Lễ hội Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm ở Kon Tum
Lễ hội Mở cửa kho lúa là nghi thức văn hóa dân gian tiêu biểu của đồng bào Rơ Măm có giá trị văn hóa đặc sắc và mang tính nhân văn cao; thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên, thần linh và con người; bày tỏ tri ân của con người với vật hiến sinh, thần linh.
Đồng bào Rơ Măm sinh sống ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, là một trong năm dân tộc ít người nhất cả nước, với 178 hộ và 526 khẩu. Người Rơ Măm vẫn sống thành làng, nhưng làng được bố trí theo hình bầu dục, có nhiều cổng. Trang phục cổ truyền của phụ nữ Rơ Măm có loại váy quấn và áo cộc tay; nam giới có khố, áo, tấm choàng. Người Rơ Măm có tục cà răng, nam giới còn có tục xăm da.
Cùng với nhiều lễ hội như Lễ cưới, Lễ bỏ mả, Lễ mừng nhà rông mới… các nghi lễ gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn được người Rơ Măm gìn giữ và duy trì. Trong đó, Lễ hội Mở cửa kho lúa là lớn nhất, vì trong văn hóa tín ngưỡng của người Rơ Măm, cây lúa nắm giữ vai trò quan trọng, là lương thực chính của đồng bào, mang đến sự ấm no trong cuộc sống. Theo quan niệm của người Rơ Măm, mở cửa kho lúa là một nghi thức quan trọng, bắt buộc, trước khi người dân gùi lúa về nhà.
Hàng năm, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong (khoảng tháng 11-12 dương lịch), khi hạt lúa, hạt bắp, hạt kê đã được đem về cất kỹ trong nhà lúa trên rẫy, người Rơ Măm chuẩn bị các nghi thức cho việc tổ chức Lễ hội Mở cửa kho lúa. Lễ hội Mở cửa kho lúa diễn ra trong 3 ngày, nhưng người ta phải chuẩn bị các điều kiện vật chất, tinh thần trước đó cả tháng.
Già làng xem ngày và thông báo với Giàng về việc làng chuẩn bị làm lễ hội. Khi ngày giờ đã được ấn định, tất cả bắt tay vào chuẩn bị rượu, gạo, trâu, bò, heo, gà… Đàn ông “lên dây chiêng”, đàn bà con gái khẩn trương dệt nốt những bộ váy áo đẹp cho mình và người thân trong gia đình. Người thì vào rừng tìm tre già làm câu nêu, người thì lau chùi lại đàn, chiêng, người thì tất bật mổ gà, chặt ống tre, ủ rượu cần…
Khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, già làng (chủ lễ) làm cái lễ nhỏ. Lễ vật là một con gà, một ghè rượu để thông báo với Giàng và xin phép để làng làm cây nêu (loong gung găng). Công việc làm cây nêu chỉ được nam giới đảm nhận, từ việc chuẩn bị, lắp ráp, trang trí… Những người khéo tay nhất mới được tuyển chọn làm cây nêu cho lễ hội, những người còn lại được phân công theo khả năng của mình.
Khi các công đoạn đẽo cột, đẽo cây, làm chuỗi dây, làm các tua… đã xong, người ta lắp ráp các phần còn lại thành cây nêu lộng lẫy bởi cách trang trí độc đáo những mảng màu và hoa văn, những đường nét duyên dáng, uyển chuyển.
Khi các công đoạn hoàn tất, cây nêu được bảo quản thận trọng, bởi theo quan niệm của đồng bào, cây nêu lúc này không còn là cây tre bình thường nữa, mà nó là một vật thiêng, là đường lên xuống – cầu nối, mối liên hệ giữa cộng đồng và thới giới bên trên (Giàng).
Ngay tối đó, các gia đình mang những ghè rượu tới nhà Rông. Già làng làm lễ và thông báo với Giàng về tất cả các bước tiến hành, lễ thức của cộng đồng và công việc tổ chức lễ hội quan trọng này. Sau lời khấn, kho lúa được mở cửa. Trong không khí linh thiêng, phụ nữ làng gùi lúa ra sân để giã gạo cùng âm thanh sôi động của bài chiêng đâm trâu (bài Trum). Trong nhịp Xoang, những điệu múa uyển chuyển, thanh thoát của các cô gái Rơ Măm tăng thêm không khí tươi vui, nhộn nhịp của lễ hội. Cùng lúc đó, già làng tiếp tục báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất, cầu xin trời đất và thần linh cho mùa vụ được mưa thuận gió hòa; cây trồng không bị dịch bệnh; thú rừng không phá hoại mùa màng.
Sau những lời khấn, mời gọi thần linh về chứng giám và phù hộ, già làng ném gạo vào con vật hiến sinh (trâu), chia gạo cho dân làng. Khi đã nhận được gạo sẽ đồng loạt ném về phía con trâu, với ngụ ý cho trâu ăn đồng thời mong con vật hiến sinh sẽ đem hết vận xui đi và mang lại may mắn cho gia đình, cho cộng đồng làng.
Khi nghi lễ hoàn tất mọi người cùng uống rượu lễ tại nhà Rông, mang ý thiêng từ ngôi nhà chung của cộng đồng về từng gia đình mình để làm lễ. Lúc này, mỗi ông chủ gia đình, đóng vai trò là chủ lễ, tiến hành nghi lễ tại gia đình mình. Lễ vật là gà, heo, có khi cả trâu bò và rượu cần.
Chủ nhà (chủ lễ) đặt miếng gan của con vật lên tai ghè, gắn một cây nến bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng ghè và bắt đầu khấn. Lời khấn lúc nào cũng có ý chính là: Thông báo với Giàng về việc gia đình sẽ tổ chức lễ Mở cửa kho vào ngày mai, kể tên các lễ vật và ước muốn, cầu xin cho mùa màng tươi tốt, nhiều ngô, lúa và con người, vật nuôi không bệnh tật…
Sau lễ, chủ nhà uống can rượu đầu tiên và mời mọi người chung vui. Suốt đêm hôm đó, các gia đình qua lại hỏi thăm lẫn nhau, uống rượu, ăn thịt và chúc mừng nhau những gì tốt đẹp nhất; thanh niên nam nữ thì đáng chiêng, chơi đàn và hát, múa tại nhà Rông thâu đêm.
Lệ hội Mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm, với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tồn tại cùng với không gian và thời gian mang văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu, có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và mang tính nhân văn cao; thể hiện cho sự hài hòa giữa thiên nhiên, thần linh và con người qua đó cũng bày tỏ lòng cảm tạ của con người đối với vật hiến sinh và thần linh.