thần linh bản mường," thầy mo kính cẩn thỉnh linh hồn các kiếp đời Phìa, quan tạo mường, tạo bản về thụ hưởng lễ vật và phù hộ cho dân bản, dân mường. Khi âm binh và các quan tạo đã về đông đủ, thầy mo hành lễ "điểm mâm".

z4911100728918_2bae219e6cc3e4accf72527669b427f9.jpg
z4911100746155_0b21d942b067798bb1783d9f30c32a4a.jpg
Thầy mo và các thầy cúng trong bản cùng làm lễ.

Sau lễ cúng, thầy cúng dâng gà tạ ơn Then trên một bàn thờ nhỏ, treo đầy những dây hoa được làm bằng vải màu mà người Thái gọi là hoông may. Đây là nơi trú ngụ của Then, các quan mường trời và linh hồn các con nuôi khi được thầy mo thính về. Mời Then, thần nước, thần đất, thần mưa, thần nắng, những vị thần cai quản trần gian về thụ lộc, ban phúc.

Sau đó, thầy mo hát "dâng rượu cần" rồi cùng các "xảo chìa pô" (những cô gái chưa chồng, xinh đẹp) múa quanh cây hoa để hầu rượu thần linh. Thầy mo múa quạt đi trước, các cô gái múa khăn theo sau. Tiếp đến là nghi lễ "Điểm con nuôi."

imgl7186.jpg
Nghi lễ “Điểm con nuôi” cầu xin phù hộ cho họ có sức khỏe, cuộc sống bình yên, no đủ.

Trước đàn lễ, thầy mo điểm danh các con nuôi và xin thần linh phù hộ cho họ có sức khỏe dồi dào, cuộc sống bình yên, no đủ.

Để có một ngày hội tưng bừng, làm vui lòng Then, người Thái dựng một cây nêu và trang trí đẹp mắt bằng những đồ vật mà Then và các thần yêu thích.

Cây nêu được làm từ 1 cây chuối rừng và 2 cây cau rừng ghép lại. Trên đó trang trí hoa chuối, hoa quả tươi, hoa bằng chỉ màu, côn trùng bằng giấy tượng trưng cho những món đồ yêu thích của các linh hồn, loài thú rừng đến hưởng lộc và hai quả trứng nhuộm là đồ chơi yêu thích của thần mưa, thần nắng.

imgl7212.jpg
Trong lễ hội Then Kin Pang, các điệu múa, trò diễn tạo nên tính hấp dẫn, vui nhộn như điệu múa "Tăng bẳng" gọi mưa về tưới mát nhân gian, cho cây cối tốt tươi nhà nhà no đủ.

Cây nêu được chọn phải có gốc, thân thẳng đẹp, không cụt ngọn, lá xanh tươi. Khi chọn được cây nêu, người làm Then phải khấn xin phép thần núi, thần cây cho rước cây về làm lễ. Cây nêu là trung tâm của nghi lễ, gốc dựng 6 khúc thân chuối tượng trưng cho đàn trâu. Cây nêu được quét nước vôi vào thân, cành… Hàm ý giữ hồn những người tham gia lễ khỏi ham lên cõi Then chơi mà lạc lối không về trần gian được.

Sau khi xong phần lễ, thầy mo chuyển sang phần hội với các điệu múa, trò diễn tạo nên tính hấp dẫn, vui nhộn và độc đáo cho lễ hội. Mở đầu là điệu múa "Tăng pẳng." Các con nuôi mỗi người một ống tre đứng thành hai hàng, mặt đối mặt, cùng nhau nện ống tre xuống sàn gỗ tạo âm thanh vang vọng giữa đại ngàn. Âm thanh ấy được người Thái coi là tiếng sấm, gọi mưa về tưới mát nhân gian, cho cây cối tốt tươi, nhà nhà no đủ.

z4911100738818_0c665c7d0d5ba275b13bd2f42240ef6c.jpg
Khăn piêu, áo cóm, điệu xòe là đặc trưng văn hóa của người Thái đen. Trong nhịp trống chiêng, mọi người cùng nắm tay vui điệu Xòe.

Kết thúc phần hội là điệu múa sinh thực khí, tiếng Thái gọi là "Xe quây luông." Sau các điệu múa và trò diễn, thầy mo cùng các con nuôi dùng vải thổ cẩm quấn quanh cây "sặng pang" (cây nêu) và hạ cây "sặng pang" xuống.

Lễ hội Kin Pang không chỉ mang giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng mà còn ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Thái đen như: nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật trang trí, sân khấu dân gian, văn hóa nghệ thuật cổ truyền. Riêng văn hóa nghệ thuật cổ truyền có các điệu múa, trò diễn phồn thực, trò chơi dân gian…

Thanh Hải - P.Minh